MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia 'giàu xổi' và nỗi lo sụt hố

Đại gia ngàn tỷ ngày càng nhiều lên, nhưng vẫn tập chủ yếu tập trung vào lĩnh vực BĐS, tài chính... Nếu Hàn Quốc mất 30 năm để vươn mình thành “con rồng châu Á”, thì cũng bằng ấy thời gian, Việt Nam sau khi tạo nên thành tích ấn tượng về đổi mới và tăng trưởng lại đang phải loay hoay tái cơ cấu, tìm mô hình tăng trưởng.

TS. Huỳnh Thế Du
TS. Huỳnh Thế Du
Giảng viên Chính sách công Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright
28 bài viết

Phía sau “người Việt giàu lên”

Thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam năm 2015 đã tiệm cận mốc 45 triệu đồng/người/năm (hơn 2.000 USD/năm). Trước đó, năm 2010 Việt Nam đã thoát nghèo, lọt vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.

So với 10 năm trước, tức năm 2006, thu nhập người Việt đã tăng gần 4 lần. Nhìn vào con số thu nhập này, rõ ràng đời sống ở Việt Nam đang khấm khá lên. Đây là một thành tích phát triển không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, khi mổ xẻ con số này, TS Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright bày tỏ băn khoăn: Liệu người Việt đã “thoát nghèo” thật chưa? hay đằng sau những con số vẫn còn những nỗi lo và bất ổn?

Phân tích sâu hơn, ông Du thấy rằng lạm phát – nỗi ám ảnh của nhà điều hành chính sách Việt Nam – lại chính là một trong những nguyên nhân tạo nên sự “giàu có”. Lạm phát tăng cao trong nhiều năm trước đây trong khi GDP trên đầu người tính sang đô la Mỹ vượt qua ngưỡng 2.000 USD có một phần từ việc dòng tiền đổ vào nhiều nhưng thực sự đi vào sản xuất và hiệu quả

“Sự phồn hoa hiện nay, như một đồng nghiệp của tôi đã từng đề cập, rất có thể là do dòng vốn quá nhiều đổ vào nền kinh tế làm nhiều người có nhiều tiền chứ thực chất các hoạt động kinh tế tạo ra giá trị không nhiều”, ông Du phân tích.

Đã từng có thời, người ta liên tục nhắc đến một tương lai Việt Nam thành “con hổ châu Á”, nhất là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2006.

Khi ấy, ông Du còn nhớ như in niềm tin tưởng của hầu hết người dân Việt Nam cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam sẽ có được tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan hơn.

Những khoản tiết kiệm trong nước được mang ra đầu tư cùng với một dòng vốn khổng lồ chảy vào Việt Nam đón đầu cơ hội. Chỉ trong mấy tháng, chỉ số chứng khoán VN-Index đã tăng gần 4 lần và trong vòng hơn 1 năm, giá bất động sản cũng có mức tăng tương tự.

Điều này có nghĩa rằng, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ “nở ra” nhanh chóng, trong một tương lai thấy trước.

Tiền vào như nước, nhiều người nhìn thấy cơ hội ở chứng khoán, ở bất động sản. Danh sách người giàu nhất trên sàn chứng khoán, những đại gia bất động sản cứ ngày một nối dài.

Nhiều người say sưa với lãi suất hàng trăm, hàng nghìn phần trăm nên đã bỏ qua vào việc tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi, những ngành sản xuất.

Theo ông Du, việc một số ít có thể giàu có rất nhanh, để lại hiệu ứng rất tiêu cực vì nó tạo ra tâm lý muốn giàu sổi và những nỗ lực tạo ra giá trị thực sự cho xã hội lại bị coi nhẹ. Thêm vào đó, những tác động biến đổi khí hậu và những vấn đề môi trường khác cũng đang gây ra những vấn đề hết sức khó lường.

Nỗi lo sụt 'hố'

Hiếm có bao giờ, những đại gia sở hữu khối tài sản nghìn tỷ, chục nghìn tỷ lại được được điểm mặt nhiều như 5 năm qua. Nhưng 5 năm vừa qua lại chính là 5 năm Việt Nam phải vật lộn với tái cơ cấu, cũng là 5 năm khó khăn nhất của 30 năm đổi mới.

Tụt hậu đang ngày càng rõ. Ảnh: N.Thanh

Tụt hậu đang ngày càng rõ. Ảnh: N.Thanh

Nhưng ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói trong một hội thảo về tái cơ cấu đã phải thốt lên rằng: Quá trình tái cơ cấu diễn ra dường như thiếu động lực thúc đẩy, niềm tin và sự lạc quan, hào hứng như thời Đổi mới".

Nhấn mạnh 30 năm là quãng thời gian đủ để Hàn Quốc vươn mình trở thành nước công nghiệp phát triển, PGS.TS Trần Đình Thiên không khỏi tiếc nuối khi bằng ấy thời gian, nền kinh tế nước ta vẫn ở đẳng cấp phát triển thấp. Đó vẫn là nền kinh tế dựa chủ yếu vào các ngành khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp, với hơn 80% số doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp và trung bình thấp.

Sau 30 năm, Việt Nam mới chỉ “thoát khỏi nhóm nước thu nhập thấp và gia nhập vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp”. Tụt hậu đã chuyển từ nguy cơ lớn nhất thành hiện thực ngày càng rõ.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá trong 30 năm đổi mới, trung bình cứ 10 năm, Việt Nam lại tụt 1% tăng trưởng. Xu hướng tụt hậu so với các nước không còn là nguy cơ mà đã thành hiện thực. Vì thế mới có sự thống nhất cao về chủ trương tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

“Yêu cầu thu hẹp và đuổi kịp là mệnh lệnh chính đáng nhưng đầy thách thức đối với người lãnh đạo”, ông Cung nói.

Thách thức ấy, theo ông Cung, đó là ai cũng đồng ý thay đổi nhưng khi đụng đến thay đổi thì không ai muốn làm, vì đụng đến quyền lợi của mình. “Các bộ, ngành cũng thế, họ sợ mất quyền, mất lợi lộc vì tái cơ cấu”.

“Nếu không khơi thông, không sử dụng hiệu quả nguồn lực, chúng ta sẽ nguy cơ sụt 'hố' chứ không thể vươn lên”, TS Nguyễn Đình Cung cảnh báo.

Theo Lương Bằng

Vietnamnet

Trở lên trên