Đạm Cà Mau (DCM): Cổ phiếu tăng tốt, nhà máy cán mốc sản lượng 8 triệu tấn ure
Trên thị trường, cổ phiếu DCM những phiên gần đây tăng mạnh với thanh khoản đột biến. Chốt phiên 7/10/2021, DCM đạt mức 29.900 đồng/cp, tăng 26% chỉ sau 1 tuần giao dịch.
- 04-10-2021Thế khó của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước
- 04-10-2021Sóng cổ phiếu phân bón tái khởi động
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) vừa có tổng kết tình hình SXKD, ghi nhận việc giá dầu thế giới và giá khí thiên nhiên đang tăng mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất của các đơn vị.
Cùng với đó, kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, doanh nghiệp đã chi hơn 100 tỷ đồng để phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần "sản xuất 3 tại chỗ". Ngoài ra, còn phải kể đến các chi phí liên quan đến lưu thông, vận chuyển, chậm giải phóng tàu, giải phóng kho… tăng 15% do phát sinh liên quan đến hoạt động xét nghiệm, thông chốt, thông quan, chuyển khẩu tại chỗ.
Dù vậy, với việc duy trì hoạt động ổn định với 110% công suất, nhà máy Đạm Cà Mau vừa cán mốc 8 triệu tấn sản phẩm ure, tăng 1 triệu tấn kể từ tháng 9/2020 (lúc bấy giờ nhà máy đạt 7 triệu tấn ure sau 9 năm vận hành).
Được biết, cụm khí – điện – đạm chính thức hoàn chỉnh và đi vào hoạt động từ năm 2011, với tổng mức đầu tư hơn 900 triệu USD. Với công suất thiết kế từ trên 103 - 110%, nhà máy cung ứng 800.000 tấn ure mỗi năm. Từ tháng 2/2019, DCM tiếp tục đưa hệ thống Permeat Gas vào vận hành với công suất thu hồi gas vượt 30%, giảm lượng tiêu thụ khí tự nhiên khoảng 1.900GJ/ngày. Kết quả, chi phí sản xuất của Công ty cũng giảm từ 43 đến 68 tỷ/năm.
Hiện, DCM cung ứng cho khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, song song duy trì ổn định 60% thị phần Tây Nam Bộ. Từ đầu năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, ban lãnh đạo DCM cho biết Công ty vẫn tiêu thụ 930.650 tấn, xuất hiệu quả 300.000 tấn ure sang đối tác thân thiết Campuchia, cung ứng đều đặn sang Myanmar, Thái Lan, Philippines…
Ngoài ra, phân xưởng NPK Cà Mau chính thức vận hành quý 3/2019 với công suất 300.000 tấn/năm làm phong phú hơn sản phẩm và sản lượng phục vụ.
Trên thị trường, cổ phiếu DCM những phiên gần đây tăng mạnh với thanh khoản đột biến. Chốt phiên 7/10/2021, DCM đạt mức 29.900 đồng/cp, tăng 26% chỉ sau 1 tuần giao dịch.
Về chỉ số kinh doanh, sản lượng urea Công ty tiêu thụ đạt 421.000 tấn trong nửa đầu năm, giá bán trung bình tăng 25% lên 7.900 đồng/kg, đủ để bù đắp giá khí đầu vào tăng 47% lên 5,80 USD/mmbtu (bao gồm VAT).
Biên lợi nhuận gộp theo đó vẫn cải thiện từ 22,6% trong 6 tháng đầu năm 2020 lên 23,6% trong 6 tháng đầu năm 2021. Tương ứng, Công ty đạt 4.236 tỷ đồng doanh thu thuần – tăng 29% và 467 tỷ đồng LNTT - tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt nhà đầu tư vừa qua, DCM cho biết 6 tháng đầu năm 2021 được xem là một năm "chưa từng có tiền lệ" trong vòng 10 năm qua khi giá các sản phẩm phân bón nói chung và ure nói riêng có sự tăng đột biến, khó kiểm soát. Nửa đầu năm 2021 việc vận hành nhà máy bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi nguồn cấp khí nguyên liệu nhưng bằng nỗ lực vượt bậc và kinh nghiệm chuyên môn của đội ngũ vận hành, công ty đã sớm khắc phục và đảm bảo sản lượng sản xuất theo kế hoạch. Công suất vận hành nhà máy trong quý 2 đạt trên 110% đủ để bù đắp sản lượng hụt trong quý 1 và đảm bảo nguồn cung dồi dào cho thị trường trong nước, đặc biệt bộ sản phẩm phân bón Cà Mau đa dạng chủng loại đã kịp thời đến tay bà con ngay trong vụ Hè Thu tại ĐBSCL.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị