MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại sứ Phạm Quang Vinh phân tích về bốn cuộc khủng hoảng nước Mỹ đang đương đầu dưới thời Tổng thống Joe Biden

21-01-2021 - 09:08 AM | Tài chính quốc tế

Đại sứ Phạm Quang Vinh phân tích về bốn cuộc khủng hoảng nước Mỹ đang đương đầu dưới thời Tổng thống Joe Biden

Bốn cuộc khủng hoảng này là những ưu tiên cấp bách nhất mà chính quyền Biden sẽ phải đối phó ngay từ đầu nhiệm kỳ, đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.

Cuối cùng, ông Joe Biden đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Nước Mỹ đang trải qua nhiều khó khăn lịch sử trong đó có bao gồm đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng việc làm trên diện rộng, cuộc khủng hoảng y tế và có cả khủng hoảng niềm tin của một bộ phận dân chúng. 

Những thách thức nào lớn nhất mà ông Joe Biden đang đương đầu, hướng giải quyết của ông ra sao, định hướng chính sách đối ngoại – kinh tế của ông và tác động đến châu Á – Thái Bình Dương như thế nào, tất cả những vấn đề trên đã được cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (giai đoạn 2014 – 2018), nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh phân tích trong cuộc phỏng vấn mới đây với BizLIVE.

100 NGÀY ĐẦU: ĐẠI DỊCH, KINH TẾ, NHẬP CƯ VÀ MÔI TRƯỜNG

Theo quan điểm của ông, Tổng thống Mỹ thứ 46 Joe Biden sẽ ưu tiên trước nhất cho những mục tiêu gì trong 100 ngày đầu nhậm chức?

Bản thân ông và nhóm làm việc với ông đã nói rằng nước Mỹ đang phải đối diện với bốn cuộc khủng hoảng cùng một lúc, trong đó ông ấy kể đến là đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng về biến đổi khí hậu và cuối cùng đến khủng hoảng về Trung Đông, bốn cuộc khủng hoảng này là những ưu tiên cấp bách nhất mà chính quyền Biden sẽ phải đối phó ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Để muốn nhìn nhận chính sách chung của ông Joe Biden cả về chính trị đối nội và đối ngoại, kinh tế và các mặt khác, phải thấy rằng trong suốt quá trình tranh cử và rồi thắng cử và hình thành chính quyền, ông nêu mấy chữ rất quan trọng, cụ thể là "President for all", tức ông ấy sẽ là Tổng thống với tất cả công dân Mỹ dù rằng đảng phái ra sao, chủng tộc thế nào. Thứ hai, ông quyết tâm xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn "Build Back Better" và khôi phục lại sự lãnh đạo của Mỹ ở trên thế giới "Restore American Leadership Abroad".

Trong 100 ngày đầu của mình, Joe Biden cũng đã đưa ra chương trình khá tham vọng, mà trước hết tập trung vào 4 cuộc khủng hoảng đó. Để ứng phó với đại dịch Covid-19, ông dự kiến sẽ đệ trình lên Quốc hội gói cứu trợ kinh tế khổng lồ là 1,9 nghìn tỷ USD mà trong đó có kích thích kinh tế và hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo và những người bị chịu thiệt hại từ đại dịch, trong đó dự kiến phát tiền cho cả những người cần phải thụ hưởng 1.400USD rồi đến câu chuyện nâng tiền lương tối thiểu lên 15USD/giờ cũng như chế độ miễn giảm thuế như thế nào.

Cũng với Covid-19, ông dự kiến sẽ ra một quy định là bắt buộc phải đeo khẩu trang ở những nơi cần thiết, tập trung đông người. Ông dự kiến sẽ xây dựng các trung tâm để có thể tiêm chủng phòng chống Covid-19 và dự kiến 100 triệu liều vắc xin đối với người dân. Một trong những ưu tiên đó là Covid-19 và song hành với Covid-19 này và để phục hồi kinh tế thì ông cũng dự định về vừa kiểm soát Covid-19 và vừa khôi phục lại dần câu chuyện mở cửa trường học và các hoạt động xã hội và kinh tế.

Ông cũng sẽ ưu tiên ngay đến chính sách nhập cư và một trong những quyết định rất quan trọng của ông chính là ông sẽ bãi bỏ những chính sách nhập cư gây tranh cãi của ông Donald Trump, trong đó có lệnh cấm nhập cảnh, hạn chế đi lại đối với người Hồi giáo và ông dự kiến sẽ có lộ trình để hợp pháp hóa cho những người nhập cư bất hợp pháp hiện tại mà với nước Mỹ hiện tại là 11 triệu người. Nhưng câu chuyện này là từng bước mà ông từng hé lộ ra là 8 năm để có thể trở thành công dân Mỹ.

Cũng trong 100 ngày đó, ưu tiên 1 là Covid-19, ưu tiên 2 là kinh tế, ưu tiên 3 là nhập cư, ưu tiên thứ 4 là môi trường, trong câu chuyện môi trường này, có thể biết rất rõ là ông sẽ tham gia vào hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, ông sẽ gia tăng các quy định liên quan đến môi trường và chống ô nhiễm mà trước đây ông Donald Trump đã nới lỏng ra, trong đó có câu chuyện về sản xuất công nghiệp và dầu khí, và áp dụng trở lại nhiều điều kiện về tiêu chuẩn môi trường.

Trong 100 ngày đầu của ông, có thể sẽ có chính sách kết hợp giữa phúc lợi và thuế, câu chuyện thuế này là đối với Đảng Dân chủ lâu nay họ sẽ tập trung vào đánh thuế để dành ngân sách cho phúc lợi nhiều hơn. Ông Joe Biden cũng đã nói ông sẽ tăng thuế với tập đoàn và công ty lớn cũng như với người có thu nhập cao trên 400.000USD.Cuối cùng đến câu chuyện cải cách nền tư pháp lịch sử của nước Mỹ, trong đó có chống bạo hành của cảnh sát, giám sát hoạt động của cảnh sát và bảo đảm chế độ bình đẳng về chủng tộc trong hệ thống tư pháp của nước Mỹ. Một chương trình nghị sự rất lớn, từ dịch bệnh, kinh tế, môi trường, biến đổi khí hậu hay nhập cư, thuế khóa và chủng tộc dự kiến sẽ được triển khai.

Tuy nhiên cũng có một số điểm đặc biệt: có những cái ông có thể dùng quyền hành pháp của mình để thực hiện ngay và người ta cũng đang nói đến ông có thể làm một loạt việc trong ngày 10 ngày đầu, bắt đầu ngay sau khi nhậm chức, chẳng hạn như câu chuyện về nhập cư, câu chuyện về biến đổi khí hậu, quay trở lại hiệp định Paris hay câu chuyện về đeo khẩu trang hay hoạt động liên quan đến phân phối và tiêm vắc xin Covid-19 thì các việc đó có thể làm ngay.Thế nhưng còn rất nhiều việc phải thông qua quyền của Quốc hội, nếu mà đưa ra Quốc hội, ông sẽ phải đối diện với câu chuyện phân chia quyền lợi trong Quốc hội và tranh thủ được đa số trong Quốc hội như thế nào.

Tóm lại, ông Joe Biden đứng trước 4 cuộc khủng hoảng như vậy được ông coi là 4 ưu tiên rất lớn mà ông phải tập trung vào để ứng xử ngay, đặc biệt là câu chuyện về phòng chống dịch bệnh, kinh tế và chủng tộc.Ngay trong ngày đầu nhậm chức, ông sẽ làm ngay một loạt những công việc mà trong đó có những công việc đưa ra ưu tiên mới nhưng cũng có những công việc lật lại chính sách gây tranh cãi của ông Trump. Có nhiều chính sách lớn hơn, ông sẽ cần đến sự ủng hộ của Quốc hội.

SỰ LÊN NGÔI CỦA NGOẠI GIAO TRUYỀN THỐNG

Dựa trên những thông điệp chính sách cho đến thời điểm này, nhìn từ góc độ kinh tế và đối ngoại, ông Joe Biden sẽ tiếp nối những chính sách gì từ thời ông Donald Trump và ông Joe Biden sẽ có những thay đổi chính sách gì lớn nhất so với thời ông Donald Trump?

Cả về mặt kinh tế và chính sách chính trị đối ngoại sẽ phải dựa rất nhiều vào lợi ích nước Mỹ, thúc đẩy vai trò toàn cầu của Mỹ và cuối cùng đến ưu tiên về mặt đối nội của nước Mỹ hiện nay. Rõ ràng bức tranh chung về chính sách đối ngoại mà mình thấy của ông Joe Biden, ông sẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy lợi ích của nước Mỹ, vai trò toàn cầu của nước Mỹ nhưng với cách khác, nhiều chuyên gia đã nói về khả năng ông sẽ quay trở lại vai trò của ngoại giao truyền thống, ông sẽ sử dụng đồng minh và tham vấn đồng minh nhiều hơn, đề cao hệ giá trị liên quan đến dân chủ nhân quyền và môi trường, biến đổi khí hậu, tiêu chuẩn lao động; ông sẽ sử dụng các thể chế đa phương nhiều hơn, những câu chuyện này sẽ tác động kinh tế như thế nào?

Trước mắt ông sẽ tập trung vào trong nước, ưu tiên phục hồi kinh tế cũng như ưu tiên phục hồi quan hệ đồng minh và ưu tiên các giá trị, phòng chống dịch bệnh thì câu chuyện thúc đẩy hợp tác với các nước và thể chế đa phương về mặt phòng chống dịch bệnh chắc sẽ gia tăng nhanh, chính phòng chống dịch bệnh gia tăng thêm sẽ tạo ra ảnh hưởng hài hòa hơn, phối hợp tốt hơn trong phòng chống dịch bệnh ở tất cả các nước, đây cũng là yếu tố không trực tiếp nhưng tác động rất nhiều đến câu chuyện kinh tế và hoạt động kinh tế sắp tới.

Thứ hai, ông Joe Biden cũng như đội ngũ của ông sẽ thúc đẩy tham vấn với quốc tế, đồng minh và đối tác nhiều hơn, tức là họ sẽ tham gia nhiều hơn vào hoạt động hợp tác quốc tế. Và trong đó, họ sẽ ưu tiên nhiều hơn cho các vấn đề kinh tế thương mại. Đặc biệt trong các thể chế liên quan đến tài chính kinh tế thế giới, đặc biệt câu chuyện từ G-20 cho đến WTO hay IMF và WB và nếu có sự phối hợp tốt hơn như vậy thì điều phối và quản trị vĩ mô về mặt kinh tế tài chính và thương mại của thế giới có thể sẽ có ảnh hưởng tốt hơn.

Nước Mỹ hiện tại đang tập trung vào các vấn đề trong nước. Trong thời gian vừa qua, nước Mỹ đã chuyển sang rất nhiều về tác động của chủ nghĩa dân túy, người ta muốn nhìn nhận lợi ích của nước Mỹ khác biệt đi; cho nên những cái quyết định của ông Joe Biden dù muốn hay không muốn liên quan đến việc thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do của nước Mỹ với thế giới chắc vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức trong đó có câu chuyện liên quan đến một hệp định thương mại như thế nào đối với châu Á – Thái Bình Dương và trước đây ông Joe Biden và ông Barack Obama đã thúc đẩy TPP, đối với nước Mỹ người ta vẫn đang rất do dự và có tính bảo thủ cao hơn trong câu chuyện phát triển thương mại tự do này. Đây sẽ là ẩn số và dấu ấn rất lớn trong việc thúc đẩy thương mại như thế nào.

Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trong đó có cạnh tranh kinh tế và thương mại cũng như cạnh tranh chiến lược được dự báo chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng và chính sự gia tăng này sẽ khiến cho câu chuyện về tính khó lường trước và bất ổn, trong đó có câu chuyện thương mại, khoa học công nghệ sẽ khó khăn hơn rất nhiều dù rằng ông Joe Biden có chính sách ổn định hơn.

Tác động của năm 2020 có mấy yếu tố nổi lên như sau: chuyện dịch bệnh và đại phong tỏa đã làm cho tất cả các nền kinh tế và trung tâm kinh tế lớn đều có những sự suy thoái và sự khó khăn. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc làm cho các chuỗi cung ứng đứt quãng và đảo lộn, có những sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng.

Nhìn sang 2021, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế đang có nhiều dấu hiệu khả quan hơn, nhưng vẫn mang đầy tính bất trắc và bất ổn. Đại dịch dù rằng có vắc xin, dù rằng có những biện pháp kiểm soát tốt nhưng bất kỳ lúc nào cũng có làn sóng mới nổi lên, chủng mới của virus vẫn xuất hiện, chính vì vậy kiểm soát dịch bệnh càng căng thẳng hơn. Kiểm soát dịch bệnh căng thẳng như vậy và chưa thể có đường ra sớm ngay, chính vì vậy vẫn rất khó mở cửa hoạt động kinh tế.

Nếu có phục hồi, người ta thấy rất rõ đặc thù của phục hồi kinh tế thế giới trong 2021 này sẽ còn nhiều bất trắc và không đồng đều giữa các nước cũng như các vùng và khu vực, đồng thời nó là quá trình kéo dài chứ không phải sớm phục hồi đầy đủ các hoạt động kinh tế và thương mại. Dù chính quyền mới ở nước Mỹ như thế nào, quan hệ nước Mỹ ra sao, thì nó vẫn tác động trực tiếp đến hoạt động kinh tế của các trung tâm lớn của thế giới cũng như các chuỗi cung ứng.

CHIẾN LƯỢC ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG KẾ THỪA TỪ THỜI KỲ DONALD TRUMP

Ông Joe Biden hay bất kỳ Tổng thống Mỹ nào khác cũng đều coi trọng khu vực châu Á – Thái Bình Dương và nhìn vào lựa chọn nhân sự cho chính sách đối ngoại và an ninh nước Mỹ thì có thể thấy chính trị gia Mỹ tiếp tục coi trọng châu Á – Thái Bình Dương và vai trò gắn kết khu vực này. Đồng thời Mỹ cũng sẽ coi trọng trao đổi với đồng minh và khu vực, trong đó có sử dụng nhiều hơn các kênh đa phương. Câu chuyện về ASEAN và các đối tác tại khu vực này sẽ vẫn tiếp tục được coi trọng.

Với chức vụ mà ông mới nâng cấp và đề cao, đó là điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của ông Kurt Campbell thì có lẽ có thể hình dung ra rằng ông sẽ tiếp tục sử dụng khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để nhân lên. Như vậy với khu vực châu Á – Thái Bình Dương này, ông Joe Biden sẽ có cách tiếp cận mới, ưu tiên mới nhưng sẽ vẫn kế thừa một cách có chọn lọc quan điểm chính sách thời của ông Trump.

Câu chuyện cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương này sẽ vẫn tiếp tục nhưng sẽ được quản trị một cách ổn định, chiến lược hơn, không có nhiều rủi ro khó lường như thời ông Trump. Với vấn đề an ninh hàng hải, ông sẽ vẫn duy trì con đường của ông Donald Trump cho đến ngày nay, đó là an ninh an toàn, tự do hàng hải, vai trò của Mỹ trong một trật tự có lợi cho Mỹ ở đây, câu chuyện về bác bỏ yêu sách quá mức của một số bên và ủng hộ thực thi luật pháp quốc tế, công ước luật biển.

Trong triển khai về chính sách đối ngoại, nước Mỹ cũng đang đương đầu nhiều vấn đề mà nó thể hiện trong 4 cuộc khủng hoảng đã nhắc đến ở trên. Vậy nên chiến lược có thể như vậy nhưng triển khai cụ thể bị tác động nhanh chậm thế nào đó do chịu ảnh hưởng của các vấn đề nội bộ. Trong các câu chuyện nội bộ của nước Mỹ có cả vấn đề câu chuyện về khó khăn khách quan, kinh tế và đại dịch nhưng nó cũng có cả sự phân cực chính trị và phân hóa trong lòng nước Mỹ.

Cám ơn ông về những chia sẻ!


Theo Ngọc Diệp

Nhịp sống doanh nghiệp

Trở lên trên