Đắk Lắk bỏ nghệ đầy đồng vì giá xuống thấp
Hàng nghìn hecta nghệ ở Đắk Lắk vẫn đang bị bỏ ngoài đồng, giá nghệ chỉ bằng 20% của năm ngoái dù đã vào vụ thu hoạch được hơn 2 tháng.
- 27-03-2018Củ cải, rau… nhổ bỏ: Vì sao?
- 21-03-2018Chùm ảnh: Người Hà Nội nhiệt tình "giải cứu" củ cải cho nông dân
- 17-03-2018Cục Trồng trọt: Củ cải bỏ thối, nông dân đã thu tiền tỷ trước rồi
Như nhiều hộ khác trong xã, gia đình bà Phạm Thị Thắm, ở thôn Đoàn Kết, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk vẫn bỏ nghệ ngoài đồng, dù thời vụ thu hoạch có thể bắt đầu ngay dịp Tết nguyên đán. Bà Thắm cho biết, giá nghệ năm nay rớt thảm hại, hiện chỉ còn 2.000 đồng /kg, nên gia đình tiếc công thu hoạch: “Năm nay, nhà tôi trồng khoảng 2 hecta nghệ, bữa nay giá xuống thấp quá trong khi đó, giá công thu hoạch tới 200.000 đồng/công không có lãi nên gia đình chưa dỡ”.
Diện tích trồng nghệ tại Tây Nguyên tăng đột biến (Ảnh: KT)
Xã Cư Huê là một trong những địa phương có diện tích trồng nghệ lớn nhất của huyện Ea Kar. Cây nghệ từng được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo nhờ loại cây này. Ông Nguyễn Văn Non, Chủ tịch Hội nông dân xã Cư Huê, huyện Ea Kar cho biết, năm 2017, toàn xã có hơn 900 hecta nghệ, tăng 400 hecta so với năm 2016. Tuy đang vào mùa thu hoạch đại trà nhưng tính ra tiền bán nghệ cũng không đủ trả tiền công đào, công chăm sóc và chi phí đầu tư phân bón, nước tưới.
Những năm trước, nghệ có giá cao, từ 9.000 - 13.000 đồng/kg, người dân trong xã đổ xô chuyển từ trồng ngô, sắn sang trồng nghệ thì năm nay, giá nghệ xuống thấp, chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí về giống, phân bón thì mỗi hecta người nông dân chỉ thu được gần 20 triệu đồng cho cả một năm chăm sóc.
“ So với giá năm ngoái giá năm nay quá thấp, do đó ảnh hướng rất lớn đến vấn đề thu hái. Bên cạnh đó, giá thuê nhân công cao so với nghệ bán ra nên diện tích nhiều như vậy nhưng đầu ra rất khó khăn”, ông Nguyễn Văn Non cho biết thêm.
Theo ông Hồ Tấn Cư, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar, việc phát triển cây nghệ ở huyện là tự phát, tăng rất mạnh trong 2 năm trở lại đây. Để tránh phát triển nóng, gây dư thừa, mất giá, huyện đã đưa ra nhiều khuyến cáo, nhưng phong trào trồng nghệ vẫn lan rộng và diện tích trồng năm 2017 ở huyện vẫn lên tới 1.400 hec ta.
“Ngay từ đầu vụ chúng tôi cũng đã khuyến cáo bà con và định hướng cho nông dân hạn chế trồng nghệ một cách ồ ạt. Bên cạnh đó, liên kết với công ty Solavina, công ty chuyên về nghệ, liên kết với nông dân để trồng, tuy nhiên công ty này cũng ký hợp đồng với diện tích rất nhỏ. Chính vì vậy, đến nay thị trường tiêu thụ nghệ cũng khó khăn. Giá cả xuống thấp cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân”, ông Hồ Tấn Cư cho biết.
Dù là cây trồng mới, nhưng sự khủng hoảng của cây nghệ là điều không mới ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung, vì việc chạy theo lợi nhuận cao đã khiến nhiều lần nông dân phải trả giá. Đáng quan tâm là khủng hoảng của cây nghệ diễn ra ở thời điểm này đã khiến nông dân càng thêm khó khăn lại chồng thêm khó khăn. Bởi cùng một lúc, bà con đang mang nhiều gánh nặng khác, như tình trạng sâu bệnh và sụt giá không phanh của cây hồ tiêu, sự bế tắc của cây mía đường và ngành chăn nuôi bị thua lỗ liên tiếp 3 năm, nay vẫn chưa thể phục hồi./.
VOV