MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đăk Lăk khơi thông nguồn vốn, đẩy lùi tín dụng đen

15-05-2020 - 13:57 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhờ sự linh hoạt trong khơi thông nguồn vốn vay kịp thời tới người dân của các ngân hàng, nạn tín dụng đen ở Đăk Lăk đã từng bước được đẩy lùi.

Bà H’Nớt Byă người Ê Đê ở buôn Ko Đung, là nạn nhân tiêu biểu tín dụng đen ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Bà H’Nớt Byă kể, năm 2015, vợ chồng bà vay của ngân hàng 200 triệu đồng về đầu tư làm chuồng nuôi 20 con lợn, mua 500 trụ gỗ về dựng trồng tiêu. Lợn bị dịch chết, vườn tiêu cũng bị dịch chết. Năm 2017 đã quá kỳ trả nợ ngân hàng cả năm nên bà đành vay nóng bên ngoài 250 triệu đồng để trả vốn và lãi.

Cứ như vậy, bà H’Nớt vay chỗ nọ, trả chỗ kia với  lãi suất 15%/tháng. Tháng 9 năm 2019, số tiền nợ cả vốn và lãi lên đến 3 tỷ đồng. Vợ chồng bà H’ Nớt đành giao 2 rẫy cà phê, hồ tiêu với diện tích 1,5 ha để trừ nợ.

“Vỡ  nợ thì phải báo với  công an tỉnh, công an huyện biết. Không trả được thì vỡ nợ. Bây giờ cả lãi cả gốc đã lên hơn 3 tỷ. Không trả được nên phải chấp nhận để họ lấy đi 2 mảnh đất rẫy”, bà H’Nớt nói.

Xã Ea Nuôl có 17 thôn buôn, với trên 3.000 hộ, trong đó hơn một nửa là dân tộc thiểu số. Trong các năm 2018, 2019, nạn tín dụng đen bắt đầu hình thành và hoành hoành nơi đây. Tín dụng đen tồn tại được bởi khi người nào cần tiền, họ được đáp ứng ngay tức thì, không cần thủ tục hay thế chấp gì, chỉ cần một tờ giấy viết tay, ghi số  tiền vay.

Đăk Lăk khơi thông nguồn vốn, đẩy lùi tín dụng đen - Ảnh 1.

Nhiều hộ gia đình trên địa bàn do cần gấp khoản tiền vài chục triệu đồng đã vay tín dụng đen, chỉ trong một năm số tiền phải trả đã gấp đôi số tiền vay.

Nhiều hộ gia đình trên địa bàn do cần gấp khoản tiền vài chục triệu đồng đã vay tín dụng đen, chỉ trong một năm số tiền phải trả đã gấp đôi số tiền vay. Họ đành phải bán đất, bán trâu bò, nương rẫy để trả nợ. Chỉ những trường hợp không còn gì để bán, mới đến báo với chính quyền.

Không chỉ ở huyện Buôn Đôn, tín dụng đen cũng xuất hiện ở nhiều địa phương khác. Để ngăn chặn tình trạng này, các cấp chính quyền của Đăk Lăk đã chỉ đạo các ngành chức năng triệt phá nhiều ổ nhóm cho vay nặng lãi, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con.

Ông Lê Thăng Long, Chủ tịch UBND huyện Ea H’ Leo cho biết: “Trên địa bàn Ea H’Leo, tình trạng hoạt động tín dụng đen diễn ra khá phổ biến. Chúng tôi đã chỉ đạo anh em công an xây dựng các chuyên án để triệt phá các băng nhóm tín dụng đen này. Qua điều tra khảo sát, các băng nhóm tín dụng đen này là những người nơi khác đến đây thuê nhà trọ, thuê các cơ sở kinh doanh để trá hình, núp đằng sau hoạt động tín dụng đen. Một số bà con đã bị mắc lừa, bị lôi kéo vào hoạt động tín dụng đen. Cũng có những đối tượng cầm đầu tín dụng đen này đến đòi nợ rồi gây mất ổn định tình hình anh ninh trật tự trên địa bàn. Chúng tôi đã chỉ đạo rất quyết liệt ngành nội chính trong đó vai trò của công an của viện kiếm sát, của toà án, các đơn vị thanh tra tư pháp, giúp cho huyện uỷ, ủy ban có những chỉ đạo rất quyết liệt và thường xuyên thanh tra kiểm tra”.

Thời gian qua, tín dụng đen hoành hành được là do nhu cầu nguồn vốn của người dân, việc tiếp cận vốn khó do thủ tục phức tạp, nhiều người  nhận thức còn hạn chế dễ bị lừa gạt bởi các thủ tục đơn giản nên dẫn đến việc tìm tới tín dụng đen.

Theo ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, để kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tín dụng đen “tàn phá” các buôn làng, chính quyền các cấp đã chỉ đạo quyết liệt đấu tranh tấn công ổ nhóm đội lốt kinh doanh hoạt động tín dụng đen, đồng thời, phối hợp với các tổ chức và ngân hàng tháo gỡ về thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay, giúp bà con nông dân có vốn để sản xuất kinh doanh được xác định là giải pháp hiệu quả.

“Lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với  Mặt trận Tổ quốc  và các đoàn thể xuống tổ chức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh và tuyên truyền trực tiếp, đưa những người đã bị lâm vào tình  trạng tín dụng đen nói trước bà con để bà con nhận biết được sự nguy hiểm của hoạt động tín dụng đen. Xã cũng đã triển khai phối họp chặt chẽ với ngân hàng chính sách, tổ chức cho vay đối với các hộ nghèo, cận nghèo, các hộ thoát nghèo. Đến nay, các kênh đã triển khai thì dự nợ trên địa bàn xã đối với ngân hàng chính sách là trên 50 tỷ đồng. Cấp uỷ chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở bà con  khi đi vay, làm hồ sơ thủ tục là không qua đối tượng trung gian nào, nên trực tiếp gặp cán bộ công chức của xã để được hướng dẫn, rồi phối hợp với cán bộ tín dụng ngân hàng hướng dẫn bà con lập thủ tục vay vốn nhanh, gọn nhất”, ông Lê Văn Quyết nói.

Từ thực tiễn ở cơ sở, ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Đắk Lắk cho rằng, khơi thông nguồn vốn bằng những giải pháp thiết thực như triển khai xe ngân hàng lưu động tới các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, phối hợp với chính quyền và các tổ chức rà soát linh hoạt trong thủ tục để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn kịp thời, đúng đối tượng chính là một trong cách làm hiệu quả nhất. Chỉ riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Đắk Lắk hiện đã có 183 điểm giao dịch đến tận các xã vùng sâu vùng xa, với trên 190.000 hộ nông dân được tín chấp vay vốn để đầu tư sản xuất, làm nhà ở hoặc nuôi con học đại học.

“Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng như của ngành về tăng cường cung ứng vốn ở các địa phương, đặc biệt vùng sâu vùng xa, đây là trách nhiệm của ngân hàng chính sách trong việc hạn chế nạn tín dụng đen. Nhờ nguồn vốn của ngân hàng mà hạn chế được tệ nạn này”, ông Nguyễn Tử Ân cho hay.

Có thể thấy, những biện pháp quyết liệt của các cấp chính quyền, sự chung tay của các tổ chức và ngân hàng trong việc đáp ứng nguồn vay đã giúp bà con có nguồn vốn để sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế, hạn chế tình trạng hoạt động của tín dụng đen, góp phần ổn định cuộc sống và làm giàu cho bà con nông dân trên mảnh đất quê hương mình./.

Theo Xuân Lãm

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên