MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại diện VCSC: Ngày càng nhiều quỹ đầu tư riêng biệt vào thị trường Việt Nam và xu hướng này sẽ dẫn dắt dòng tiền quay trở lại

Đại diện VCSC: Ngày càng nhiều quỹ đầu tư riêng biệt vào thị trường Việt Nam và xu hướng này sẽ dẫn dắt dòng tiền quay trở lại

Đó là ghi nhận của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) sau khi lắng nghe các bài thuyết trình từ các doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu tại sự kiện Vietnam Access Days (VAD) 2021 diễn ra mới đây.

Vietnam Access Days (VAD) được biết đến là hội thảo đầu tư thường niên của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) và là một trong những sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư trong ngành nổi bật nhất ở Việt Nam.

Năm 2021, lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến (online), VAD vẫn thu hút được 455 đại diện tham dự từ các quỹ đầu tư, 35 doanh nghiệp cùng 17 chuyên gia/diễn giả tham gia trao đổi kiến thức, thông tin.

Chia sẻ về sự kiện năm nay, ông Tuấn Nhan – Giám đốc Khối kinh doanh và môi giới Khách hàng tổ chức – cho biết: "Mạng lưới rộng khắp của VCSC là bí quyết để chúng tôi quy tụ các nhà đầu tư tổ chức nổi bật nhất trong ngoài nước, những doanh nghiệp lớn Việt Nam và các chuyên gia phân tích hàng đầu đến với VAD.

Đây là một sự kiện có quy mô lớn và đòi hỏi sự chuẩn bị, tổ chức chuyên nghiệp. Rất may mắn là ở VCSC, chúng tôi có một đội ngũ vô cùng nhiệt huyết, tận tâm. Nhân đây, tôi xin gửi lời cảm ơn tới tất cả các thành viên trong ban tổ chức đã tiếp tục mang lại một sự kiện VAD thành công tốt đẹp".

Đại diện VCSC: Ngày càng nhiều quỹ đầu tư riêng biệt vào thị trường Việt Nam và xu hướng này sẽ dẫn dắt dòng tiền quay trở lại - Ảnh 1.

Theo ông Tuấn, Việt Nam đang phải cạnh tranh với các quốc gia khác về dòng vốn đầu tư, đặc biệt là các quốc gia lân cận tại châu Á. Và VAD là cơ hội cực kỳ tốt để quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư tại Việt Nam; thông qua đó có thể giới thiệu những doanh nghiệp hàng đầu và các mô hình kinh doanh thành công mà Việt Nam đang sở hữu.

Đây còn là dịp mà các nhà đầu tư tổ chức có thể tiếp cận và trao đổi trực tiếp với những người sáng lập hoặc ban điều hành của các doanh nghiệp để chia sẻ thông tin một cách chính xác, minh bạch.

VAD cũng giúp các doanh nghiệp tiếp cận thêm nhiều cơ hội cho các kế hoạch huy động vốn hoặc IPO.

Như vậy, việc thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp các doanh nghiệp huy động được vốn với mức định giá cao hơn và sẽ giúp củng cố đà phát triển cho thị trường vốn của Việt Nam. Mặt khác, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn khi giúp có thêm nguồn lực vốn để giúp tái đầu tư, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm.

Đại diện VCSC: Ngày càng nhiều quỹ đầu tư riêng biệt vào thị trường Việt Nam và xu hướng này sẽ dẫn dắt dòng tiền quay trở lại - Ảnh 2.

Nhận định về xu hướng dòng vốn trong năm nay, ông Tuấn bày tỏ trong ngắn hạn, Việt Nam đã và đang chịu áp lực bán ròng lớn từ khối ngoại. Không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các thị trường châu Á khác (ngoại trừ Nhật Bản) cũng đang trải qua tình huống tương tự.

Ghi nhận, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng gấp 3 lần từ 0,5% lên 1,7% trong 9 tháng qua. Khi lãi suất cơ sở (benchmark) tăng thì chi phí vốn cũng tăng theo, cùng với đó là các lo ngại về lạm phát thì việc nhà đầu tư tổ chức phải thoái vốn tại các tài sản ở các thị trường đang phát triển trước để giảm rủi ro là một động thái thông thường trên thị trường tài chính.

Tại Việt Nam, khối ngoại liên tục bán ròng nhưng các nhà đầu tư trong nước đã có thể hấp thụ được phần lớn áp lực bán này. Ngoài ra, chỉ số VN-Index đã tăng 15% tính từ đầu năm cho thấy sức mua hấp thụ mạnh của các nhà đầu tư trong nước. Và khi khối ngoại giảm áp lực bán và chuyển sang mua ròng, đồng nghĩa với việc giảm cung và tăng cầu, sẽ tạo nên tác động kép cực kỳ tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Khi xem xét ở khía cạnh dài hạn hơn, chúng ta có thể nhận thấy các loại tài sản ở các thị trường cận biên (Frontier) hiện đã không còn quá hấp dẫn như 8 năm trước. Nhiều quốc gia trong nhóm thị trường cận biên (Frontier Markets Index) được xem là hấp dẫn để đầu tư như Qatar, UAE, Pakistan, Argentina, Kuwait ... đều đã được nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi (Emerging).

Đại diện VCSC: Ngày càng nhiều quỹ đầu tư riêng biệt vào thị trường Việt Nam và xu hướng này sẽ dẫn dắt dòng tiền quay trở lại - Ảnh 3.

"Có thể thấy rằng dòng tiền đã bắt đầu rút khỏi các quỹ theo dõi các thị trường cận biên. Tổng tài sản ở các quỹ theo dõi thị trường cận biên này đã giảm xuống còn khoảng 4,5 tỷ USD so với mức đỉnh khoảng 50 tỷ USD vào năm 2014. Việt Nam là một trong rất ít các điểm sáng còn lại trong nhóm thị trường cận biên, Chúng ta có thể thấy các quỹ đầu tư riêng biệt vào thị trường Việt Nam đang là xu hướng mới. Xu hướng này sẽ dẫn dắt dòng tiền quay trở lại thị trường Việt Nam cho đến khi Việt Nam được nâng hạng lên thành thị trường mới nổi", đại diện VCSC nói.

Chưa kể, Việt Nam hiện đang là một trong những nền kinh tế hấp dẫn nhất ở khu vực Châu Á, thậm chí là trên phương diện trên toàn thế giới. Chúng ta có nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, điều kiện nhân khẩu học lý tưởng và khả năng kiểm soát dịch Covid-19 là hình mẫu trên toàn cầu. Điều này giúp Việt Nam không chịu ảnh hưởng tiêu cực như nhiều quốc gia khác.

"GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 1.800 USD vào năm 2013 và đến 2020 đã tăng gần gấp đôi lên 3.500 USD. Tôi cho rằng GDP đầu người của Việt Nam có thể tiếp tục tăng gấp đôi trong 8 năm tới. Nền kinh tế Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao nhất trong thập kỷ tới", vị này nói thêm.

Bổ sung nhận định liệu ngành nào tại Việt Nam đang thu hút mạnh dòng vốn ngoại, theo VCSC, ngoài một số ít ngành như ngân hàng, đa số các ngành khác trong mỗi ngành đều có mức độ tập trung vốn hóa vào một vài công ty lớn. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài thường sẽ quan tâm đến việc chọn lọc cổ phiếu, đặc biệt là trong số các cổ phiếu vốn hóa lớn mang tính đại diện cho mỗi ngành.  

Đại diện VCSC: Ngày càng nhiều quỹ đầu tư riêng biệt vào thị trường Việt Nam và xu hướng này sẽ dẫn dắt dòng tiền quay trở lại - Ảnh 4.

Đối với các xu hướng nổi bật trong các ngành trụ cột được nhìn nhận qua các bài thuyết trình tại VAD, với ngành ngân hàng, ông Pháp Đặng – Phó Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phân tích VCSC – cho biết nhờ sự quản lý hiệu quả của Chính phủ đối với Covid-19 mà ngân hàng theo quan điểm của VCSC đang là điểm sáng lớn trong nền kinh tế nước ta. Điều này rất có ý nghĩa khi ngân hàng thường được ví như huyết mạch, do đó ngành ngân hàng khỏe đồng nghĩa với nền kinh tế Việt Nam đang khoẻ.

Năm 2020, tăng trưởng tín dụng cũng như tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng Việt Nam ở mức 2 chữ số, trong khi các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia, Philipphines, Malaysia… thì gần như không tăng trưởng tín dụng, hoặc ở mức thấp 1 chữ số. Thậm chí lợi nhuận của họ sụt giảm mạnh.

Một xu hướng tích cực khác là biên thu nhập lãi ròng của ngành ngân hàng Việt Nam năm qua cải thiện. Trong đó, lãi suất cho vay giảm chậm hơn so với lãi suất huy động. Song song, tỷ lệ tiền gửi CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tăng lên, một phần do hành vi người tiêu dùng có sự thay đổi.

"Khi mặt bằng lãi suất thấp đi thì nhu cầu tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng giảm theo; đồng thời, xu hướng thanh toán online tăng nên người dân gia tăng để tiền tại ngân hàng nhằm hỗ trợ thanh toán trực tuyến", vị này nói.

Yếu tố khác hỗ trợ lợi nhuận ngân hàng là chuyển đổi số. Chuyển đổi số giúp ngân hàng tối ưu chi phí và xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Đó là câu chuyện liên quan đến lợi nhuận, điểm sáng khác liên quan đến chất lượng tài sản của ngân hàng. Theo báo cáo Moodys tháng 3/2021, tỷ lệ nợ xấu bao gồm VAMC năm 2020 của các ngân hàng Việt Nam ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm là 2,9%, bất chấp những tác động kinh tế tiêu cực từ Covid-19. Như vậy chất lượng tài sản của ngân hàng đang ở trạng thái tốt. Có một số nguyên nhân chính, bao gồm: (i) Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang ổn định và (ii) các ngân hàng cũng chủ động kiểm soát rủi ro trong giai đoạn còn nhiều bất ổn liên quan đến Covid-19.  

Đại diện VCSC: Ngày càng nhiều quỹ đầu tư riêng biệt vào thị trường Việt Nam và xu hướng này sẽ dẫn dắt dòng tiền quay trở lại - Ảnh 5.

Một ngành khác cũng thu hút nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài là tiêu dùng. Quan điểm VCSC nhận định bức tranh chung về tiêu dùng nội địa là khả quan, tuy vậy vẫn có một chút phân hóa về sức tiêu dùng giữa các nhóm thu nhập khác nhau.

Cụ thể hơn về bức tranh tích cực của ngành, có một số điểm tiêu biểu như tổng mức bán lẻ nhanh chóng tăng trưởng dương trở lại sau khi bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 trong giai đoạn tháng 3-4/2020. Trong khi đó, theo đo lường của Google, trước đợt bùng phát Covid-19 mới nhất vào tháng 5/2021, mức độ tới các tụ điểm về bán lẻ cũng như giải trí của người dân Việt Nam đã quay lại gần bằng mức trước khi có Covid-19. Một chỉ báo khác liên quan đến nguồn cung ghế máy bay nội địa, quý 1/2021 đã vượt mức cùng kỳ 2019 và 2020 (thời điểm chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19). Điều này cho thấy nhu cầu đi lại bằng máy bay để phục vụ các hoạt động kinh tế cũng như du lịch nội địa quay trở lại rất nhanh.

Đi sâu hơn vào xu hướng phân hoá trong ngành tiêu dùng, ông Pháp nói: "Tương đồng với chuyên gia nghiên cứu thị trường của Cimigo tham gia phát biểu tại VAD, VCSC cũng có quan sát rằng đối tượng có thu nhập trung bình - thấp bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn bởi Covid-19 so với nhóm thu nhập cao, và xu hướng này được thể hiện qua diễn biến của một số ngành hàng, sản phẩm tiêu dùng tiêu biểu.

Đơn cử, thị trường tiêu dùng nhanh (FMCG) giảm 7% trong năm 2020 (theo Nielsen). Mặt hàng điện thoại, điện máy, xe máy… vốn là các sản phẩm có giá trị cao với người tiêu dùng phổ thông - thu nhập thấp cũng có mức giảm trong năm 2020.

Ngược lại, các mặt hàng cao cấp như trang sức thời trang, xe hơi lại phục hồi rất nhanh chóng. Ví dụ, doanh số bán xe hơi toàn ngành theo tháng trong năm 2020 đã vượt mức cùng kỳ năm 2019 kể từ tháng 10/2020 và 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng trưởng hơn 40% so với cùng kỳ 2020. Dù vậy, thời gian tới, VCSC đánh giá nhóm thu nhập phổ thông - thu nhập thấp sẽ dần cải thiện sức tiêu dùng khi hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu nông, thủy sản dần tốt lên. Dài hạn hơn, khi có đủ điều kiện để khách du lịch nước ngoài quay trở lại Việt Nam, nhu cầu lao động và thu nhập của nhân công trong ngành dịch vụ và du lịch cũng sẽ phục hồi, qua đó càng thúc đẩy sức tiêu dùng trong nước."  

Ánh Dương
Hoài Linh

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên