MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đại gia chân đất" Trung Quốc và trào lưu sắm hàng hiệu, du lịch nước ngoài

03-01-2019 - 09:48 AM | Tài chính quốc tế

Trong khi người dân thành thị đang thắt chặt hầu bao, nông dân Trung Quốc ngày càng chi nhiều tiền hơn cho du lịch, hàng hiệu.

Thật khó để đoán nghề nghiệp của Zhang Jianchang nếu chỉ nhìn vào thói quen chi tiêu của ông ấy. Ông là một fan hâm mộ lớn của Gucci, lái chiếc SUV trị giá 43.000 USD. Sau chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên đến Hàn Quốc vào năm 2015, Zhang đang lên kế hoạch cho một chuyến đi khác. Lần này, địa điểm là Osaka, Nhật Bản.

Tuy nhiên, Zhang không phải một doanh nhân làm việc trong những thành phố lớn ở Trung Quốc. Ông là một nông dân nuôi tôm ở Pinghai, thị trấn nhỏ ở tỉnh Quảng Đông, phía Đông Nam Trung Quốc.

"Cuộc sống ở vùng nông thôn Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể", Zhang nói. Khối tài sản của người đàn ông này đã góp phần chứng minh điều đó. Zhang sở hữu một chiếc điện thoại Huawei hoàn toàn mới và lái một chiếc SUV Kia Motors màu đen mà ông mua 4 năm trước.

"Chúng tôi chưa từng nghĩ mình có thể mua một chiếc xe hơi, vốn là biểu tượng của giới siêu giàu. Tuy nhiên, bây giờ, hầu như mọi gia đình ở đây đều có một chiếc ô tô. Mỗi khi đi làm về, tôi chỉ sợ mình không tìm thấy chỗ trống trong bãi đỗ xe thôi", Zhang nói về số lượng xe ô tô của làng và những vấn đề bắt nguồn từ nó.

Từng chìm trong đói nghèo, nông dân Trung Quốc giờ đang là động lực tiêu thụ lớn ở quốc gia hơn 1 tỷ dân này. Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh số bán lẻ ở các vùng nông thôn Trung Quốc tăng 10,4% so với năm trước, đạt 3,96 nghìn tỷ tệ, tương đương 570 tỷ USD. Theo ước tính của chính phủ, xu hướng này được thúc đẩy thông qua mạng lưới giao nhận phủ tới từng ngóc ngách của đất nước.

Sức mua ngày càng tăng của nông dân Trung Quốc cũng đã làm nên giới siêu giàu trong hàng ngũ các doanh nghiệp bán lẻ của nước này. Trong khi sức mua ở thành thị đang có dấu hiệu chững lại, thị trường nông thôn lại đang trở thành trọng tâm chính của các nhà bán lẻ. JD.com công bố kế hoạch mở mới 1 triệu cửa hàng tiện lợi vào năm 2021 và một nửa trong số đó ở nông thôn.

Tiềm năng của thị trường có thể được nhìn thấy rất rõ ở Pinghai, nơi chi tiêu hộ gia đình đã tăng vọt trong những năm gần đây phù hợp với sự bùng nổ về du lịch. Đất nông nghiệp, vốn từng được dùng để trồng lúa, đang biến đổi thành những ngôi làng mới. Dọc những con đường làng, người ta dễ dàng bắt gặp biển hiệu quảng cáo của các nhà sản xuất điện thoại thông minh, xe hơi hay nhiều mặt hàng xa xỉ khác.

Zhang Shunhua là một trong những người nhìn thấy rõ rệt sự thay đổi. Người nông dân 34 tuổi sống ở Shiqiaokou, một ngôi làng trong thị trấn Pinghai, từng bán nông sản cho các nhà buôn. Tuy nhiên, cô đã chuyển sang điều hành một doanh nghiệp sinh lợi hơn. Zhang chào đón những người thành thị tới sống cuộc sống của một nông dân tại nông trang của cô, cho họ hái nho và nấu ăn ngoài trời. Thu nhập cao giúp gia đình cô chuẩn bị chuyển tới sống ở một ngôi biệt thự phong cách châu Âu với 11 phòng ngủ cách đó không xa.

Ngay cả những người thu nhập thấp hơn cũng đang chi tiêu nhiều hơn. Một trường hợp điển hình là Zong Peicheng, một công dân xây dựng. Ông mới mua chiếc điện thoại thông minh đầu tiên trong đời. Năm 2016, người đàn ông này chi 2.000 tệ, tương đương 5 ngày lương, để mua một chiếc điện thoại Huawei. Không chỉ là sản phẩm giải trí, Zong còn học cách thanh toán qua smartphone hay những cuộc gọi video với con trai.

Trong khi đó, đối với ông chủ vựa tôm Zhang, mua sắm không chỉ là sự tiện lợi mà còn khẳng định địa vị xã hội. Với sự tăng giá của tôm cũng như trợ cấp lớn của chính phủ cho sản xuất nông nghiệp, Zhang đang được hưởng hương vị của cái mà ông gọi là "cuộc sống xa xỉ". Người đàn ông 48 tuổi này thường xuyên đến Hồng Kông để mua sắm rồi trở về với thắt lưng, túi xách Gucci.

"Chúng tôi đã có tiền và chúng tôi muốn tận hưởng cuộc sống", Zhang nói.

Linh Anh

Nikkei

Trở lên trên