MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia mạnh tay rót nghìn tỷ vào BĐS du lịch giải trí, nâng tầm du lịch Việt

Trên thế giới mô hình bất động sản du lịch giải trí rất thịnh hành, tuy nhiên, ở Việt Nam làn sóng này mới bắt đầu.

Ở nhiều nước, ngành du lịch giải trí và nghỉ dưỡng luôn là “mỏ vàng tỷ đô”, còn ở Việt Nam đặc biệt là vùng phía Bắc còn khá hạn chế. Chỉ một hai năm gần đây, mô hình này mới được phát triển ở một số nơi giàu tiềm năng du lịch khi có sự vào cuộc của một vài “ông lớn” địa ốc.

Không khó để nhận thấy dòng vốn đầu tư vào các quần thể du lịch nghỉ dưỡng này khá lớn. Chỉ trong một hai năm gần đây, ngành du lịch Việt đã đón nhận nhiều quần thể nghỉ dưỡng phát triển theo mô hình này.

Tiên phong phải kể tới khu nghỉ dưỡng kết hợp du lịch giải trí Bà Nà Hills ở Đà Nẵng do tập đoàn Sungroup đầu tư. Gần đây, Sungroup tiếp tục đầu tư nhiều quần thể du lịch giải trí khác như công viên Asia Park (Đà Nẵng) 10.000 tỷ, Sun World Halong Park Quảng Ninh 7.794 tỷ, và mới đây là quần thể Premier Village Phu Quoc Resort trị giá khoảng 10.000 tỷ.

Không chỉ Sungroup mà nhiều ông lớn địa ốc khác cũng mạnh tay rót nghìn tỷ cho các quần thể nghỉ dưỡng kết hợp giải trí. Chẳng hạn như quần thể nghỉ dưỡng Vinpearl ở phía Bắc đảo Phú Quốc của tập đoàn Vingroup với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ. Bên cạnh hàng trăm căn biệt thự biển nghỉ dưỡng, Vinpearl Phú Quốc còn có các khu vui chơi giải trí như vườn thú Safari đầu tiên ở Việt Nam, khu giải trí Vinpearl Land, khu sân golf…

Hay như mới đây FLC cũng đã khánh thành quần thể nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn trị giá 7.000 tỷ, bên cạnh khu khách sạn, biệt thự, sân golf…FLC hiện cũng đang xây dựng vườn thú Safari.

Tại Sầm Sơn, tập đoàn này cũng đang cho xây dựng giai đoạn 2 (FLC Lux City), theo ý tưởng của những nhà thiết kế thì đây sẽ là mô hình “thành phố không ngủ”, với 70 dịch vụ tiện ích khép kín từ mua sắm, ẩm thực cho tới quán bar…với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Một dự án đình đám khác trong lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng là Cocobay Đà Nẵng có trị giá lên tới 12.000 tỷ, cũng đang được xây dựng theo mô hình du lịch giải trí.

Rõ ràng, với những thay đổi trong cách đi du lịch của người Việt khi không còn chỉ là đi ngắm cảnh đẹp hay liệt kê chỗ ngủ, mà họ còn có nhu cầu vui chơi giải trí và mua sắm, thì những ông lớn địa ốc đã nhanh chân đón đầu như cầu này ngày càng tăng.

Theo Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt khách Việt đi du lịch nước ngoài, chi tiêu khoảng 6 tỷ USD (con số này trong năm 2012 chỉ khoảng 3,5 tỷ USD). Họ tìm đến các nước như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Campuchia...

Đây cũng là những nước phát triển rất mạnh loại hình BĐS du lịch giải trí và nghỉ dưỡng. Các nơi ăn chơi bậc nhất trên thế giới đều nằm ở những nước này, và đều là những mô hình BĐS nghỉ dưỡng kết hợp giải trí như Lasvegas (Mỹ), Genting (Malaysia), Lan Quế Phường (Hong Kong) hay Pattaya (Thái Lan)…đã đem lại hàng tỷ đôla Mỹ cho ngành du lịch các nước này.

Còn ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Bắc dù sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng thế giới, di sản thiên nhiên thế giới, rất nhiều công trình lịch sử văn hóa lâu đời…cuốn hút khách du lịch trong và ngoài nước. Do đó, hàng năm khách du lịch ở Việt Nam luôn tăng cao những năm qua. Số liệu từ Tổng cục thống kê, cho thấy khách trong nước tăng khoảng 40% còn khách quốc tế tăng khoảng 23%.

Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn đó là thời gian lưu trú của khách du lịch tại các khu nghỉ rất ngắn, gần như họ không có chỗ để chi tiêu bởi các khu nghỉ thiếu yếu tố giải trí và mua sắm. Ngoài tiền thuê khách sạn và một số dịch vụ ăn uống, spa, karaoke…khách du lịch không có chỗ để tiêu tiền.

Đây là lý do những khu nghỉ dưỡng thiếu đi tính hấp dẫn, làm giảm doanh thu cho chính các chủ đầu tư và cho cả các nhà đầu tư sở hữu các BĐS cho thuê. Theo Grant Thornton, tỷ lệ EBITDA (lợi nhuận) ngành khách sạn liên tục giảm những năm gần đây từ 35,6% vào năm 2013 xuống còn 29,7% vào năm 2015.

Nhận thấy, yếu tố vui chơi giải trí, mua sắm sẽ đem lại hiệu quả khai thác kinh doanh tốt nhất cho loại hình BĐS nghỉ dưỡng cho thuê, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chân biến các khu nghỉ cao cấp thành quần thể du lịch giải trí, nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế.

Điều đó lý giải vì sao công suất thuê phòng ở những khu du lịch như vậy luôn cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của ngành. Chẳng hạn công suất thuê phòng ở các khu nghỉ dưỡng Vinpearl luôn ở mức khoảng 90-95%, trong khi mức trung bình của ngành chỉ khoảng 60%.

Có thể nói, mô hình BĐS giải trí và nghỉ dưỡng không chỉ đem đến làn gió mới cho thị trường địa ốc mà còn là cơ hội đầu lớn cho các nhà đầu tư, gia tăng giá trị tài sản cũng như đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng tầm ngành du lịch Việt.

Gia Bảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên