Đại học Fulbright VN bắt đầu đào tạo từ tháng 9-2016
Trường đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đã chính thức nhận được giấy phép thành lập. Bà Đàm Bích Thủy, chủ tịch FUV, đã chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi dành riêng cho Tuổi Trẻ.
- 19-05-2016Làm công nhân nhặt rác tại Mỹ khó hơn cả đỗ Đại học Harvard
- 18-03-2016Cứ 5 cử nhân đại học ra trường, có 1 người thất nghiệp
- 14-03-2016Bí thư Thăng gọi ngay cho Bộ trưởng y tế giải quyết chuyện của Đại học
20 triệu USD đã được Chính phủ Hoa Kỳ cam kết tài trợ cho FUV bên cạnh những nguồn đóng góp tài chính khác để đảm bảo ĐH này sẽ trở thành một trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận, độc lập và thực hiện các chương trình đào tạo có chất lượng xuất sắc.
* Ngay sau khi chính thức nhận được giấy phép thành lập, FUV sẽ khởi động như thế nào? Trường có đi vào hoạt động ngay không, thưa bà?
- Sau khi được trao giấy phép, văn phòng dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động tại TP.HCM. Trong năm nay, chúng tôi sẽ chuẩn bị kế hoạch để khởi động xây dựng campus chính của trường tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Cùng với những bước chuẩn bị về cơ sở vật chất cho trường, FUV sẽ đánh dấu việc chính thức đi vào hoạt động bằng việc triển khai tuyển sinh cho chương trình đào tạo thạc sĩ chính sách công. Đây là sự tiếp nối hoạt động đào tạo của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright dưới danh nghĩa chính thức của FUV.
* Đến thời điểm nào FUV sẽ bắt đầu đa dạng hóa các chương trình đào tạo, đặc biệt sẽ bắt đầu tuyển sinh đào tạo cử nhân như dư luận đang chờ đợi?
- Chúng tôi hết sức cảm kích vì sự quan tâm và ủng hộ của những người bạn, người dân ở trong nước và nước ngoài cho dự án này. Đó cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề đối với chúng tôi là phải làm sao để có thể xứng đáng với những kỳ vọng đó.
Bên cạnh chương trình đào tạo và nghiên cứu chính sách công, tiếp nối từ thành công của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, ngay sau khi FUV được thành lập, bắt đầu từ tháng 9 tới, chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị để đưa thêm một số chương trình đào tạo khác như quản lý, tài chính… vào năm 2017.
Riêng chương trình đào tạo cử nhân dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2018, tập trung vào một số ngành STEM gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các ngành khoa học xã hội và nhân văn sẽ được xây dựng trên nền tảng giáo dục khai phóng (liberal arts) của nền giáo dục đại học Mỹ.
* Trường sẽ áp dụng phương thức tuyển sinh như thế nào? Liệu việc áp dụng một phương thức tuyển sinh quá khác biệt có làm cả phía nhà trường và những thí sinh có nguyện vọng dự tuyển gặp khó khăn trong tuyển chọn những năm đầu, thưa bà?
- Về phương thức tuyển sinh, trường chúng tôi sẽ xem xét áp dụng phương thức tuyển sinh của các trường đại học Mỹ. Đó là xét chọn trên các tiêu chí như: điểm trung bình các môn học (GPA), bài luận cá nhân, phỏng vấn và có thể cả điểm SAT.
Chúng tôi không chỉ nhìn vào kết quả học tập mà sẽ xem xét đánh giá năng lực cá nhân, hoạt động xã hội, năng khiếu, sở thích... Đó sẽ là một phương thức tuyển sinh mở, tạo điều kiện cho sinh viên được thể hiện hết khả năng của đam mê của bản thân.
Với phương thức tuyển chọn này, tôi tin là công tác tuyển sinh của nhà trường sẽ hết sức thú vị và hi vọng sẽ chọn được những sinh viên thật sự có năng lực, khát vọng học tập trong một môi trường đào tạo tiên tiến.
Về phía người học, tôi cũng cho rằng đây sẽ là phương thức tuyển chọn nhận được sự ủng hộ vì nó tạo ra cơ hội cạnh tranh minh bạch, công bằng cho tất cả bạn trẻ.
Sẽ trở thành một trường đại học đẳng cấp quốc tế
Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) được xây dựng theo những nguyên tắc để đạt đẳng cấp quốc tế và Việt Nam xứng đáng có một trường đại học mang đẳng cấp quốc tế.
Đó là lời khẳng định của bà Rena Bitter - tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM - trong cuộc trao đổi riêng với Tuổi Trẻ.
FUV là giai đoạn tiếp theo trong quá trình hỗ trợ giáo dục đại học tại Việt Nam của Hoa Kỳ. Quá trình này bắt đầu cách đây hơn 20 năm, thậm chí trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
* Ngoài khoản 17 triệu USD đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua thành luật vào tháng 12-2014 để hỗ trợ ban đầu cho FUV, trong quá trình hoạt động lâu dài sau này, FUV có tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Hoa Kỳ không?
- Cho đến thời điểm này, chúng tôi dự kiến tổng số tiền đóng góp cho việc thành lập FUV là khoảng 20 triệu USD trong vòng bốn năm. Điều này giúp chúng tôi trở thành bên đóng góp tài chính lớn nhất cho FUV, nhưng chúng tôi không thể là bên đóng góp duy nhất.
Điều này rất quan trọng để đảm bảo trường có khả năng hoạt động độc lập và đào tạo ra những sinh viên xuất sắc nhất cho Việt Nam.
Dù Chính phủ Hoa Kỳ là bên đóng góp tài chính lớn nhất nhưng FUV hoàn toàn độc lập. Phía Hoa Kỳ không có ai nằm trong ban quản trị, và chúng tôi cũng không tham gia vào việc lựa chọn nhân sự hay thiết kế chương trình giảng dạy.
* Phía Hoa Kỳ mong muốn FUV sẽ hoạt động theo mô hình nào: một trường đại học Hoa Kỳ tại Việt Nam hay một trường đại học của Việt Nam theo mô hình đại học Hoa Kỳ?
- FUV không phải là “Trường đại học Hoa Kỳ” ở Việt Nam. FUV là trường đại học 100% Việt Nam. Trường được thành lập theo Luật giáo dục đại học, được Chính phủ cho phép thành lập.
Đúng là trường sẽ hoạt động theo mô hình như các trường ở Hoa Kỳ theo nghĩa trường tuân thủ các nguyên tắc như tự chủ, trọng dụng nhân tài, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tiêu chuẩn cao.
Tuy nhiên, các nguyên tắc đó thật ra không chỉ là của Hoa Kỳ. Đây là các yêu cầu dành cho bất cứ trường đại học nào muốn đạt được đẳng cấp quốc tế.
* Khi tích cực thúc đẩy việc thành lập FUV cũng như có những sự hỗ trợ về mọi mặt cho trường, phía Hoa Kỳ có kỳ vọng FUV sẽ trở thành một cơ sở đào tạo đại học hàng đầu của Việt Nam?
- Chúng tôi không chỉ kỳ vọng FUV trở thành trường đại học hàng đầu Việt Nam, chúng tôi muốn FUV trở thành trường đại học hàng đầu thế giới.