Đại dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh ở Mỹ và phương Tây nhưng đây là lý do vì sao cảnh tượng xác người chất trong xe đông lạnh khó có thể tái diễn
Nhìn vào số liệu thống kê ở Mỹ, Anh và phần còn lại của châu Âu, rõ ràng số ca mắc Covid-19 đang tăng mạnh ngay cả khi hàng trăm triệu người đã được tiêm phòng Covid-19. Tuy nhiên, đợt bùng phát này là tình huống khác hoàn toàn so với giai đoạn đầu của đại dịch.
- 09-09-2021Số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng "lớn chưa từng có", Singapore chuyển sang báo cáo các ca nhập viện
- 09-09-2021Không cần giấy đi đường, đây là cách Trung Quốc kiểm soát người dân đi lại khi Covid-19 bùng phát mạnh nhất
- 08-09-2021Nhờ xét nghiệm nhanh, một quốc gia nhỏ bé ở châu Âu đã 'đập tan' Covid-19
- 08-09-2021WHO chỉ trích các nước giàu "kéo dài đại dịch" vì tích trữ thuốc điều trị và vắc xin Covid-19
- 08-09-2021Nhiều hướng dẫn viên du lịch ở Thái Lan tự vẫn vì thất nghiệp do Covid-19
Số ca mắc kỷ lục không còn đồng nghĩa với khủng hoảng y tế
Số ca mắc Covid-19 hàng ngày ở phương Tây vẫn duy trì ở mức rất cao, thậm chí tương đương với đỉnh dịch trong quá khứ. Ở Mỹ, đường trung bình 7 ngày hiện nay đã tăng 4,9% so với một tuần trước đây. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ nói rằng đường trung bình 7 ngày với số ca mắc Covid-19 hiện tại cao hơn 123,6% so với cách đây 1 năm. Hiện tại, đã có 40 triệu người Mỹ mắc Covid-19.
Ở Anh, số ca mắc cũng rất cao. Tính đến 6/9, số ca mắc mới hàng ngày theo trung bình 7 ngày là 39.000 ca và liên tục tăng lên. Khu vực châu Âu cũng ghi nhận số ca mắc tăng cao. Ireland, Pháp, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Bulgaria nằm trong số những quốc gia có số ca mắc mới cao nhất trên 100.000 dân.
Theo các nhà khoa học, số ca mắc Covid-19 tăng cao là bởi sự lây lan của biến thể Delta, vốn có nồng độ virus cao đột biết cùng độc lực lớn. Hiện tại, đây cũng là biến thể chịu trách nhiệm cho hầu hết số ca mắc mới trên quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, không có cuộc khủng hoảng nào xảy ra như chúng ta từng thấy hơn 1 năm trước đây. Hình ảnh các nhà xác hết chỗ, thi thể bệnh nhân mắc Covid-19 phải đựng trong các xe tải đông lạnh đã không tái diễn. Sự tiến bộ trong các chương trình tiêm chủng ở phương Tây, với đại đa số người dân đủ điều kiện được tiêm phòng đầy đủ, đã tạo ra sự khác biệt rất lớn.
Tại Mỹ, 62,4% người dân trên 12 tuổi được tiêm phòng đầy đủ. Với nhóm người trên 65 tuổi, tỷ lệ tiêm chủng lên tới 82%. Tại Vương quốc Anh, 80,4% số dân trên 16 tuổi được tiêm phòng. Tỷ lệ trung bình của châu Âu đạt 70,4% số người lớn được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.
Bất chấp đợt bùng phát mới, số ca nhập viện và tử vong đã thấp hơn đáng kể so với trong quá khứ. Thậm chí, ở một số quốc gia, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều. Điều này chứng tỏ vắc xin góp phần giảm đáng kể số ca trở nặng và các trường hợp tử vong ở phương Tây.
Tuy nhiên, dữ liệu mà Our World in Data vẫn cho thấy số ca nhập viện ở Mỹ ở mức cao. Trước sự tái bùng phát đại dịch do biến thể Delta, Mỹ đã liên tiếp thúc giục người dân đi tiêm phòng. Quân đội và một số cơ quan nhà nước coi tiêm chủng là quy định bắt buộc. Ngoài ra, Mỹ cũng trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt đầy đủ vắc xin Covid-19 của Pfizer để đảm bảo người dân có thể yên tâm sử dụng.
Chúng ta không thể không thừa nhận rằng chưa có loại vắc xin nào được sử dụng ở Mỹ và châu Âu hiệu quả 100% trong phòng chống dịch. Một số ít người vẫn có nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19 dù đã tiêm phòng. Ngoài ra, việc biến thể Delta chiếm ưu thế có thể phản ánh khả năng miễn dịch từ vắc xin giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, hiệu quả của vắc xin chống Covid-19 ngày càng được thế giới công nhận.
"Theo một cách nào đó, chúng ta đã thấy biến thể Delta gây ra điều gì với những người đã và chưa tiêm chủng. Chúng ta đã có thể có hàng nghìn ca tử vong (ở Anh) mỗi ngày thay vì chỉ vài trăm người bệnh nặng như hiện nay", Giáo sư dịch tễ Danny Altmann của Đại học Hoàng gia London nhận định.
Vì sao số ca mắc vẫn cao và làm thế nào để "sống chung" với Covid-19?
CNBC đã mang câu hỏi lý do khiến số ca mắc Covid-19 vẫn cao tới các chuyên gia dịch tễ học người Anh. Andrew Freedman, nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Cardiff, tin rằng: "Biến thể Delta rất dễ lây lan và nó chính là nguyên nhân trực tiếp khiến số ca mắc Covid-19 tăng, nhất là khi nhiều quốc gia đang đưa cuộc sống trở lại bình thường".
Tuy nhiên, Covid-19 có thể lây lan mạnh ở những người chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ. Các thống kê cũng cho thấy một tỷ lệ lớn các ca mắc là trẻ em và thanh thiếu niên, những đối tượng chưa được tiêm chủng do khuyến cáo khi cấp phép khẩn cấp cho vắc xin.
"Chúng tôi hiểu rằng vắc xin chỉ có hiệu quả một phần trong việc ngăn chặn lây nhiễm biến thể Delta nhưng nó hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn bệnh trở nặng, hạn chế số ca nhập viện và tử vong. Những người đã tiêm phòng hầu hết mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ. Dù vậy, một số ít người, đặc biệt là người già và yếu hơn, vẫn có nguy cơ trở nặng", ông Freedman cho biết.
Đã từ lâu, các nhà dịch tễ học và chuyên gia y tế cộng đồng đã bày tỏ quan điểm rằng đại dịch Covid-19 là thứ mà chúng ta có thể sẽ phải quen dần với sự hiện diện của nó trong cuộc sống. Theo dự báo, nó sẽ trở thành dịch bệnh thông thường và không thể tiêu diệt.
Các quốc gia theo đuổi chiến lược "Zero Covid" (ngăn chặn hoàn toàn dịch bệnh) cũng đang chuyển hướng. Singapore hay Australia, các nước từng ban hành những quy định nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan của dịch bệnh, cũng dần chuyển hướng sang chính sách sống chung với dịch bệnh. Ngay cả khi chủng Delta lây lan mạnh, họ vẫn có thể theo đuổi chính sách này nhờ phần lớn dân số được tiêm phòng. Chỉ còn New Zealand đang duy trì chiến lược "Zero Covid".
Tuy nhiên, để có thể sống chung với dịch, các chuyên gia dịch tễ hàng đầu vẫn khẳng định cần thúc đẩy tỷ lệ tiêm vắc xin. Ngay cả khi các nghiên cứu lâm sàng cho thấy biến thể Delta có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc xin thì khả năng bảo vệ của chúng cũng rất lớn, giúp hầu hết mọi người an toàn trước dịch bệnh.
Ở Singapore hiện nay, nhà chức trách nước này đã không còn cập nhật số ca mắc Covid-19 hàng ngày. Thay vào đó, Singapore tập trung cập nhật số ca mắc phải nhập viện cũng như tình trạng của hệ thống chăm sóc y tế. Theo Bộ Y tế nước này, việc làm này để chuyển hướng sự tập trung của toàn xã hội vào năng lực y tế của đất nước. Singapore đã chuyển sang chiến lược mới nên báo cáo số ca mắc Covid-19 hàng ngày đã không còn ý nghĩa.
Dẫu vậy, để có được cái gọi là bình thường mới, Giáo sư dịch tễ Danny Altmann của Đại học Hoàng gia London cũng nhấn mạnh cần phải tiêm chủng cho toàn dân, bao gồm cả học sinh của các trường học, để ngăn chặn nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Việc ngồi yên trong nhà, đóng cửa biên giới, sẽ khó đưa cuộc sống trở lại bình thường. Thậm chí, việc để số ca mắc lớn có thể tạo ra một biến thể khác mà nó có thể đánh bại hoàn toàn các nỗ lực phòng chống hiện có của con người.