Đại gia đi lên từ tay trắng, chơi lớn mua cả thung lũng 22.000m2 xây biệt thự để nghỉ hưu: Chi phí hết 50 triệu NDT, mất đến 8 năm mới hoàn thành, có đầy đủ tiện ích cho cả gia đình
Năm 47 tuổi, vị đại gia này quyết định chi 50 triệu NDT mua mảnh đất rộng 22.000m2 xây dựng chốn ẩn náu đặc biệt sau khi nghỉ hưu. Ông còn biến biệt thự thành homestay để đón tiếp những vị khách yêu thiên nhiên giống như mình.
- 13-03-2023Đây là cách chúng tôi nâng cấp ô tô của mình để tiết kiệm mà vẫn có xe mới, vừa thoả mãn đam mê xê dịch ở tuổi 23
- 13-03-2023Ông trùm kinh doanh Nhật Bản chỉ ra 3 điều người dễ thất bại thường làm
- 13-03-2023Diễn viên Oscar "được ăn được nói, được 'gói đất' mang về": Bên trong túi quà tặng 60 món trị giá 6 con số, có cả mảnh đất ở Australia
- 13-03-2023Một công ty ở Hà Nội chi hơn 5 tỉ đồng để xây văn phòng cho 20 nhân viên, sự xa xỉ hay “phần thưởng” xứng đáng với đôi bên?
Ông Trần Minh Phương đến từ Đài Bắc, Đài Loan ( Trung Quốc) từng là trưởng phòng kinh doanh tại một tòa soạn báo. Tuy nhiên vì công việc quá áp lực, ông quyết định nghỉ việc. Đúng thời điểm nền kinh tế sa sút nhất, sau khi trừ tiền thuê nhà và các chi phí khác, gia đình ông chỉ còn lại 600 NDT để trang trải cuộc sống. Đường cùng, ông quyết định đi giao báo để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, những tháng ngày làm công việc này, ông nảy ra ý tưởng khởi nghiệp.
Tận dụng mối quan hệ trước đó, ông Trần tìm một vài đối tác giao báo để thành lập công ty chuyển phát tư nhân, chịu trách nhiệm chuyển phát tạp chí, ấn phẩm và tờ rơi quảng cáo. Công việc thuận lợi giúp ông Trần nhanh chóng trở thành một doanh nhân thành đạt.
Năm 47 tuổi, ông Trần đến vùng Nghi Lan và nhìn thấy thung lũng cây ăn quả rộng 22.000m2 được bao quanh bởi núi và suối. Vì quá yêu thích phong cảnh nơi đây, doanh nhân họ Trần đã quyết định mua mảnh đất này với giá 50 triệu NDT và biến nó thành nơi để cùng gia đình an hưởng tuổi già.
Mất 8 năm để hiện thực hóa ý tưởng
Sau khi mua mảnh đất này, ông Trần đã tự mình tham gia các khâu từ xây nhà đến chăm sóc vườn tược. Sau 8 năm, cuối cùng "khu nghỉ dưỡng trong mơ" của đại gia này cũng hoàn thiện với tổng cộng 4 ngôi nhà lớn.
Theo chia sẻ của ông Trần, tòa nhà thứ nhất có tên là "Lâu đài" - là nơi ở chính của gia đình; tòa nhà thứ hai được đặt tên là "Hộp kho báu", lấy cảm hứng từ chiếc hộp trang sức của mẹ ông. Tòa nhà này có phòng ăn và phòng ngủ cho các thành viên; tòa nhà thứ ba là "Đảo" - nơi nghỉ ngơi dành riêng cho việc tiếp đãi bạn bè và khách quý, tòa nhà còn lại là phòng trưng bày nghệ thuật tư nhân.
Ông Trần đã thuê một KTS chuyên nghiệp để giúp ông hiện thực hóa ý tưởng của mình. Mỗi tòa nhà đều cao 3 tầng, cầu thang được thiết kế dạng cầu kính, có giếng trời, đón ánh sáng từ bên ngoài nên hầu như không cần bật đèn vào ban ngày. Ở tòa Lâu đài, phòng ngủ chính của ông ở tầng một, có sân sau. Tầng 2 và tầng 3 là của các thành viên còn lại của gia đình. Phòng ở tầng 2 có sân thượng lơ lửng rộng, ngồi ngắm cảnh rất thoải mái.
Gia chủ cho biết ngày còn trẻ, ông là người luôn bận rộn với công việc nên có rất ít thời gian cho con cái. Ông cho rằng điều đó đã khiến ông bỏ lỡ giai đoạn trưởng thành của con mình. Do đó, khi thiết kế căn nhà này, ông muốn có một không gian để có thể trò chuyện và thư giãn cùng con cháu vào dịp cuối tuần.
Hầu hết, ông Trần đều sử dụng các chi tiết trụ tròn, đồ gỗ để trang trí cho toàn bộ biệt thự của mình. Các bức tường bê tông được sơn màu ấm và sử dụng đèn vàng để tạo không gian ấm cúng. Tòa nhà thứ 4 là phòng trưng bày nghệ thuật tư nhân - nơi được biến thành bảo tàng mỹ thuật miễn phí cho các nghệ sĩ, thời gian của mỗi triển lãm từ 2 đến 3 tháng, chủ yếu là tranh và điêu khắc.
Theo ông Trần, chủ sở hữu ban đầu của mảnh đất này là một nông dân trồng cây ăn quả. Nơi đây từng được phun rất nhiều thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ để trồng dưa và trái cây nên ông đã quyết định để cho đất "nghỉ ngơi", sau đó mới tiến hành cải tạo và xây dựng nhà cửa. Đất lành chim đậu, sau khi được ông Trần chăm sóc, mảnh đất này dần được phục hồi. Khu vườn của ông thu hút rất nhiều các loại chim chóc, ong bướm đến tạo nên khung cảnh rất yên bình. Ông Trần vô cùng hài lòng và xem đây là một thành quả của bản thân.
Biến nhà ở thành homestay, chia sẻ không gian thiên nhiên cùng mọi người
Sau khi tòa lâu đài hoàn thành, ông Trần đã mời nhiều bạn bè và khách quý đến tham quan và trải nghiệm cuộc sống yên bình, tách biệt với sự ồn ào và vội vã nơi thành thị. Khi được bạn bè giới thiệu, ngôi nhà của ông Trần lại càng nổi tiếng, được nhiều khách "lạ" ghé thăm. Từ đó, ông lên kế hoạch biến một trong 4 tòa nhà của mình thành homestay và sử dụng thu nhập từ việc bán trải nghiệm này để duy trì cuộc sống ở đây.
"Tôi cũng đón thêm khách nhưng chỉ là những người quen của người thân hay bạn bè của họ. Bởi vì ngôi nhà này đầy ắp những thứ tôi thích, các vật chạm khắc gỗ, khắc đá, tranh vẽ, hầu như phòng nào cũng có, nếu nó bị phá hủy, tôi sẽ rất đau lòng", ông Trần chia sẻ.
Căn biệt thự của ông Trần cũng trở thành điểm đến lý tưởng để các đoàn làm phim ghé thăm, quay phim, quay quảng cáo. Dẫu vậy, vị doanh nhân gạo cội này kiên quyết không thương mại hóa mảnh đất của mình.
"Tôi điều hành homestay với tinh thần trải nghiệm và dám nghĩ dám làm. Mảnh đất hơn 20.000m2 do đích thân tôi đứng ra chăm sóc. Nhiều người gợi ý với tôi rằng tôi nên thêm nhiều tiện ích và dịch vụ khác để phát triển hơn nhưng tôi cho rằng những điều đó sẽ đánh mất vẻ yên bình ở nơi đây nên câu trả lời của tôi luôn là không.
Tôi hy vọng rằng những người từng ghé thăm sẽ thích sự trong lành, tĩnh lặng và thiên nhiên ở đây. Nhiều người thấy tôi đổ mồ hôi nhễ nhại khi cực khổ nhổ cỏ và trồng hoa trong thời tiết nóng nực, thế nhưng đó là lúc bản thân tôi đang rất vui vẻ vì được làm điều mình thích", ông Trần chia sẻ
Theo ông Trần, đã có lúc ông kiếm được rất nhiều tiền, thế nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy vui như thời điểm hiện tại. Kể từ khi chuyển đến mảnh đất này, mỗi ngày đều được tiếp những người bạn khác nhau, cuối tuần có thể đoàn tụ với gia đình, chăm sóc khu vườn của riêng mình, tuy khá vất vả và mất nhiều thời gian nhưng đây là cuộc sống lý tưởng người đàn ông đã ngoài lục tuần.
(Theo Zhihu)
Nhịp sống thị trường