MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia ngoại thâu tóm thị trường bán lẻ: Thảm bại của doanh nghiệp Việt

Cuộc đua chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam đang bước vào hồi gay cấn khi hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ Việt nằm trong tầm ngắm của các đại gia Thái Lan, Nhật Bản…

Cuộc đua của các đại gia

Big C Việt Nam vừa thuộc về tập đoàn Central Group của Thái Lan (TCC Group) với giá trị chuyển nhượng thương hiệu là 1 tỷ euro (tương đương 1,14 tỷ USD). TCC cũng chính là tập đoàn đã mua lại hệ thống 19 siêu thị Metro Việt Nam hồi năm 2015.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, nhiều tập đoàn khổng lồ về bán lẻ của thế giới như Wal Mart (Mỹ) hay Auchan (Pháp) đang tìm kiếm các nhà cung ứng để tiến bước chính thức hoạt động tại Việt Nam nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trước đó, tập đoàn Auchan (Pháp) cũng ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Cty CP Hóa dầu Quân đội (MIPEC) đồng thời ký hợp đồng thuê mặt bằng của Trung tâm Thương mại Long Biên, để triển khai chuỗi siêu thị bán lẻ Simply Mart tại thị trường miền Bắc. Tập đoàn này cho biết, có thể đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam để xây dựng chuỗi các đại siêu thị trong 10 năm tới.

Nhiều thương hiệu lớn khác như Tập đoàn E-mart (Hàn Quốc); Seven Eleven của CP Thái Lan, hay như tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan Central Group cũng bước đầu tham gia thị trường với hệ thống siêu thị Robinson. Dù bị đánh giá chậm chân khi vào Việt Nam, tập đoàn bán lẻ số 1 Hàn Quốc Lotte tuyên bố, đến năm 2020 sẽ lập tổng cộng 60 siêu thị tại Việt Nam trong khi Aeon của Nhật Bản cũng thông báo sẽ mở tổng cộng 20 trung tâm thương mại. Với độc chiêu đánh vào tâm lý chuộng đồ Nhật của người tiêu dùng Việt, Aeon cho biết, đi theo mô hình cân bằng 30% hàng nhập từ Nhật Bản, 30% hàng Việt Nam và 30% hàng nhập từ các nước khác.

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang phải cạnh tranh với các đại gia ngoại. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang phải cạnh tranh với các đại gia ngoại. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Không nên bi quan?

Trao đổi với PV Tiền Phong, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền cho rằng, không nên quá lo việc các đại gia bán lẻ thế giới đổ bộ vào Việt Nam. Việc các doanh nghiệp ngoại vào sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước phải nhìn nhận lại toàn bộ quy trình hoạt động nếu không muốn bị đóng cửa, phá sản vì không cạnh tranh được.

Với người tiêu dùng, các đại gia ngoại sẽ cung cấp nguồn hàng chất lượng tốt và đặc biệt sẽ giúp hàng nghìn hộ nông dân định hướng lại việc sản xuất theo quy trình an toàn, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng.

“Thực tế Metro, BigC vào Việt Nam 20 năm nay nhưng qua quá trình cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước đã nâng cao hiệu quả hoạt động rất nhiều. Các doanh nghiệp ngoại vào thị trường nhưng họ vẫn phải bán các sản phẩm trong nước chứ không thể bán 100% sản phẩm nhập khẩu. Cùng đó, chúng ta vẫn có công cụ kiểm soát được hoạt động của họ nên cũng không nên quá bi quan. Đây phải được coi là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ trong nước nâng cao sức cạnh tranh của mình”, ông Quyền phân tích.

Bên cạnh việc chính thức sở hữu các hệ thống siêu thị, bán lẻ, theo các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ khai thác khâu phân phối mà sẽ lấn sân vào cả khâu sản xuất. Điển hình phải kể đến trường hợp như Công ty C.P đến nay đã chiếm 50% thị phần trứng, 30% thị phần gà công nghiệp, 7% thị phần thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, cần có sự chuẩn bị rất nghiêm túc với những mối đe dọa đến từ các doanh nghiệp bán lẻ ngoại, đặc biệt là các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp trong nước đuối sức, buộc phải bán lại cho các đối tác ngoại sẽ bất lợi cho sự phát triển của thị trường bán lẻ. Nếu chỉ bán ở một tỷ lệ nhất định và vẫn còn nắm quyền quyết định thì hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu ban quản trị không tốt thì sớm muộn doanh nghiệp cũng bị thôn tính.

Theo ông Phú, các doanh nghiệp Việt đang bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Như trường hợp của Hapro, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ khác như Co-opmart, Vinmart phải đi thuê mặt bằng để mở cửa hàng bán lẻ thì Hapro lại không tận dụng được các lợi thế về mặt bằng mình đang có. Sự thất bại này cho thấy, các doanh nghiệp Việt muốn không bị thôn tính, phải thay đổi triệt để hoạt động, không thể coi là lĩnh vực “làm thêm” hoặc tay ngang như hiện nay.

Siêu thị nội lo chống đỡ

Đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước cho biết, các siêu thị nội phải tìm cách tồn tại trước sự lấn át của nhiều siêu thị ngoại khác. Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Cty CP Nhất Nam (đơn vị quản lý chuỗi hệ thống siêu thị Fivimart), Nhất Nam hiện sở hữu 23 siêu thị tại tất cả các quận tại Hà Nội, trong đó, có 7 siêu thị mang thương hiệu Aeon - Fivimart. Việc kết hợp với đối tác ngoại là Aeon sẽ giúp đơn vị mở thêm những siêu thị Aeon - Fivimart ở các vùng lân cận của Hà Nội để mở rộng hoạt động.

Tuy nhiên, điều bà Hậu lo lắng là nhiều năm nay, hàng Thái Lan xâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng nhiều đường khác nhau, trong đó đi sâu vào từng ngóc ngách của Hà Nội. Tại nhiều khu vực vùng ven, hàng Thái Lan với chiến lược phát miễn phí cho người dân sử dụng, khi người dân cảm thấy hài lòng, họ bắt đầu bán hàng bằng những cửa hàng nhỏ lẻ trong làng xóm với giá rẻ.

Rất nhiều gia đình Việt đang sử dụng hoàn toàn các sản phẩm gia dụng thiết yếu như: Kem đánh răng, nước xả, bột giặt... được sản xuất tại Thái Lan. “Việc 2 hệ thống siêu thị lớn nhất vào tay doanh nghiệp Thái có khả năng giúp hàng Thái Lan đổ bộ một cách sâu rộng hơn tại thị trường Việt Nam”, bà Hậu nói.

Còn đại diện chuỗi hệ thống siêu thị Hapro cho rằng, siêu thị nội vẫn có thế mạnh riêng bằng những chương trình khuyến mại, bình ổn giá. Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước, như: Saigon Co.op, Vissan, Vingroup… cũng đang có những bước đi mới nhằm chiếm lĩnh thị trường dù biết cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn.

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thương hiệu và mạng lưới phân phối, các doanh nghiệp nội đang có xu hướng hợp tác và sáp nhập lẫn nhau. “Mỗi doanh nghiệp đều có thế mạnh của riêng mình để chống đỡ lại sự đổ bộ của siêu thị nước ngoài như: hệ thống siêu thị Vinmart của Vingroup với rau xanh do chính tập đoàn mình trồng. Đương đầu với thử thách là điều mà các doanh nghiệp nội phải làm lúc này”, vị này nói.

Bộ Công Thương điều tra thương vụ mua bán chuỗi siêu thị Metro

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, năm 2015 TCC Holding (Thái Lan) đã hoàn tất giao dịch mua lại Metro Cash&Carry Việt Nam. Ngày 25/1/2016, Metro Cash&Carry Việt Nam được đổi tên thành Cty TNHH MM Mega (Việt Nam). Do Metro Cash&Carry Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, hoạt động tại Việt Nam nên Metro là đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh Việt Nam.

Theo Phạm Tuyên - Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên