MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia chi ngàn tỉ "săn" quỹ đất

07-07-2020 - 12:45 PM | Bất động sản

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang tập trung lượng vốn lớn nhằm "săn" các dự án giá tốt để triển khai khi thị trường khởi sắc

Tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên mới đây, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) đã thông qua kế hoạch dành 2.700 tỉ đồng đầu tư vào các dự án chủ lực ở TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Theo đó, Thuduc House sẽ tiếp tục phát triển quỹ đất bằng cách nhận chuyển nhượng những khu đất có quy mô vừa và nhỏ từ 1-10 ha ở các khu đô thị lớn để xây dựng nhà ở giá trung bình cho công nhân, người lao động; hạn chế đầu tư vào những khu vực, dự án có liên quan đến đất công để tránh vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư Bất động sản An Gia tuy chỉ mới niêm yết lên sàn chứng khoán chưa đầy một năm cũng công bố tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 6 về tham vọng mở rộng quỹ đất. Ông Nguyễn Bá Sáng - Chủ tịch HĐQT công ty - nhận định sau dịch bệnh là thời điểm vàng để mở rộng quỹ đất vì quá trình đàm phán giá suôn sẻ hơn. Năm 2020, doanh nghiệp (DN) này dự kiến dành 3.000 - 5.000 tỉ đồng để thu gom quỹ đất và triển khai dự án. Bên cạnh hơn 33 ha quỹ đất tại TP HCM, An Gia sẽ phát triển hơn 46 ha quỹ đất tại các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… để xây dựng những khu nhà ở liên kế khép kín, hướng tới trở thành nhà phát triển đô thị trong 5 năm tới.

Đại gia chi ngàn tỉ săn quỹ đất - Ảnh 1.

Một dự án khu đô thị tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được Nam Long mua lại và triển khai tiếp

Tiêu chí công ty săn quỹ đất là chấp nhận giá cao để đổi lại pháp lý tương đối hoàn chỉnh, có thể triển khai nhanh trong 6-9 tháng để bán hàng nhằm hạn chế rủi ro.

Công ty CP Đầu tư LDG Group cũng vừa công bố chính thức nhận chuyển nhượng 99,99% cổ phần của Công ty CP Bất động sản Hiệp Phúc, trở thành chủ đầu tư Tổ hợp căn hộ Sông Đà Riverside (quận Thủ Đức, TP HCM). Khu đất rộng hơn 28.000 m2 của dự án này sẽ được đổi tên thành là khu căn hộ cao cấp LDG River, có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.153 tỉ đồng.

Trong khi đó, đại gia Novaland dù đang nắm giữ quỹ đất lớn với quy mô được công bố lên đến gần 5.000 ha, đủ để phát triển ổn định trong 10-20 năm tới, nhưng trong kế hoạch kinh doanh năm 2020, tập đoàn này vẫn muốn mua thêm nhiều dự án có vị trí đắc địa, pháp lý rõ ràng để phát triển trong tương lai.

Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) dù đang nắm 681 ha đất ở nhiều tỉnh, thành, vẫn đặt kế hoạch dành 2.000 tỉ đồng mỗi năm để mở rộng quỹ đất. Riêng năm 2020, kế hoạch này gần như đã hoàn thành sau khi công ty săn được 25 ha đất sạch ở TP HCM và 9 ha ở Hà Nội. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long, nhấn mạnh hiện nay là cơ hội để cân nhắc mở rộng quỹ đất bởi nhiều đơn vị đang gặp khó khăn về pháp lý và áp lực tài chính sẽ buộc phải xả hàng để giải quyết khó khăn. Theo ông Quang, hiện có rất nhiều DN tìm kiếm đối tác mua lại dự án. Tuy nhiên, Nam Long chỉ ưu tiên mua dự án đã giải phóng mặt bằng, đã đóng tiền sử dụng đất, kết nối hạ tầng đồng bộ...

Đánh giá về xu hướng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng tạo lập quỹ đất là việc mà DN có định hướng chiến lược lâu dài đều đặt ra và thường xuyên triển khai. Tuy nhiên, hiện nay, dù có nhiều dự án ở TP HCM hay các tỉnh được chào giá tốt nhưng DN muốn đầu tư phải xem xét khu vực đó có phù hợp quy hoạch hay không, pháp lý của dự án như thế nào. Nếu là đất, phải lưu ý quỹ đất đó có liền thửa hay không chứ không nên mua đất có "da beo". Đã có nhiều DN vì mua trúng đất "da beo" mà dự án trì trệ hàng chục năm vẫn chưa có lối thoát. "Nỗ lực tạo lập quỹ đất là điều cần thiết nhưng DN nên thận trọng để tránh rủi ro, từ đất rẻ trở thành siêu đắt" - ông Châu nhìn nhận.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, cho biết ở TP HCM hiện còn rất nhiều dự án đang trong giai đoạn hoàn chỉnh pháp lý. Một số dự án nhìn pháp lý tưởng là gần xong, chỉ cần 1-2 công đoạn nhưng thực ra mất cả năm cũng chưa chắc đã xong. Hay các dự án pháp lý ổn một chút thì chủ đầu tư muốn bán giá cao, người mua nếu không ước lượng và không có kinh nghiệm có thể bị lỗ. Còn đất ở tỉnh rất nhiều, giá lại tốt nhưng DN muốn đầu tư phải xem xét kỹ vì cần có kinh nghiệm, hệ thống bán hàng giỏi mới có thể thành công…

Bán tháo để thu hồi vốn

Cầm cự được nhưng không đủ khả năng triển khai tiếp dự án là lý do chính khiến cho nhiều chủ đầu tư bất động sản phải bán tháo dự án để thu hồi vốn. Chủ một dự án nghỉ dưỡng ở Bàu Trắng (tỉnh Bình Thuận) đang xin giấy phép 1/500 cho dự án 100 ha nhưng đành rao bán giá chỉ 380 tỉ đồng. "Triển khai tiếp phải có nhiều tiền và thời gian trong khi tiềm lực công ty hiện đã cạn. Bán với giá này chúng tôi không có lãi dù đã tốn rất nhiều công sức" - chủ dự án chia sẻ.

Theo Sơn Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên