Đại dịch Covid-19 "thổi bay" ván cược kinh tế Trung Quốc ở châu Phi
Trọng tâm các hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi như sáng kiến Vành đai và Con đường với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ USD, đang phải đối mặt với nhiều rủi ro.
- 03-05-2020Bất chấp COVID-19, Trung Quốc liên tiếp có thêm tỷ phú USD
- 03-05-2020Tâm sự nhà đầu tư thời khủng hoảng: Tôi đã mất hàng trăm nghìn USD vì Covid-19 như thế nào?
- 03-05-2020Học cách ‘chơi trội’ cùng Netflix, Apple, Google...: Khách hàng sẽ không mua hàng của một thương hiệu không gây được ấn tượng
Trung Quốc đối mặt khả năng mất trắng hàng chục tỉ
Các hoạt động thương mại của Trung Quốc ở châu Phi, điển hình như đầu tư, cho vay, và các dự án cơ sở hạ tầng, trong thời gian dài đã luôn trở thành tâm điểm của những sự chỉ trích và hoài nghi. Những cáo buộc nhằm vào Bắc Kinh hướng tới mục tiêu kiểm soát các nguồn tài nguyên quý giá, thông qua việc đẩy những quốc gia ở lục địa Đen vào "bẫy nợ".
Nhưng khi giá dầu, cũng như các tài nguyên như khoáng sản và đồng được khai thác tại châu Phi giảm mạnh do tác động từ sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, kéo theo đó là triển vọng ảm đạm của các dự án đầu tư do Trung Quốc tài trợ.
Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép từ bỏ hàng chục tỉ USD khoản vay cho các quốc gia châu Phi kể từ những năm đầu 2000.
Thậm chí cả trọng tâm của hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi, các dự án phát triển hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường với giá trị lên tới hàng nghìn tỉ USD, cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc khi ghi nhận mức suy thoái 6,8% trong quý 1.
Đã có nhiều nghi hoặc liệu Trung Quốc còn khả năng tài chính thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường trong tương lai, mà một dấu hiệu rõ ràng là trong các cuộc họp của Bộ chính trị Trung Quốc gần đây đã không còn nhắc đến sáng kiến này như một trọng tâm chiến lược, nhà bình luận Minxin Pei viết cho Nikkei Asian Review.
Các lãnh đạo Trung Quốc chủ yếu coi châu Phi như một nguồn tài nguyên về khoáng sản. Việc Trung Quốc tăng trưởng nhanh trong giai đoạn những năm 1990 đã thúc đẩy nhu cầu khổng lồ về dầu và các nguồn tài nguyên về đất, trong bối cảnh đó, châu Phi xuất hiện như một giải pháp hiệu quả. Nhất là khi sự hiện diện của các công ty đa quốc gia tại châu lục này đã không còn mạnh mẽ như trước, và Trung Quốc có thể dễ dàng sử dụng tiềm lực tài chính để đánh bật họ khỏi các dự án dầu mỏ và khai khoáng, ông Minxin Pei lý giải.
Về những lý do không rõ ràng khác, chính phủ Trung Quốc tin rằng, với vị thế là chủ nợ và cổ đông lớn, họ có thể tiếp cận với những nguồn tài nguyên quý giá ở châu Phi.
Do đó, Trung Quốc đã không ngần ngại đổ tiền và trở thành quốc gia cho vay tích cực nhất tại châu Phi. Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, Trung Quốc đã cho vay 152 tỷ USD cho 49 quốc gia châu Phi trong khoản thời gian từ 2000 - 2018. Ngân hàng Thế giới ước tính đến thời điểm 2017, giá trị các khoản vay của Trung Quốc ở khu vực này ở mức 64 tỷ USD, tương đương 60% nợ song phương của các nước châu Phi.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng, Trung Quốc cũng đánh cược và các khoản đầu tư trực tiếp, chủ yếu thông qua các công ty nhà nước. Trong giai đoạn 2008 - 2018, đầu tư FDI của Trung Quốc tại châu Phi tăng từ 7,8 tỷ USD lên 46 tỷ USD.
Ván cược của Trung Quốc thất bại?
Trên lý thuyết, Trung Quốc có thể đã đạt được mục đích về kinh tế. Dữ liệu chính thức ghi nhận kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi tăng từ 107 tỷ USD lên 204 tỷ USD vào 2018.
Nhưng câu hỏi là liệu Trung Quốc có thể thúc đẩy thương mại và duy trì việc tiếp cận các nguồn tài nguyên ở châu Phi?
Ván cược của Trung Quốc ở châu Phi có vẻ đã thất bại. Việc Trung Quốc đẩy mạnh sự hiện diện ở châu Phi cũng trùng với thời điểm giá cả hàng hoá và tài nguyên trên thị trường thế giới gia tăng chóng mặt, mà một phần cũng đến từ nhu cầu lớn từ phía Trung Quốc. Do đó, các công ty Trung Quốc buộc phải trả một cái giá "chát" cho những tài sản mà nhiều khả năng sẽ mất giá một khi thị trường toàn cầu quay về giai đoạn điều chỉnh.
Ở thời điểm hiện tại, khi sự bùng phát của đại dịch đang tàn phá nền kinh tế và xã hội tại các nước châu Phi, Trung Quốc rõ ràng cần một chiến lược rút khỏi khu vực. Bắc Kinh cần nhận ra rằng họ khó có thể lấy lại phần lớn các khoản đầu tư và cho vay đã mất giá nhanh chóng bởi tác động nghiêm trọng của đại dịch lên nền kinh tế châu Phi, ông Minxin Pei cho hay.
Một phương án chính trị hiệu quả vào lúc này là Trung Quốc có thể xóa bỏ các khoản vay như một hình thức hỗ trợ nhân đạo. Đây là các thức để Trung Quốc có thể duy trì một hình ảnh đẹp trong mắt các bên, nhất là khi khả năng thu hồi các khoản đầu tư đã không còn là một thực tế.
Tổ Quốc