MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại lý lại kêu khó mua xăng, bán ra chịu lỗ

17-09-2022 - 11:01 AM | Thị trường

Trong khi nguồn cung dầu đang 'dễ thở' hơn so với trước thời điểm ngày 2-9, các mặt hàng xăng bắt đầu xuất hiện tình trạng khan hàng. Nhiều đại lý, thương nhân kinh doanh xăng dầu cũng than đang bị thua lỗ...

Đại lý lại kêu khó mua xăng, bán ra chịu lỗ - Ảnh 1.

Người dân đổ xăng tại một cửa hàng xăng dầu ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Một thương nhân phân phối xăng dầu liên hệ với báo Tuổi Trẻ than phiền về tình trạng mấy ngày gần đây không tiếp cận được nguồn xăng từ các đơn vị cung ứng. Không những vậy, mức chiết khấu tại nhiều đầu mối đều là 0 đồng, khiến doanh nghiệp khó có đủ nguồn hàng để đảm bảo cung ứng ra thị trường.

"Nguồn cung xăng E5RON92 rất căng thẳng. Chúng tôi không thể mua được hàng từ các đầu mối, nên hàng có đến đâu tiêu thụ đến đó, không còn đủ để dự trữ. Các đầu mối chỉ cung ứng hàng trong hệ thống chứ không bán ra ngoài, chỗ nào có mối thân quen lắm mới được "xả" cho ít hàng. Mặt hàng dầu thì đỡ hơn, các đại lý bung hàng ra và duy trì chiết khấu từ 600 - 800 đồng/lít" - vị này cho hay.

Một thương nhân khác cho biết tình trạng khan hàng với xăng cũng xuất hiện tại phía Nam, trong khi các đại lý bắt đầu bung hàng mạnh với mặt hàng dầu, tăng chiết khấu. Theo vị này, lý do là giá xăng đang có xu hướng tăng nên các doanh nghiệp hạn chế cung hàng ra, trong khi giá dầu có xu hướng giảm khiến cho nguồn cung hàng tăng.

Cũng theo vị này, tình hình có thể căng thẳng hơn trong thời gian tới khi giá xăng dầu vẫn diễn biến thất thường, mức chiết khấu thấp hoặc bằng 0 khiến doanh nghiệp càng kinh doanh càng khó khăn, thua lỗ.

Hơn nữa, các chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do đã áp dụng từ năm 2014, khiến doanh nghiệp đầu mối gặp khó trong việc duy trì mức lợi nhuận hợp lý để đảm bảo nguồn hàng, tăng chiết khấu cho doanh nghiệp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cho hay nguồn cung hàng rất khó khăn. Do giá xăng dầu tăng mạnh khiến chi phí vốn tăng, doanh nghiệp nhập khẩu bị hạn chế.

Việc nhập khẩu xăng phải mất từ 20 - 30 ngày mới có hàng, dẫn tới doanh nghiệp phải tăng mua từ nguồn trong nước là các nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Nghi Sơn, nhưng cũng chỉ được cung ứng hàng theo hợp đồng.

"Với nguồn cung hàng như vậy, nguồn hàng chúng tôi có được chủ yếu để phục vụ hệ thống chứ không bán ra ngoài. Thị trường có tới 33 đầu mối nhập khẩu, nguồn cung cũng đa dạng hơn, nhưng đúng là có tình trạng nguồn hàng luôn thiếu, việc đảm bảo nguồn khó khăn", vị này thừa nhận.

Cơ cấu tính giá cơ sở đã lỗi thời?

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, quy định xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu mới được ban hành năm 2021 nhưng chưa cập nhật và sửa đổi các chi phí trong cơ cấu tính giá, bao gồm các chi phí định mức, chi phí đưa xăng dầu...

Trong khi 6 tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của địa chính trị, giá sản phẩm tăng cao, các chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đều tăng. Chi phí kinh doanh định mức của một số thương nhân đầu mối lớn (kết quả kiểm toán năm 2021) cũng tăng do những chi phí thực tế phát sinh tăng.

Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng đây là những lý do khiến giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.

Do đó, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định, giúp doanh nghiệp tạo nguồn, đảm bảo hoạt động kinh doanh, tăng chiết khấu cho doanh nghiệp trong hệ thống.

Theo Ngọc An

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên