Đại diện TMX: Thương mại điện tử là tất yếu trong bối cảnh 'bình thường mới', là công cụ tồn tại và cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ
Thực tế thống kê, tổng thời gian khách hàng Việt Nam dành để mua sắm trên sàn thương mại điện tử Shopee tăng 25% trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, và TMĐT ở Việt Nam tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến thế giới chuyển đổi theo xu hướng kỹ thuật số: từ làm việc và tham dự các cuộc họp đến mua hàng thiết yếu trực tuyến, tất cả đang trở thành thói quen mới đối với nhiều người. Điều này thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh trên thế giới nói chung, trong khu vực và đặc biệt Việt Nam nói riêng.
Theo báo cáo SYNC Đông Nam Á hàng năm của Facebook và Bain & Company cho thấy, người tiêu dùng trong khu vực không chỉ chi tiêu mua hàng trực tuyến nhiều hơn trong năm nay, mà nhiều người trong số họ (chiếm khoảng 45%) đang sử dụng các kênh online như một kênh mua hàng chính.
Riêng tại Việt Nam, thời gian gần đây chứng khiến sự trỗi dậy của các nhà bán lẻ hiện đại (Modern Trade – MT - bao gồm những chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị) và các kênh mua bán trực tuyến nhắm đến một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam, những người trước đây không quan tâm đến TMĐT.
Thực tế thống kê, tổng thời gian khách hàng Việt Nam dành để mua sắm trên sàn TMĐT Shopee tăng 25% trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, và TMĐT ở Việt Nam tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Sự đa dạng về các hình thức mua sắm trên sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của TMĐT hay các kênh mua sắm đem lại sự tiện lợi, an toàn cho khách hàng." bà Chau Turner – Giám đốc phát triển kinh doanh của công ty TMX, đơn vị tư vấn hàng đầu về chuỗi cung ứng và chuyển đổi số, nhận định trong chia sẻ mới đây.
Cùng với TMĐT, chúng ta cũng có thể thấy sự tăng trưởng bền vững trong thương mại truyền thống. Theo thống kê cho thấy trong nửa đầu năm 2020, các kênh thương mại truyền thống ở Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đã tăng gấp đôi số lượng đơn đặt hàng cũng như tổng giá trị hàng hóa tăng gấp ba lần so với năm trước.
Phía TMX cũng nhấn mạnh, đại dịch và những hạn chế đang diễn ra khiến cho cầu nối giữa người tiêu dùng và các nhà bán lẻ đã bị đứt gãy. Sự hạn chế khả năng tiếp cận địa điểm bán hàng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải đặt hàng qua các kênh mua sắm online. Vì thế các sàn TMĐT là lựa chọn khả dĩ nhất để đảm bảo tính kết nối với nhà bán lẻ, cũng như hạn chế lây lan dịch Covid-19.
Việc hình thành thói quen mua sắm trực tuyến cũng là cơ hội để nhà bán lẻ hiện đại (MT) tập trung phát triển mô hình bán hàng đa kênh, không phụ thuộc chỉ vào việc bán hàng thông qua các hệ thống cửa hàng của họ.
Đối với nhiều người tiêu dùng ở các vùng nông thôn của Việt Nam hay người tiêu dùng ưa chuộng phương thức mua hàng truyền thống, thì các cửa hàng và khu chợ xanh (General Trade - GT) vẫn là địa điểm mua sắm quen thuộc bởi các cửa hàng này có vị trí thuận tiện, len lỏi sâu vào các khu dân cư, và cung cấp lựa chọn hàng hóa hợp lý hơn về mặt kinh tế.
Tuy nhiên kênh truyền thống này cũng gặp phải những thách thức trong thời gian gần đây như không tiếp cận được nguồn hàng do các nhà phân phối cho kênh này gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, phương tiện vận tải lưu thông cũng như chi phí hậu cần. Để giải quyết được vấn đề này, các nhà phân phối cho thị trường bán lẻ truyền thống buộc phải có chiến lược và cải cách vận hành tốt hơn.
Một ví dụ điển hình là sự thành công của tập đoàn One Mount Group thông qua ứng dụng VinShop. Tập đoàn này đang số hóa hệ thống bán lẻ kênh truyền thống (GT). Ứng dụng này mang đến cho chủ sở hữu các cửa hàng bán lẻ truyền thống của Việt Nam cơ hội theo kịp nhu cầu của người tiêu dùng hiểu biết hơn về kỹ thuật số và cung cấp dịch vụ tốt hơn sự mong đợi của khách hàng. Chủ cửa hàng có thể biết được những sản phẩm sắp hết và họ có thể lên kế hoạch và kết nối với nhà phân phối để đảm bảo luôn có đủ hàng hóa phục vụ cho khách hàng trong khu vực với những gì họ cần.
"Là một công ty tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số, chúng tôi nhận thấy cơ hội dành cho tất cả các nhà bán lẻ, cho dù họ đang hoạt động trong kênh GT, MT hay các nhà phân phối có thể đưa công nghệ số vào quản lý và vận hành để đáp ứng xu thế đa dạng hóa mô hình kinh doanh, bán hàng tại cửa hàng thực cũng như bán hàng trực tuyến" bà Chau Turner bày tỏ.
Một ví dụ điển hình về các công cụ kỹ thuật số thích hợp để tối ưu trải nghiệm của khách hàng và tăng trưởng doanh thu là công nghệ scan and go. Khách hàng có thể sử dụng để quét sản phẩm và thanh toán khi mua hàng. Hay những ứng dụng công nghệ cho phép chủ cửa hàng quản lý sản phẩm có sẵn trên kệ.
Tựu chung, với xu hướng tiêu dùng mới, điều quan trọng là các doanh nghiệp bán lẻ ít nhất phải có chiến lược cho kênh trực tuyến và sẵn sàng thực hiện để duy trì tính cạnh tranh. Bởi, bán hàng online là một điều tất yếu trong bối cảnh bình thường mới. Do đó, các doanh nghiệp và nhà bán lẻ tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tạp hóa và nông sản, sẽ cần xem xét chuyển sang TMĐT để tồn tại và cạnh tranh.
Trong đó, điều quan trọng đầu tiên để chuyển đổi, theo báo cáo nghiên cứu gần đây nhất của TXM, là đánh giá lại chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp từ đầu đến cuối, xác định các lỗ hổng, tối ưu hóa quy trình quản lý và vận hành, và xây dựng chiến lược cho tương lai .
Điều quan trọng thứ hai là công tác xây dựng đội ngũ nhân lực có khả năng và kiến thức để áp dụng mô hình kỹ thuật số hiệu quả và bền vững.