Đại diện UBCK: Cổ đông có quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình tin đồn
Khi có tin đồn, UBCKNN sẽ yêu cầu các Sở giao dịch chứng khoán, nơi có công ty niêm yết yêu cầu công bố thông tin, đưa ra những thông tin phối hợp, hoặc tổ chức các buổi đối thoại kịp thời ổn định tâm lý của các nhà đầu tư.
Tại tọa đàm trực tuyến “An toàn an ninh trong lĩnh vực chứng khoán”, ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thị trường chứng khoán (TTCK) còn non trẻ thì tin đồn càng có khả năng có đất sống.
“TTCK là thị trường thông tin và niềm tin, mua cổ phiếu là kì vọng vào giá trị của cổ phiếu đó trong tương lai. Tin đồn có hại thì công ty phải có báo cáo giải trình để tạo niềm tin đối với nhà đầu tư. Các cổ đông cũng chưa phát huy hết quyền của mình. Trong quy định cổ đông có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin đó, thậm chí có quyền khởi kiện Hội đồng quản trị doanh nghiệp ấy”, ông nói.
Dẫn ví dụ tại các nước kinh tế phát triển, ông Thọ cho biết tin đồn là mục tiêu để một nhóm đối tượng nào đó trục lợi khi xem xét đến hành vi giao dịch mang tính thao túng thị trường. Các các chủ thể liên quan trực tiếp đến tin đồn phải có phản ứng kịp thời để thông tin lại.
Cũng theo vị đại diện UBCKNN, khi có tin đồn thì Ủy ban yêu cầu các Sở giao dịch chứng khoán, nơi có công ty niêm yết, yêu cầu công bố thông tin, đưa ra những thông tin phối hợp, hoặc tổ chức các buổi đối thoại kịp thời ổn định tâm lý của các nhà đầu tư. Đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật phối hợp xử lí các thông tin thất thiệt. Các nhà đầu tư nên sử dụng các thông tin đã được kiểm chứng.
Về vấn đề “đội lái”, ông Thọ cho rằng chưa có khái niệm này trong quy định của pháp luật mà gọi là cấu kết tạo cung cầu giả tạo để thao túng giá chứng khoán. Các đội, nhóm này sử dụng nhiều tài khoản để thực hiện hành vi của mình.
Trong quá trình giám sát tại Sở giao dịch, các cơ quan quản lý sẽ xây dựng các bộ tiêu chí giám sát, có những tiêu chí giám sát để theo dõi các hành vi đặt lệnh, hủy lệnh của các nhóm tài khoản để có cơ sở xác định hành vi vi phạm.
Ông Thọ dẫn quy định của pháp luật về hành vi thao túng chứng khoán có mức xử phạt thấp nhất là 500 triệu đồng. Ngoài ra, các cơ quan quản lý còn phối hợp với cơ quan công an để xác minh hành vi, mối liên hệ vượt ra ngoài vi phạm hành chính, hiện nay hành vi thao túng giá chứng khoán đã được quy định rõ trong các bộ Luật.