MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia Thái Lan “ăn bằng lần” sau 5 năm đầu tư vào Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh

Trong hơn 5 năm đầu tư, mặc dù vẫn chưa thể thâu tóm thành công Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh nhưng Nawaplastic cũng không phải quá buồn khi khoản đầu tư của họ đã tăng giá gấp nhiều lần so với giá vốn ban đầu.

Tháng 3/2012, The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co,. Ltd đã mua lại cổ phần từ một số quỹ và trở thành cổ đông lớn của 2 “đại gia” ngành nhựa xây dựng Việt Nam là Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP).

Theo tìm hiểu, Nawaplastic là công ty chuyên sản xuất và phân phối ống nhựa PVC, do Thai Plastic and Chemicals PCL (TPC) nắm 100% cổ phần. TPC hiện đang nắm 50% thị phần tại thị trường nhựa Thái Lan và đang sở hữu nhiều công ty ngành nhựa khác của Việt Nam như Chemteck Co (Sản xuất polyethylene XLPE - TPC nắm 100% vốn cổ phần); Viet-Thai Plastchem (Sản xuất nhựa, bao bì - TPC nắm 72,49% vốn cổ phần); TPC Vina Plastic and Chemicals (Sản xuất nhựa PVC - TPC nắm 70% vốn cổ phần).

Cổ đông lớn nhất của TPC là Tập đoàn Siam Cement (SCG) với sở hữu hơn 90% cổ phần. Đây là tập đoàn vật liệu xây dựng lớn tại Thái Lan đã tiến hành một loạt các vụ M&A có giá trị lớn với các doanh nghiệp Việt Nam như Xi măng Bửu Sơn, Gạch men Prime Group, Bao bì Alcamax Packaging.

Có thể nói, việc Nawaplastic tiến hành mua cổ phần tại Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh là một phần trong kế hoạch thâu tóm thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam của “đại gia” Thái Lan. Đối với Nawaplastic, việc tiến hành M&A với Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh sẽ giúp doanh nghiệp Thái Lan này tận dụng hệ thống sản xuất, kênh phân phối, thương hiệu của các “đại gia” ngành nhựa Việt Nam và đây là mục tiêu quan trọng nhất.

Kể từ khi trở thành cổ đông lớn tại Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong, Nawaplastic vẫn liên tục “đánh tiếng” sẽ tiếp tục gia tăng sở hữu nếu có cơ hội. Tuy vậy, những vướng mắc về room ngoại cũng như việc SCIC chưa chịu “buông” đã khiến Nawaplastic chưa thể thực hiện được ý đồ.

Đại gia Thái lãi lớn với khoản đầu tư vào Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh

Trong hơn 5 năm đầu tư, mặc dù vẫn chưa thể thâu tóm thành công Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh nhưng Nawaplastic cũng không phải quá buồn khi khoản đầu tư của họ đã tăng giá gấp nhiều lần so với giá vốn ban đầu.

Năm 2012, Nawaplastic đã bỏ ra khoảng 352 tỷ đồng để mua 7,13 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20,38%. Sau nhiều lần chia thưởng, Nawaplastic hiện đã nắm giữ tổng cộng 16,7 triệu cổ phiếu BMP nhưng tỷ lệ vẫn giữ nguyên ở con số 20,38%.

Tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch 21/9 là 79.000 đồng/cp thì lượng cổ phiếu BMP mà Nawaplastic nắm giữ hiện có giá trị lên tới 1.320 tỷ đồng, gấp 3,75 lần giá vốn bỏ ra ban đầu. Ngoài ra, doanh nghiệp đến từ Thái Lan này cũng “đút túi” 193 tỷ đồng tiền cổ tức nhận về trong suốt 5 năm đầu tư tại Nhựa Bình Minh.


Diễn biến cổ phiếu BMP trong 3 năm qua

Diễn biến cổ phiếu BMP trong 3 năm qua

Còn với Nhựa Tiền Phong, trong giai đoạn 2012 – 2013, Nawaplastic đã bỏ ra khoảng 487 tỷ đồng để sở hữu 10,33 triệu cổ phiếu NTP, tương ứng tỷ lệ 23,84%.

Cũng như Nhựa Bình Minh, sau nhiều lần chia thưởng, Nawaplastic hiện đã sở hữu 21,27 triệu cổ phiếu NTP và tỷ lệ vẫn giữ nguyên ở con số 23,84%.

Tính theo mức giá đóng cửa phiên 21/9 là 69.000 đồng/cp thì Nawaplastic đang nắm giữ lượng cổ phiếu NTP trị giá 1.468 tỷ đồng, gấp 3 lần giá trị đầu tư. Bên cạnh đó, Nawaplastic cũng nhận về khoản cổ tức lên tới 173 tỷ đồng từ Nhựa Tiền Phong sau 5 năm đầu tư.


Biến động cổ phiếu NTP

Biến động cổ phiếu NTP

Cách đây ít ngày, UBCKNN đã có công văn chấp thuận nới room cho Nhựa Bình Minh lên mức tối đa 100%. Như vậy, sau 2 năm kể từ ngày Nghị định 58 về việc nới room cho các doanh nghiệp lên 100% ra đời thì BMP đã hoàn tất việc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.

Việc nới room được coi là tín hiệu tích cực cho quá trình thoái vốn của SCIC khỏi Nhựa Bình Minh, vốn đã diễn ra khá chậm chạp kể từ năm 2015 và mở ra cơ hội gia tăng tỷ lệ sở hữu của Nawaplastic.

Còn với Nhựa Tiền Phong, Nawaplastic vừa bất ngờ công bố kế hoạch thoái vốn nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 25/9 đến 20/10/2017 qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên