Đại diện Novaland: Công ty đại chúng không được mua lại cổ phiếu quỹ, phải làm sao để phòng vệ rủi ro bị thâu tóm?
Đặc biệt quan tâm đến quy định công ty đại chúng không mua lại cổ phiếu của chính mình, NVL cho biết một số cá nhân, tổ chức có thể lợi dụng quy định bắt buộc chào mua công khai để hạn chế quyền mua lại cổ phiếu của công ty trong trường hợp họ đang chào mua công khai.
Cần quy định rõ việc đăng ký UBCKNN để trở thành công ty đại chúng
Theo Luật Chứng khoán sửa đổi, định nghĩa Công ty đại chúng (CTĐC) là công ty cổ phần (CTCP) trong hai loại hình:
(1) Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng thông qua đăng ký với UBCKNN theo quy định tại khoản 1 điều 13 Luật này;
(2) CTCP theo quy định tại điểm b khoản 1 điều này phải nộp báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả hoàn thành đợt chào bán, UBCKNN có trách nhiệm xác nhận việc trở thành CTĐC theo quy định tại khoản 3 điều này.
Tham luận về nội dung này, CTCP Địa ốc Nova (Novaland, NVL) theo Luật Chứng khoán 2006 thì việc chào bán cổ phiếu ra công chúng phải đăng ký UBCKNN và công ty đã thực hiện chào bán thì đương nhiên trở thành CTĐC mà không cần làm thủ tục xác nhận tại UBCKNN. Như vậy, NVL đặt vấn đề CTĐC đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng trước thời điểm Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực thì có phải thực hiện thủ tục theo quy định mới.
Theo đó, NLV đề xuất dự thảo phải quy định rõ ràng vấn đề nêu trên để CTĐC có căn cứ thực hiện.
Mặt khác, liên quan đến việc phải chào mua công khai và đăng ký với UBCKNN, điểm b khoản 1 điều 34 quy định "Tổ chức, cá nhân và người có liên quan theo quy định tại điểm a, b, c, d, e, g, h và k khoản 39 điều 4 Luật này nắm giữ từ 25% cổ phiếu trở lên có quyền biểu quyết, chứng chỉ quỹ của CTĐC, quỹ đóng góp dự kiến mua tiếp dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu đạt/vượt mức 35%, 45%, 55%, 65%, 75% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một CTĐC hoặc chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành".
Theo NVL, nội dung này sẽ dẫn đến 2 cách hiểu trong trường hợp nhà đầu tư đang nắm giữ 36% cổ phiếu có quyền biểu quyết, dự kiến mua thêm dẫn đến sở hữu tỷ lệ 41%, gồm:
(1) Cách hiểu 1: Không cần phải chào mua công khai. Bởi, tỷ lệ cổ phiếu đang sở hữu và tỷ lệ sở hữu dự kiến sau khi chào mua đều nằm trong khoảng từ 35% đến dưới 45%, nếu tỷ lệ sở hữu dự kiến sau khi chào mua từ 45% trở lên mới phải chào mua công khai;
(2) Cách hiểu 2: Phải chào mua công khai. Cụ thể, tỷ lệ sở hữu dự kiến sau khi chào mua không dưới 35%, không phân biệt tỷ lệ cổ phiếu đang sở hữu và tỷ lệ sở hữu cổ phiếu dự kiến sau khi chào mua đều nằm trong khoảng từ 35% đến dưới 45%.
Công ty đại chúng không được mua lại cổ phiếu của chính mình, làm sao để phòng vệ rủi ro bị thâu tóm?
Đặc biệt quan tâm đến quy định CTĐC không mua lại cổ phiếu của chính mình, NVL cho biết một số cá nhân, tổ chức có thể lợi dụng quy định bắt buộc chào mua công khai để hạn chế quyền mua lại cổ phiếu của công ty trong trường hợp họ đang chào mua công khai. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cổ đông, cán bộ công nhân viên khi không được công ty mua lại cổ phiếu theo quy định của pháp luật và quy chế phát hành.
Đại diện NVL phát biểu tại hội thảo "Đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Chứng khoán Sửa đổi" diễn ra sáng ngày 14/11/2018 tại Tp.HCM.
Nghiêm trọng hơn, NVL nhấn mạnh, công ty không thể mua lại cổ phiếu như một giải pháp phòng vệ khi phát hiện cá nhân, tổ chức có hành vi thâu tóm cổ phiếu, gây ảnh hưởng đến hoạt động công ty.
Song song với đó, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cũng quy định CTĐC mua lại cổ phiếu của chính mình phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng tổng giá trị mệnh giá các cổ phiếu được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày (kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phiếu). Tại đây, NVL tham luận quy định phải giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phiếu của công ty sẽ gây khó khăn cho hoạt động CTĐC, một số trường hợp điển hình như:
TH 1: Công ty thường xuyên mua lại cổ phiếu thưởng đã phát hành cho CBCNV khi nghỉ việc (hoặc trường hợp khác theo quy chế phát hành), sau đó bán lại, thưởng cho CBCNV khác.
TH 2: Công ty mua lại cổ phiếu khi nhận thấy cá nhân, tổ chức khác có hành vi thâu tóm cổ phiếu, gây ảnh hưởng đến hoạt động công ty. Sau khi không còn yếu tố gây ảnh hưởng thì công ty bán lại cổ phiếu này.
Theo NVL, các trường hợp trên diễn ra thường xuyên, do đó nếu yêu cầu phải thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ sau đó làm thủ tục tăng vốn điều lệ khi phát hành thêm cổ phiếu sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính cho công ty.
Một vấn đề đáng quan tâm khác, quy định tại Luật Chứng khoán sửa đổi cũng ghi nhận trường hợp công ty mua lại cổ phiếu của CBCNV theo quy chế phát hành thì công ty phải báo cáo ĐHĐCĐ thường niên, phải thông qua tổng số lượng cổ phiếu của CBCNV được công ty mua lại.
Phải giảm vốn điều lệ sau 10 ngày ĐHĐCĐ thông qua, công ty sẽ xử lý như thế nào nếu chưa mua đủ số lượng theo phê duyệt?
Song song, luật sửa đổi yêu cầu công ty phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng tổng giá trị mệnh giá các cổ phiếu được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ĐHĐCĐ thường niên hằng năm thông qua.
Theo quan điểm NVL, quy định này bao gồm 3 giai đoạn:
(i) GĐ 1: Công ty thực hiện mua lại cổ phiếu theo quy chế phát hành;
(ii) GĐ 2: ĐHĐCĐ thường niên hằng năm thông qua tổng số cổ phiếu được công ty mua lại;
(iii) GĐ 3: Thực hiện giảm vốn điều lệ.
Tuy nhiên, cho rằng dự thảo luật chưa làm rõ ràng GĐ 1 và GĐ 2, GĐ nào sẽ được thực hiện trước. Hệ quả là, 2 vấn đề có thể xảy ra nếu không xác định rõ vấn đề, như:
1. Nếu GĐ 1 được thực hiện trước có nghĩa công ty mua lại cổ phiếu theo quy chế phát hành, sau đó đến kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên hằng năm mà không thông qua số lượng cổ phiếu đã mua, thì sẽ xử lý như thế nào?
2. Nếu GĐ 2 được thực hiện trước có nghĩa ĐHĐCĐ thường niên hằng năm đã thông qua số lượng cổ phiếu được mua lại, sau đó công ty tiến hành thực hiện mua theo số lượng phê duyệt. Sau đó, công ty phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ĐHĐCĐ thường niên thông qua, nếu công ty chưa mua lại đủ số lượng trên thì phải xử lý như thế nào?
Trí Thức Trẻ