Đại dịch Covid-19 và bài học xương máu cho startup công nghệ lớn nhất Đông Nam Á
Trong những tuần đầu xuất hiện dịch coronavirus, CEO kiêm đồng sáng lập Anthony Tan của Grab đã lầm tưởng rằng dịch bệnh này chỉ là vấn đề cục bộ của Trung Quốc giống như dịch SARS năm 2003.
- 14-08-2020Financial Times: WeChat Trung Quốc sẽ không chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm từ Trump
- 14-08-2020Báo Nhật: Từ sự tham gia của Vingroup đến tiềm năng và thách thức hậu Covid-19 cho lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế ở Việt Nam
Khi Covid-19 bùng phát thành đại dịch khiến thị trường lao đao, CEO 38 tuổi của Grab đã phải tìm đến lời khuyên từ những nhà đầu tư lọc lõi của mình, bao gồm Chủ tịch Masayoshi Son của SoftBank và CEO Satya Nadella của Microsoft.
Những lời khuyên được đưa ra rất rõ ràng: Chẳng có ai biết được cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài hay nghiêm trọng tới đâu. Anthony Tan hiểu rằng ông sẽ phải đặt ra những giới hạn và đưa ra những quyết định dứt khoát, bất kể đó là những quyết định không được chào đón.
Tan mô tả: "Không còn gì phải bàn cãi nữa cả, chỉ có thực hiện thôi".
Tháng 6 vừa qua, Grab đã phải cắt giảm khoảng 360 người lao động, tương đương gần 5% số nhân viên chính thức, sau khi đã cắt giảm hết các khoản chi tiêu tự do.
Tan tâm sự trong buổi phỏng vấn đầu tiên sau cuộc cắt giảm nhân sự: "Tôi nhớ rằng mình đã không thể ngừng rơi nước mắt. Tôi không bao giờ muốn trải qua việc này thêm một lần nào nữa".
Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng đầu tiên đối với hệ sinh thái khởi nghiệp 10 tuổi của Đông Nam Á. Trong đó, Grab đã trở thành một cái tên quen thuộc và là doanh nghiệp khởi nghiệp lớn nhất khu vực với giá trị đạt hơn 14 tỷ USD.
Khi khu vực 650 triệu dân buộc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội vì dịch coronavirus, Grab đã phải đối mặt với nhu cầu giảm mạnh đối với mảng kết nối vận tải. Nhưng sau đó, gần 150 nghìn tài xế vận tải đối tác của công ty đã nhanh chóng trở thành các tài xế giao hàng tận nhà cho khách.
Tan cho biết ông đã chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai mà một phần người dùng của Grab sẽ làm việc tại nhà: "Giao đồ ăn đã trở thành thông lệ mới, mảng giao hàng tạp hóa và thanh toán điện tử đều đang phát triển rất nhanh, nên hành vi người tiêu dùng đã thay đổi vĩnh viễn bất kể có hay không có vắc-xin. Và rồi tất cả chúng ta đều được hưởng lợi".
Cung cấp các dịch vụ tài chính
Tại Indonesia, thị trường lớn nhất của Grab, Grab đang cạnh tranh dữ dội với đối thủ Gojek, đang gia tăng gấp đôi hoạt động giao hàng. Mảng giao nhận thực phẩm mới 2 năm tuổi đang dần vượt qua mảng kết nối vận tải, vốn là mảng kinh doanh chủ chốt và lâu đời của công ty này.
Grab cũng phải sắp xếp lại các kế hoạch kinh doanh với các dịch vụ du lịch và lữ hành khi người tiêu dùng buộc phải ở nhà. Thay vào đó, công ty này đang đẩy mạnh các dịch vụ tài chính của mình qua việc gia tăng các giao dịch thanh toán số và nâng số lượng doanh nghiệp nhỏ đang tìm kiếm các khoản vốn vay lưu động. Các dịch vụ tài chính hiện tại của công ty bao gồm quản lý tài sản, bảo hiểm, và cho vay tài chính.
Trước khi đại dịch xuất hiện, Grab đang trong công cuộc chuyển mình thành một siêu ứng dụng hàng ngày. Biến cố dịch Covid-19 đã khiến công ty phải đẩy nhanh các kế hoạch, bao gồm việc giới thiệu thêm nhiều dịch vụ cho các tài xế và người bán trên nền tảng. Công ty cho biết vẫn đang chờ kết quả xin giấy phép hoạt động ngân hàng số tại Singapore.
Tan chia sẻ rằng, sự xuất hiện của đại dịch ban đầu buộc ông phải suy tính đến cuộc chiến sinh tồn của công ty trong ngắn hạn. Nhưng thời gian làm việc tại nhà trong vài tháng cùng với những lời tham vấn của các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới đã khiến ông phản tỉnh và suy nghĩ về những chiến lược lâu dài hơn.
Tan nói rằng việc điên cuồng và chi li trong cắt giảm ngân sách đang giúp Grab tiến nhanh hơn đến mục tiêu có lãi, mặc dù ông không đưa ra một khoảng thời gian cụ thể.
Khi nhận xét về tác động của đại dịch đối với Grab, Jixun Foo, giám đốc điều hành Quỹ GGV Capital và là một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Grab, cho rằng tốc độ là điều tối quan trọng. Ông nói thêm: "Khi thuận lợi thì người người nhà nhà đều cố gắng giành giật thị phần. Nhưng khi một cơn sóng thần xuất hiện, những công ty tốt nhất sẽ phản ứng nhanh nhất và điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình một cách nhanh nhất".
Grab hiện đang hoạt động tại 351 thành phố ở 8 quốc gia Đông Nam Á. Năm 2018, công ty này đã thu hút sự chú ý toàn cầu khi buộc Uber phải bán lại mảng kinh doanh trong khu vực Đông Nam Á cho mình sau 5 năm cạnh tranh khốc liệt. Đổi lại, Uber nắm giữ một lượng cổ phần tại Grab. Số liệu của Grab cho thấy ứng dụng này đã có tổng cộng 198 triệu lượt tải xuống và một mạng lưới hơn 9 triệu tài xế, người bán và các đại lý.