Đắk Lắk: Gần 100 tấn khoai môn ‘tắc’ đầu ra, huyện kêu gọi 'giải cứu'
Gần 100 tấn khoai môn hương của người dân ở xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) chưa bán được mặc dù địa phương đã kêu gọi cá nhân, tổ chức trên địa bàn hỗ trợ tiêu thụ cho bà con
- 11-08-2021Giúp dân tiêu thụ nông sản
- 11-08-2021Hàng chục người tố bị lừa tiền khi mua nông sản của Facebook Hữu Cơ Đà Lạt
- 09-08-2021Lo đầu ra cho hàng triệu tấn nông sản ra sao?
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã chọn khoai môn hương trồng thử nghiệm.
Theo thống kê, hiện diện tích trồng khoai môn hương ở xã này khoảng trên dưới 20ha, năng suất đạt trên 1,2 tấn củ/sào, so với các loại cây trồng khác thì giá trị cây khoai môn hương cao gấp 4 - 5 lần.
Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khi người dân vào vụ thu hoạch thì khoai môn khó tiêu thụ.
Trong tổng số hơn 300 tấn khoai, hiện tại người dân đã tiêu thụ được khoảng 2/3, còn lại khoảng 100 tấn vẫn còn tồn đọng. Thị trường chủ yếu là Quảng Nam và Đà Nẵng nhưng cả 2 nơi này đang áp dụng Chỉ thị 15 và 16.
Theo ông Nguyễn Hoài Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền, chính quyền địa phương cũng đã kêu gọi giải cứu khoai nhưng rất khó khăn vì đa số người mua mang tính chất nhỏ lẻ không đáng bao nhiêu, trong khi số lượng tồn đọng trong dân còn rất nhiều.
Ông Quý cho rằng lý do là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thương lái ở xa, thị trường bó hẹp, người dân trồng tự phát.
“Trước đây, khi chưa xảy ra dịch bệnh, giá khoai dao động từ 20-30.000 đồng/kg nhưng hiện nay, giá khoai giảm xuống chỉ còn khoảng 10.000 đồng/kg mà người dân cũng không bán được, với số lượng cả trăm tấn mà mỗi ngày chỉ bán được mấy tạ thì không ăn thua gì”, ông Quý cho hay.
Ông Lương Văn Trĩ ở thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền cho biết, gia đình ông trồng hơn 3 ha khoai nhưng hiện nay mới bán được khoảng 1/3 với giá 10.000 đồng/kg. Hiện gia đình ông còn khoảng 40 tấn khoai, nếu không tiêu thị được khoai có nguy cơ bị già và hư hỏng.
“Nếu bán hết toàn bộ số lượng khoai với giá 10.000 đồng/kg thì vụ này chúng tôi hòa vốn, không tính công xá thì có lãi một chút nhưng giờ khoai không bán được, để lâu sẽ hỏng hết”, ông Trĩ nói.
Ruộng khoai môn hương của 1 gia đình ở xã Khuê Ngọc Điền. (Ảnh: baodaklak.vn) |
Tương tự, ông Hoàng Sỹ ở thôn 12 cũng trồng 6 sào khoai năm nay sản lượng thu hoạch được hơn 6 tấn nhưng hiện nay mới chỉ bán được vài tạ. Số khoai còn lại chưa bán được có một số đã bị thối. Nếu không bán được khoai thì vụ này gia đình ông Sỹ mất khoảng hơn 50 triệu đồng. |
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, ông Đinh Văn Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Bông cho biết, huyện vừa ký văn bản đề nghị các tổ chức, cá nhân trên địa bàn chung tay hỗ trợ tiêu thụ khoai môn hương cho người dân ở xã Khuê Ngọc Điền.
Lý giải về việc cây khoai môn hương chưa thể đưa vào cây trồng chủ lực ở địa phương ông Tiến cho hay, hiện nay thị trường tiêu thụ khoai rất bó hẹp, chủ yếu tập trung ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Hơn nữa loại củ này không thể để lâu được như các loại củ khác, nếu đến thời điểm thu hoạch làm chậm một chút là củ sẽ bị thối hỏng, gây khó khăn cho công tác bảo quản vận chuyển.
“Bài học nhãn tiền về cây Bơ bút đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, lúc đầu giá cả rất cao, thương lái mua nhiều và người dân cứ thế ồ ạt trồng. Sau đó giá giảm xuống thì không kịp trở tay, nên việc đưa cây khoai môn hương vào cây trồng chủ lực cần phải tính toán rất kỹ lưỡng”, ông Tiến chia sẻ thêm.
Infonet