Đắk Lắk: Doanh nghiệp, cơ sở thu mua sầu riêng 'mọc' như nấm
Theo Chi cục thuế huyện Krông Pắc, Đắk Lắk trên địa bàn có 111 đơn vị thu mua, kinh doanh sầu riêng, trong đó có 81 doanh nghiệp ngoại tỉnh. Nhiều doanh nghiệp ngoại tỉnh đến xây dựng kho bãi, song để gặp được chủ cơ sở hoặc các thương lái làm việc rất khó khăn.
- 13-09-2023'Cơn sốt' sầu riêng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu thế giới tăng 400%
- 12-09-2023Sầu riêng Đắk Lắk giữa cao điểm vụ thu hoạch
- 11-09-2023Cơn sốt sầu riêng: Nhiều người lỗ tiền tỷ, nhà cửa 'bay' trong nốt nhạc
- 11-09-2023Việt Nam sẽ xuất khẩu sầu riêng sang Ấn Độ
Thu thuế gặp nhiều khó khăn
Hiện nay, Đắk Lắk đang bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. Tại huyện Krông Pắc - thủ phủ sầu riêng của Đắk Lắk - có diện tích trồng hơn 7.000 ha sầu riêng, trong đó có hơn 3.000 ha cho thu hoạch.
Năm nay, sản lượng sầu riêng huyện này ước đạt 56.000 tấn. Trước thời điểm thu hoạch có nhiều doanh nghiệp đổ về thu mua, xây dựng cơ sở, kho bãi vi phạm quy định của pháp luật.
Theo Chi cục thuế huyện Krông Pắc, trên địa bàn có 111 đơn vị thu mua, kinh doanh sầu riêng, trong đó có 30 hộ dân địa phương và 81 doanh nghiệp ngoại tỉnh. Nhiều doanh nghiệp ngoại tỉnh đến xây dựng kho bãi, song để gặp được chủ doanh nghiệp hoặc các thương lái làm việc rất khó khăn. Đến nay, Chi cục thuế huyện Krông Pắc đã thu hơn 850 triệu đồng thuế khoán của các hộ kinh doanh sầu riêng và hoạt động xây kho, cho thuê kho tập kết sầu riêng.
Ông Phạm Thanh Long - Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra số 2, Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk - cho biết, mua bán sầu riêng là hoạt động kinh doanh mang tính thời vụ nên ngay từ đầu vụ thu hoạch, các Chi cục thuế đã phối hợp với chính quyền địa phương thu thập, nắm bắt thông tin về mã vùng trồng, diện tích nhằm quản lý tận gốc sản lượng sầu riêng xuất ra khỏi địa bàn để quản lý chặt chẽ về thuế, không để bỏ sót nguồn thu.
“Hiện nay, cục thuế tập trung lực lượng rà soát, quản lý việc mua bán của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn, ghi nhận về số lượng sầu riêng mua vào, tồn kho, giá bán để quản lý tốt doanh thu. Tuy nhiên, Đắk Lắk là địa phương có vùng trồng sầu riêng rộng, các thương lái thường vào mua trực tiếp tại vườn các hộ dân, trong khi số lượng công chức thuế và phương tiện có hạn nên công tác quản lý thuế sầu riêng gặp nhiều khó khăn”, ông Phạm Thanh Long cho biết thêm.
Để ngành sầu riêng bền vững
Để xuất khẩu sầu riêng bền vững, đáp ứng tiêu chí thị trường các nước, ông Vũ Ngọc Huy - Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ Phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn - cho rằng doanh nghiệp thu mua sầu riêng xuất khẩu cần phải chú trọng chữ tín mới giữ được chén cơm bền vững. “Việc thu mua, đóng gói, xuất khẩu sầu riêng có lẫn trái non, không đạt chất lượng của một số doanh nghiệp thời gian qua là việc làm chưa có tâm với nghề, vô trách nhiệm với ngành hàng của mình đang kinh doanh", ông Huy bình luận.
Theo ông Huy, các liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân dễ bị bẻ gãy khi giá lên cao, gây mất ổn định ngành hàng và chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chặt mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng kết nối với các Hợp tác xã từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu mua, bao tiêu sản phẩm. Chính quyền địa phương cần ngăn chặn "cò" bất động sản đặt cọc thu mua vườn sầu riêng rồi bán lại cho các doanh nghiệp lớn hơn để hưởng chênh lệch, làm náo loạn thị trường, dẫn đến tranh chấp, ẩu đả, gây thiệt hại cho người nông dân.
Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc - cho biết, suốt một thời gian dài, cả hệ thống chính trị huyện này cùng với các doanh nghiệp, người nông dân đã và đang nỗ lực để khẳng định chất lượng, thương hiệu loại trái cây vua này.
“Tuy nhiên, thời gian qua, có một vài vụ việc đáng tiếc xảy ra trên địa bàn huyện Krông Pắc như doanh nghiệp làm giả giấy ủy quyền để xuất khẩu, bẻ cọc giữa người mua và bán, trà trộn những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, vi phạm quy định về mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói... đây là những hành động cần lên án và chấn chỉnh”, bà Trinh cho biết thêm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, để tạo một thương hiệu sầu riêng bền vững thì mỗi cá nhân hay tập thể phải tự tạo cho mình nhãn hiệu. Đã đến lúc, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và nhà quản lý phải liên kết để tạo thành mắt xích bền chặt thì câu chuyện chất lượng quả sầu riêng, xuất khẩu mới lâu bền.
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk - cho biết, trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức, hợp tác để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần đi cùng nhau để phát trình triển ngành hàng.
Tiền Phong