Đại diện Bộ Tài chính: Cách lập báo cáo tài chính hợp nhất hiện nay của nhiều doanh nghiệp rất sai lầm
Theo đại diện Bộ Tài chính, không doanh nghiệp nào trên thế giới như Việt Nam, tức đợi đến sát ngày cuối tháng mới làm BCTC hợp nhất. Trong khi đó, nước ngoài họ soát xét và xử lý hàng ngày, cuối tháng theo đó chỉ quét lại các phát sinh giao dịch nội bộ còn chưa xử lý hết.
Tiếp tục thông tin về lộ trình áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS), ngày 16/8/2019 HoSE đã phối hợp với Deloitte Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm đưa ra những giải pháp về nguồn lực cho doanh nghiệp nhằm lựa chọn mô hình chuyển đổi tuân thủ IFRS phù hợp.
Hội thảo lần này xoay quanh việc lập BCTC hợp nhất theo chuẩn IFRS, trong bối cảnh hiện có rất nhiều doanh nghiệp niêm yết có mô hình hoạt động dưới hình thức công ty mẹ - công ty con, công ty liên doanh liên kết…
Các DN nên có sự hợp tác chặt chẽ với các công ty kiểm toán
"Thị trường tài chính Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Việc áp dụng chuẩn mực kế toán theo thông lệ quốc tế vào Việt Nam là rất cần thiết trong việc giúp công ty tăng cường tính minh bạch, và trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư từ đó duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường", ông Trịnh Đức Vinh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát Kế toán và Kiểm toán của Bộ Tài chính chia sẻ.
Với luận điểm trên, Đề án áp dụng IFRS đã được Bộ giới thiệu và lấy ý kiến công chúng từ tháng 4/2019, lộ trình thực hiện bao gồm hai giai đoạn là (1) các doanh nghiệp tự nguyện lập và trình bày BCTC hợp nhất theo IFRS từ năm 2022-2025 và (2) bắt buột thực hiện sau năm 2025.
Nói chi tiết hơn về lộ trình trên, ông Vinh cho biết thực tế hiện nay Bộ vân đang xây dựng, trong đó Bộ không thể hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp mà ban đầu sẽ chỉ hỗ trợ những đơn vị nào tự nguyện áp dụng IFRS.
Do nguồn lực của Bộ có hạn, theo đó trước mắt Bộ sẽ đào tạo lần lượt từng chuẩn mực cho các đơn vị chức năng – là "cánh tay đứng đầu" của Bộ để từ đó truyền tải, lan toả xuống các doanh nghiệp còn lại.
"Tháng 8 chúng tôi đã đào tạo được 2 chuẩn mực, dự kiến tháng 9 tiếp tục đào tạo thêm 4 chuẩn mực nữa trong khoảng 4 ngày; đối tượng đào tạo sẽ gồm kiểm toán viên, giảng viên đại học, kế toán trưởng những doanh nghiệp lớn đã đăng ký tự nguyện áp dụng IFRS với Bộ", đại diện Bộ cho biết thêm.
Do đó, vị này khuyến cáo các doanh nghiệp còn lại nên có sự hợp tác chặt chẽ với các công ty kiểm toán để được truyền tải quyết định, kiến thức trong giai đoạn đầu từ 2022-2025.
Nhiều DN đưa ra lý do có quá nhiều công ty con hay phát sinh quá nhiều giao dịch dẫn đến chưa làm kịp BCTC
Nói về việc ghi nhận báo cáo hiện nay trên thị trường, ông Vinh khẳng định: "Cách làm BCTC hợp nhất hiện nay rất sai lầm. Chúng ta vẫn cứ nghĩ đến hạn công bố mới bắt đầu làm BCTC hợp nhất thì không phải".
Công ty mẹ và công ty con có rất nhiều giao dịch nội bộ, và BCTC hợp nhất hiểu chính xác là là tiến hành loại trừ số dư sau những giao dịch đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta không xử lý giao dịch nội bộ hàng ngày thì sẽ không làm BCTC hợp nhất kịp được.
Hiện, không doanh nghiệp nào trên thế giới như Việt Nam, tức đợi đến sát ngày cuối tháng mới làm BCTC hợp nhất. Trong khi đó, nước ngoài họ soát xét và xử lý hàng ngày, cuối tháng theo đó chỉ quét lại các phát sinh giao dịch nội bộ còn chưa xử lý hết.
Do đó, việc nhiều doanh nghiệp đưa ra lý do có quá nhiều công ty con hay phát sinh quá nhiều giao dịch dẫn đến chưa làm kịp theo đại diện Bộ là không chấp nhận được.
Mặt khác, BCTC hợp nhất trên cơ sở tài sản thuần, do đó từ bây giờ phải nâng cấp phần mềm để chiết xuất thông tin tương đối sát sao với tài sản thuần, ví dụ sau thương vụ thoái vốn hoặc mua công ty con có thể diễn ra bất kỳ thời điểm nào, do đó phần mềm phải xuất được giá trị ròng ngay tại thời điểm phát sinh giao dịch.
Cuối cùng, "Chúng ta đừng bị IFRS làm cho ngợp, đúng là có sự khác biệt với Việt Nam nhưng nếu chúng ta chủ động tiếp cận thì mọi khó khăn sẽ vượt qua", ông Vinh chốt vấn đề.