Đại gia Việt thâu tóm công ty từ tay người Pháp, sau 13 năm biến thành doanh nghiệp TỶ USD nhờ trồng gần 68.000 ha chỉ một thứ cây 'rẻ bèo'
Lâu nay thị trường thường vốn quen thuộc với các thương vụ doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp Việt, thì đại gia Đặng Văn Thành lại cho thấy điều ngược lại khi trong quá khứ ông từng mua 2 nhà máy đường của nhà đầu tư Pháp là Bourbon Tây Ninh và Bourbon Gia Lai.
Mua lại Mía đường Bourbon Tây Ninh từ tay người Pháp
Công ty cổ phần Mía đường Bourbon Tây Ninh, tiền thân là Công ty TNHH Mía đường Bourbon Tây Ninh (SBT) được thành lập từ năm 1995 với vốn điều lệ ban đầu là 28,5 triệu USD. Trong đó tập đoàn Bourbon của Pháp góp 70% vốn và hai đối tác Việt Nam là Công ty Liên hiệp Mía đường II và Liên hiệp Mía đường Tây Ninh, góp lần lượt 15% và 15%vốn.
Thời điểm mới thành lập, Bourbon Tây Ninh là nhà máy mía đường hiện đại bậc nhất Việt Nam giai đoạn đó với lợi thế chủ động được vùng nguyên liệu.
Lần lượt trong 2 năm là 1999 và 2000, phần hùn vốn của hai đối tác Việt Nam được Bourbon Group mua lại và trở thành công ty 100% vốn nước ngoài. Đến tháng 3/2006, SBT được cấp phép chuyển đổi thành công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty cổ phần mía đường Bourbon Tây Ninh với vốn điều lệ 1.419 tỷ đồng.
Năm 2008, Bourbon Tây Ninh chính thức niêm yết 44.824.172 cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh với mã chứng khoán là SBT.
Cuối năm 2010, tập đoàn Bourbon thoái vốn tại SBT, chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần sở hữu cho đối tác Việt Nam. Bên đối tác mua lại phần lớn cổ phần không ai khác chính là CTCP đầu tư Thành Thành Công của doanh nhân Đặng Văn Thành, chiếm 24,5% tổng lượng cổ phần phát hành của công ty.
Thương vụ này bắt đầu mở ra hành trình chinh chiến để tích luỹ về vùng nguyên liệu cho sản xuất của ông "Vua mía đường" Đặng Văn Thành với việc M&A từ Công ty Bourbon Tây Ninh, Đường Biên Hòa, Đường Ninh Hòa, Mía đường Phan Rang, mía đường HAGL…
Đại gia ngành ngân hàng và mía đường
Ông Đặng Văn Thành là một doanh nhân người Việt Nam gốc Hoa sinh năm 1960, xuất thân từ một gia đình có cha là đông y sĩ nhưng lại đam mê theo kinh doanh. Ông là người sáng lập Ngân hàng TMCP Sacombank và tập đoàn Thành Thành Công.
Khởi nghiệp với cơ sở sản xuất cồn, CO2 và mật rỉ đường, sau khi kinh tế mở cửa, ông Đặng Văn Thành nương theo làn sóng thị trường và đầu tư vào các công ty mía đường trước đó làm phân phối.
Năm 2007, cổ phần hóa doanh nghiệp và đầu tư danh mục, tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng. Năm 2011, thành lập Tập đoàn TTC, vốn điều lệ tăng hơn 3.000 tỷ đồng. Với sáu đơn vị thành viên: Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (tên cũ là Bourbon Tây Ninh), Đường Ninh Hòa, Thương mại Thành Thành Công, Đặng Huỳnh, Thành Ngọc.
Đến cuối năm 2015, quy mô vốn điều lệ Tập đoàn TTC là 11.371 tỷ. Hoạt động gồm 5 lĩnh vực hoạt động chủ chốt: Bất động sản, Năng lượng, Mía đường, Giáo dục, Du lịch với 21 công ty thành viên. Quy mô doanh số năm 2015 là Doanh thu thuần 15.405 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.114 tỉ đồng.
Năm 2017, TTC hoàn thiện quá trình chuyển đổi và chính thức vận hành theo mô hình Tổng Công ty. Quy mô Tập đoàn TTC năm 2017 có hơn 150 đơn vị trực thuộc trong và ngoài nước, trên 10.000 cán bộ nhân viên.
Kết thúc năm 2020: tập đoàn TTC có quy mô vốn điều lệ: 19.395 tỷ đồng, Vốn chủ sở hữu: 24.777 tỷ đồng; Tổng tài sản: 72.349 tỷ đồng; Doanh thu thuần: 31.576 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế: 1.742 tỷ đồng.
Hiện nay, dù là tập đoàn đa ngành nhưng mảng kinh doanh chủ lực của TTC vẫn nằm ở mảng lõi mía đường, với nòng cốt là CTCP Thành Thành Công - Biên Hoà.
Lên ngôi "Vua mía đường"
Ngày 25/5/2017, ĐHCĐ bất thường của Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) và Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (BHS) - hai đơn vị trực thuộc Tập đoàn TTC, đã thông qua chủ trương sáp nhập và phương án hoán đổi toàn bộ cổ phiếu BHS đang lưu hành với cổ phiếu phát hành thêm của TTCS (Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh).
Theo đó, SBT dự kiến phát hành 303.83 triệu cổ phần để thực hiện hoán đổi 297.87 triệu cổ phần BHS.
Sau khi hoán đổi, SBT trở thành chủ sở hữu duy nhất sở hữu 100% vốn điều lệ của CTCP Đường Biên Hòa. Với việc phát hành thêm cổ phần này, Đại hội cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ TTCS thêm tối đa là 3.038 tỷ đồng, tương ứng với giá trị của số lượng cổ phần phát hành thêm.
Như vậy, với việc sáp nhập, TTCS có 49.000 héc ta trồng mía nguyên liệu, chưa kể vùng nguyên liệu tại Lào ở Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai được TTCS và BHS mua lại.
Sau sáp nhập, công ty đổi tên thành CTCP Thành Thành Công - Biên Hoà.
Việc sáp nhập 2 pháp nhân thành 1 doanh nghiệp duy nhất là bước chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn từ năm 2018 ngành đường Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn với đường nhập từ các nước trong khu vực ASEAN khi thuế nhập khẩu được hạ về mức 0%, giúp sản phẩm của công ty tăng tính cạnh tranh tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
"Muốn ra biển lớn thì phải có thuyền lớn và việc sáp nhập này là nhằm tạo ra một con thuyền như vậy”, đại diện công ty nói với báo chí khi ấy.
Sau 6 năm, chiếc "thuyền lớn" lớn lại càng lớn hơn. Hiện nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu của TTC AgriS (thương hiệu mới của TTC - Biên Hoà) đạt gần 68.000 ha. Trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, TTC AgriS đặt mục tiêu nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu lên 90.000 ha.
Đây là yếu tố sống còn và khác biệt, giúp TTC AgriS tiếp tục đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường mía đường thế giới. Bởi lẽ chỉ có chủ động về vùng nguyên liệu mới chủ động được về giá và đủ đầu vào cho sản xuất năng suất cao, hạ giá thành.
Cây mía đường có mức giá thu mua ở ruộng dao động khoảng từ 850.000 – 1.150.000 đồng/tấn tùy thuộc chất lượng và thời điểm nhưng đã giúp TTC AgriS đạt được lợi nhuận trước thuế kỷ lục hơn 1.000 tỷ đồng lần đầu tiên vào niên độ 2021-2022.
Niên độ 2022-2023, tổng sản lượng mía Việt Nam đạt 9,6 triệu tấn, tăng 28% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng mía của toàn công ty tăng 18% và chiếm 26% tổng sản lượng mía của Việt Nam. Cũng trong năm tài chính này, SBT đạt doanh thu 24.743 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế 719 tỷ đồng.
Đến 30/9/2023, tổng tài sản của SBT đạt 30.763 tỷ đồng (~1.3 tỷ USD), tăng hơn 829 tỷ đồng so với cuối niên độ 2022-2023.
Thành Thành Công Biên Hoà là doanh nghiệp mía đường đầu tiên ở Việt Nam có tổng tài sản vượt ngưỡng 1 tỷ USD với sản lượng tiêu thụ đạt trên 1 triệu tấn trong vòng 3 năm liên tiếp.
An ninh tiền tệ