Dăm gỗ giá rẻ bèo!
Rừng trồng ở Bình Định cũng như hầu hết các tỉnh nghèo Duyên hải Nam Trung bộ đều được khai thác non để bán cho các nhà máy chế biến dăm gỗ XK với giá trị thấp.
- 22-09-2019Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ tăng mạnh
- 21-07-2019Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mang về gần 5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm
- 12-07-2019Xuất khẩu dăm gỗ: Đứng đầu thế giới nhưng không “cầm trịch”
Mặt hàng dăm gỗ tới đây sẽ còn phải gánh thêm thuế XK để hạn chế rừng chất lượng thấp, buộc DN và người trồng rừng phải thay đổi.
Rừng gỗ lớn ở Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh.
Nếu như những năm trước đây giá gỗ nguyên liệu luôn ổn định, được các nhà máy chế biến dăm gỗ thu mua với giá cao, thì trong thời gian gần đây, do thị trường Trung Quốc dừng thu mua nên gỗ rừng trồng bị tuột giá thảm hại.
Quãng thời gian tồi tệ
Ông Võ Vạn Toàn, Giám đốc Cty TNHH Sông Kôn, đơn vị chuyên chế biến dăm gỗ XK đóng tại KCN Phú Tài (TP Quy Nhơn, Bình Định), cho biết: “Từ đầu năm đến tháng 6/2019, giá dăm gỗ XK được thu mua tại Cảng Quy Nhơn với giá 139USD/tấn khô thì hiện nay chỉ còn 128USD/tấn khô. Quãng thời gian tồi tệ nhất của ngành chế biến dăm gỗ ở Bình Định là trong tháng 7 vừa qua. Tại thời điểm này, hàng chục DN chuyên chế biến dăm gỗ XK ở Bình Định phải dừng thu mua gỗ rừng trồng, vì dăm gỗ tồn kho không xuất được, do thị trường Trung Quốc dừng hẳn việc thu mua”.
Riêng tại Cty TNHH Sông Kôn, theo ông Võ Vạn Toàn, trong tháng 7 vừa qua Cty này đã tồn kho 30.000 tấn dăm tươi, lượng hàng tồn kho này vừa được “giải phóng” dứt điểm vào giữa tháng 8. Sau khi giải phóng hết lượng dăm trong kho, Cty này mới thu mua gỗ nguyên liệu trở lại, nhưng với giá thấp, hiện chỉ 1,1-1,2 triệu đồng/tấn. “Giá gỗ nguyên liệu tuột thảm hại, thế nhưng người trồng rừng muốn bán cũng chẳng DN nào thu mua, bởi kho bãi đã đầy ắp lượng hàng tồn”, ông Toàn cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (Bình Định), thông tin thêm: “Trong thời gian vừa qua, dù dăm gỗ đã tiêu thụ được nhưng các DN chế biến dăm trên địa bàn tỉnh chỉ thu mua những cánh rừng khai thác ở dưới thấp để thuận tiện vận chuyển, những cánh rừng trên núi cao ở Hoài Ân chỉ được các thương lái mua khoảng 700.000đ/tấn, người trồng rừng chẳng màng đến thu hoạch dù đã đến chu kỳ khai thác, vì thu chẳng đủ bù chi, nhất là công chặt và vận chuyển lên xe”.
Theo các nhà chuyên môn, hiện nay có khoảng 70 – 80% lượng dăm gỗ của Việt Nam XK sang thị trường Trung Quốc, 20 – 30% còn lại được xuất sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Võ Vạn Toàn, Giám đốc Cty TNHH Sông Kôn, đơn vị có năng lực SX 700 tấn dăm tươi/ngày, 100% lượng hàng đều xuất sang thị trường Trung Quốc, giải thích vì sao mặt hàng dăm gỗ của Việt Nam cứ phải chọn thị trường Trung Quốc: “Đơn giản là các nước Nhật Bản và Hàn Quốc không có nhu cầu cao về dăm gỗ như Trung Quốc, hơn nữa, tuyến đường vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc cả đường bộ lẫn đường thủy đều gần hơn các nước khác, nên có thể “giải phóng” hàng để thu hồi vốn nhanh hơn, phù hợp với những DN nhỏ, ít tiềm lực về kinh tế và không có kho bãi rộng để dự trữ hàng”.
Trước thông tin rồi đây mặt hàng dăm gỗ có khả năng sẽ gánh thêm chi phí với khoản thuế XK tăng lên 5% để hạn chế trồng rừng gỗ nhỏ, đồng nghĩa là các DN sẽ phải thu mua gỗ nguyên liệu thấp hơn nữa, người trồng rừng không biết rồi đây sẽ xoay xở ra sao với những cánh rừng mình đã trồng?
Làm gì để nuôi rừng gỗ lớn?
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, từ trước đến nay người trồng rừng ở tỉnh này cứ đến 5 năm là khai thác để bán cho các nhà máy chế biến dăm. Khai thác rừng non kiểu ấy, trước tiên người trồng rừng bị thiệt thòi về thu nhập bởi giá trị gỗ nguyên liệu thấp, rất phung phí tài nguyên. Trong khi ở Bình Định đang có đến cả trăm DN chuyên chế biến đồ gỗ XK, mà phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu. Nếu nuôi rừng trồng thành gỗ lớn thì ngoài giải quyết được áp lực nhập khẩu gỗ nguyên liệu cho các DN chế biến đồ gỗ XK, mà người trồng rừng còn thu được lãi cao.
Rừng trồng cây gỗ lớn được các DN chế biến đồ gỗ XK thu mua với giá rất cao. |
Ông Hổ phân tích thêm, nếu rừng trồng 5 năm khai thác, bình quân người trồng rừng có mức doanh thu 120 triệu đồng/ha, còn nuôi rừng đến 10 năm mới khai thác thì mức doanh thu có thể đạt đến 250 triệu đồng/ha, thậm chí cao hơn nhiều nếu rừng có chứng nhận. Nuôi rừng gỗ lớn người trồng chỉ tốn thêm công bảo vệ, chứ sau chu kỳ 5 năm rừng phát triển với tốc độ rất nhanh, chất lượng gỗ tốt hơn, tỷ trọng cây gỗ cao hơn. “Nếu khai thác gỗ non 1 khối tỷ trọng gỗ chỉ đạt 0,7 tấn thì khai thác cây gỗ lớn tỷ trọng gỗ sẽ tăng lên, 1 khối đạt đến 1 tấn”, ông Hổ khẳng định.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy là nếu nuôi rừng gỗ lớn, người trồng rừng cần phải có kinh phí để đầu tư với thời gian dài gấp đôi, thêm vào đó là nỗi lo những cánh rừng phải đối mặt với gió bão và nạn cháy rừng. Đây chính là những vướng mắc lớn trong nỗ lực phát triển rừng gỗ lớn ở Bình Định.
Khó, nhưng không thể không làm. Do đó, Bình Định đang nỗ lực vận động các DN liên kết với người trồng rừng hình thành chuỗi từ SX đến bao tiêu sản phẩm; hoặc người trồng rừng liên kết lại thành tổ hợp tác hay HTX nghề rừng, gom diện tích rừng trồng lại ít nhất là 100ha để tiến hành xin cấp chứng chỉ FSC, sau đó ký hợp đồng với các DN để SX cây gỗ lớn.
“Hiện trên địa bàn Bình Định đã có 2.400ha rừng được trồng mới và chuyển thành rừng gỗ lớn, tập trung tại 3 Cty Lâm nghiệp Sông Kôn, Hà Thanh và Quy Nhơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang triển khai mạnh mẽ việc nuôi rừng gỗ lớn đến với người trồng rừng trong tỉnh; đồng thời chúng tôi đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dung một số chính sách nhằm khuyến khích người dân mạnh dạn tham gia trồng rừng gỗ lớn”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.
|
Nông nghiệp Việt Nam