Đại tá CSGT nói vụ xe Lexus đâm liên hoàn ở phố Trích Sài “có dấu hiệu của một tội phạm”
Theo quy định của pháp luật, Đại tá Sơn nhận định vụ xe Lexus gây tai nạn liên hoàn trên phố Trích Sài đã có dấu hiệu của một tội phạm.
- 19-12-2018Vụ xe "điên" Lexus đâm hàng loạt phương tiện: Bánh sau xe chèn qua người tôi lần thứ 2
- 19-12-2018Sức khỏe các nạn nhân vụ nữ tài xế xe Lexus tông liên hoàn 7 phương tiện ra sao?
- 19-12-2018Nữ tài xế xe Lexus tông liên hoàn 9 phương tiện khiến 6 nạn nhân nhập viện là ai?
Không bình tĩnh xử lý là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn
Hơn một ngày qua, dư luận cả nước đang xôn xao trước vụ việc nữ tài xế Nguyễn Thu Tr (SN 1989, trú tại Lò Sũ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển xe Lexus GX 470 mang BKS 29A gây tai nạn liên hoàn trên phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Điều khiến nhiều người bất bình chính là việc sau khi xảy ra tai nạn, cảnh sát đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn thì nữ tài xế này đã vi phạm nồng độ cồn trên 0,7 miligam/1 lít khí thở.
Trao đổi với PV về vụ tai nạn nghiêm trọng trên, Đại tá Trần Sơn (cựu phó phòng hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông - Cục CSGT) cho biết:
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới vụ tai nạn là do tài xế Nguyễn Thu Tr đã có những vi phạm về an toàn giao thông khi điều khiển phương tiện không làm chủ được tốc độ, hoặc lấn làn đâm vào các phương tiện khác. Sau đó, tài xế hoảng hốt xử lý không bình tĩnh.
Phần đầu xe CSGT bị xe Lexus đâm hư hỏng.
"Việc tài xế trong vụ tai nạn cho xe lùi lại thể hiện tinh thần bấn loạn, hoảng hốt. Do đó, không bình tĩnh để xử lý là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ tai nạn...", Đại tá Sơn nói.
Theo Đại tá Sơn, nguyên nhân sâu xa hay còn gọi là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới vụ tai nạn, là do tài xế Tr lái xe trong tình trạng đã uống rượu hoặc bia và trong người có nồng độ cồn rất cao.
Đối với Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm lái xe ô tô trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Với người lái xe ô tô khi tham gia giao thông là một nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Do vậy, lái xe ô tô là một nghề có điều kiện như phải đủ tuổi, có bằng lái... Bởi hành vi lái xe trên đường liên quan đến an toàn giao thông cho những người khác và chính bản thân mình.
Hàng loạt xe máy bị xe Lexus đâm hư hỏng.
"Nếu nữ tài xế có giấy phép lái xe thì đã được học và sát hạch lái xe. Việc học bằng lái xe giúp cô ta hoàn toàn biết rằng, khi lái xe thì không được uống rượu bia.
Nhưng qua kiểm tra, cô ta đã uống rượu hoặc bia rất nhiều. Thường thì phụ nữ sau khi uống rượu hoặc bia sẽ không làm chủ được tay lái, phán đoán xử lý tình huống không tốt, không chuẩn mực, thị lực kém...", Đại tá Sơn phân tích.
Vị Đại tá cho hay, việc nữ tài xế uống rượu hoặc bia rồi tham gia giao thông đã dẫn tới hành vi điều khiển xe vi phạm quy định giao thông. Khi gây tai nạn dẫn đến hoảng hốt, không xử lý được dẫn đến tai nạn liên hoàn.
"Đây là một lời cảnh tỉnh cho tất cả những người lái xe sau khi uống rượu hoặc bia xong mà trong hơi thở hoặc trong máu còn nồng độ cồn.
Đặc biệt là với phụ nữ, ngoài rượu, bia thì trang phục cũng có thể dẫn tới việc xử lý không chuẩn mực như guốc cao gót...", Đại tá Sơn nói.
Một nữ giáo viên bị xe Lexus đâm trọng thương đang điều trị tại viện Việt Đức.
Vụ tai nạn “có dấu hiệu của một tội phạm”
Đại tá Sơn nhận định, trong vụ tai nạn trên, hành vi uống rượu hoặc bia mà lái xe dẫn đến tai nạn của cô gái là rất nguy hiểm, đáng lên án. Theo quy định của pháp luật, vụ tai nạn đã có dấu hiệu của một tội phạm.
Dấu hiệu tội phạm trong một vụ tai nạn giao thông, thứ nhất là có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, thứ 2 là gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên.
Mức nghiêm trọng trở lên trong tai nạn giao thông là bị thương một người với kết quả giám định thương tật là 31% trở lên. Nếu không thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng của con người mà bị thiệt hại về tài sản là từ 5 triệu - dưới 50 triệu đồng.
Như vậy, hậu quả của vụ tai nạn này ở mức rất nghiêm trọng khi có nhiều người bị thương và nhiều phương tiện hư hỏng.
Thứ 3 là hành vi vi phạm luật giao thông với hậu quả của vụ tai nạn có mối quan hệ nhân quả. Tức là từ hành vi vi phạm giao thông gây ra trực tiếp hậu quả này.
"Căn cứ vào những dấu hiệu trên, tôi thấy vụ tai nạn giao thông này đã có dấu hiệu của một tội phạm.
Do vậy, khi một vụ tai nạn giao thông đã có dấu hiệu của một tội phạm thì cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ thụ lý vụ việc để điều tra.
Đồng thời, cảnh sát sẽ khởi tố vụ án và xem xét để khởi tố bị can đối với người lái xe gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng...", Đại tá Sơn đưa ra quan điểm.
Đại tá chia sẻ, vụ tai nạn là là lời cảnh tỉnh cho những người có nhiều tiền nhưng khi đi học bằng lái xe ô tô chỉ học qua loa để có bằng, dẫn tới việc thiếu kĩ năng xử lý trên đường dẫn tới tai nạn giao thông.
Trí Thức trẻ