Đại diện Trần Anh: ‘Điện máy Xanh thành công nhờ thừa hưởng từ TGDĐ, nhưng nhiều mô hình tương tự ở Nhật đã phải đóng cửa hàng loạt sau thành công ban đầu’
Điện máy Xanh, Trần Anh và Nguyễn Kim đang đi theo 3 mô hình kinh doanh khác nhau - Cửa hàng tiện lợi, Đại siêu thị và Shop-in-shop.
Các doanh nghiệp điện máy trên thị trường đang đi theo 3 chiến lược kinh doanh hoàn toàn khác biệt.
Trần Anh, với sự tham gia của đối tác chiến lược Nhật Bản – Nojima, đang đi theo mô hình Đại siêu thị với diện tích lớn, nhiều tiện ích đi kèm như bãi đỗ xe, khu vui chơi trẻ em…
Nguyễn Kim, với sự tham gia của đối tác Thái Lan – Central Group, đi theo mô hình Shop-in-shop, mở rộng theo hướng đặt cửa hàng bên trong các trung tâm thương mại. Chiến lược này bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái, khi Thế giới Di động buộc phải rút khỏi 22 cửa hàng Big C để “nhường chỗ” cho thương hiệu điện máy lâu đời hơn này.
Điện máy Xanh vốn “sinh sau đẻ muộn”, lựa chọn đi theo 2 hướng: Điện máy Xanh “chuẩn” với quy mô 600 – 1.000m2, và chiến lược chính là Điện máy Xanh mini, quy mô chỉ 300 – 400m2. Với mô hình mini tương tự như cửa hàng tiện lợi, Điện máy Xanh đã bùng nổ số lượng cửa hàng nhanh hơn bất cứ siêu thị điện máy nào, dự kiến có thể lên tới 400 cửa hàng trong năm 2017.
Phân tích ưu – nhược điểm của 3 mô hình nói trên, ông Ngô Thành Đạt - Giám đốc Marketing Trần Anh – cho biết: “Trần Anh, Điện máy Xanh và Nguyễn Kim đang là 3 doanh nghiệp tạo được dấu ấn riêng với 3 chiến lược phát triển hoàn toàn khác biệt, được xây dựng dựa trên lợi thế cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Bao giờ cũng vậy, ưu điểm luôn song hành cùng với nhược điểm”.
Shop-in-shop – tận dụng được khách hàng mua sắm ở TTTM, nhưng tính chủ động thấp
Theo ông Đạt, ưu điểm của mô hình Shop-in-shop mà Nguyễn Kim đang theo đuổi là tận dụng được lượng khách hàng trong hệ sinh thái mua sắm của Trung tâm thương mại, cũng như tối ưu được lượng khách đến với trung tâm.
Tuy nhiên các cửa hàng trong trung tâm thương mại sẽ khó để làm các chương trình marketing hút khách cho từng điểm mua sắm của mình. Hàng điện máy có giá trị cao so với thu nhập của người dân Việt Nam nên khách hàng ít có sự mua sắm hàng điện máy ngẫu hứng trong quá trình đi dạo trong các Trung tâm thương mại. Chính vì thế tính chủ động ở mô hình này thấp.
Hơn nữa việc áp dụng mô hình này đòi hỏi chi phí cao, nhất là việc thuê mặt bằng giá đắt, các thủ tục phức tạp, đặc biệt là với các trung tâm thương mại lớn.
Tính đến nay, Nguyễn Kim có 36 trung tâm mua sắm, trong đó có 8 cửa hàng đặt trong Trung tâm thương mại Big C – trung tâm thương mại đã được Central Group, đối tác chiến lược từ Thái Lan của Nguyễn Kim - mua lại từ năm 2016.
Đại siêu thị - khó bùng nổ số lượng, lợi nhuận ban đầu không cao nhưng sinh lợi nhuận về dài hạn
Nói về mô hình Đại siêu thị của Trần Anh, ông Đạt cho biết, ưu điểm là diện tích lớn nên mô hình này thường rất được các hãng, nhà cung cấp ưu ái do họ có nhiều không gian để trưng bày tất cả chủng loại sản phẩm, sản phẩm đa dạng, phong phú, giúp khách hàng dễ dàng trong việc lựa chọn hàng hóa.
Diện tích lớn nên Trần Anh dễ thực hiện các hoạt động nâng cao giá trị gia tăng cho khách hàng: khu vui chơi cho trẻ em, bãi đỗ xe rộng rãi... Chưa kể, nhờ có không gian rộng mà các đại siêu thị có thể dễ dàng trưng bày hàng hóa, dễ làm event, tổ chức sự kiện... thu hút khách hàng tại điểm bán hơn.
Về nhược điểm, mô hình này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn hơn vào thuê mặt bằng, chi phí đầu tư vào chất lượng dịch vụ khách hàng… nên lợi nhuận trong 3-5 năm đầu đầu tư sẽ không cao. Nhưng bù lại mô hình này sẽ có lợi thế cạnh tranh và sinh lợi nhuận trong dài hạn.
“Chúng tôi chấp nhận điều đó để đổi lại khách hàng của Trần Anh là người được hưởng lợi nhiều nhất. Và trong thời gian tới, Trần Anh sẽ có kế hoạch làm việc chặt chẽ với các hãng, các nhà cung cấp để vừa tối ưu lợi nhuận cho công ty vừa cam kết gia tăng lợi ích tới khách hàng của mình”, ông Đạt nói.
'Cửa hàng tiện lợi - thành công bởi được thừa hưởng từ Thế giới Di động, nhưng nhiều mô hình tương tự ở Nhật đã đóng cửa hàng loạt sau thành công ban đầu’
Một cửa hàng Điện máy Xanh mini ở Thái Bình. Ảnh: Dienmayxanh.
Ưu điểm dễ nhận thấy nhất của mô hình này chính là sự linh động, dễ quản trị và tối ưu chi phí. Do diện tích để mở cửa hàng không lớn, mô hình này rất tiện lợi trong việc thuê mặt bằng, dễ phủ điểm, đặc biệt là vẫn có thể mở tại những thị trường không cần doanh thu quá lớn.
Ngoài ra, do phương tiện đi lại hiện nay chủ yếu của người dân vẫn là xe máy nên mô hình này vẫn còn phù hợp khi có thể dễ dàng tiếp cận với khách hàng.
Song song với đó, nó cũng vẫn để lộ ra một số nhược điểm nhất định. Do quy mô nhỏ nên mô hình này thường không thể bày bán được đa dạng hàng hóa sản phẩm mà chỉ có thể chọn một vài sản phẩm chủ lực.
Vì vậy, khách hàng ít có sự lựa chọn sản phẩm hơn, ít không gian để trải nghiệm sản phẩm, không có bãi đỗ xe ô tô.
Ông Đạt cũng cho rằng Điện máy Xanh thành công bởi mô hình này do được thừa hưởng từ Thế giới di động.
“Họ mở từ các cửa hàng nhỏ, trung bình cho đến lớn bán điện thoại, khi đã nắm rất rõ sức mua và đặc tính từng thị trường thì họ mới quyết định mở Điện máy Xanh và chuyển dịch dần các cửa hàng Thế giới Di động sang thành Điện Máy Xanh”.
“Như vậy cùng một mức chi phí vận hành tương đương nhưng họ lại có thêm nguồn thu từ nhóm sản phẩm mới. Tuy nhiên mô hình này được “đo ni đóng giày” cho Điện máy Xanh vì vậy các đơn vị khác nếu máy móc học theo thì sẽ thất bại”.
Về lâu dài, đại diện Trần Anh cho rằng khi cuộc sống ngày càng phát triển thì nhu cầu về sản phẩm hàng hóa của người dân sẽ ngày càng đa dạng hơn, và bãi đỗ xe ô tô sẽ là nhu cầu tất yếu mà khách hàng cần nhưng Điện máy Xanh không đáp ứng được.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi, các nước trên thế giới như Nhật cũng có rất nhiều hệ thống theo mô hình này, ban đầu họ rất thành công nhưng sau đó cũng phải đóng cửa hàng loạt. Bởi vì ngày nay nền kinh tế ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, người dân có điều kiện đi ô tô nhiều hơn, khách hàng muốn đến những nơi có sản phẩm đa dạng, ở các phân khúc khác nhau”, ông Đạt nói.
Trí Thức Trẻ