MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đam mê" vay mượn để xây siêu dự án: Một quốc gia lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, nhiều người không còn tiền để ăn

11-02-2023 - 15:11 PM | Tài chính quốc tế

"Đam mê" vay mượn để xây siêu dự án: Một quốc gia lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, nhiều người không còn tiền để ăn

Ai Cập hiện đang phải đối mặt với một trong những thời kỳ lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều năm.

Khủng hoảng ập tới

Sự nghiệp gia truyền của Abou Tarek, một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất của Ai Cập, luôn phụ thuộc vào món ăn có tên koshary.

Là sự kết hợp của mì ống, gạo, đậu lăng, đậu gà, hành tây chiên và nước sốt cà chua cay, koshary là một trong những món ăn rẻ nhất và phổ biến nhất ở Ai Cập, chứa nhiều tinh bột và protein đến mức có thể khiến ngay cả những khách hàng đói nhất cũng có thể no cả ngày. Tất cả người dân ở đây đều ăn món này - từ người giàu nhất trong số người giàu đến người nghèo nhất trong số người nghèo.

Đam mê vay mượn để xây siêu dự án: Một quốc gia lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, nhiều người không còn tiền để ăn - Ảnh 1.

Nhà hàng Abou Tarek gặp khó khăn trong khủng hoảng.

Nhưng với giá thực phẩm tăng nhanh giữa lúc cuộc khủng hoảng kinh tế ập tới, ngay cả những bữa ăn giá rẻ nhất cũng trở nên đắt đỏ hơn - đánh vào lợi nhuận của những "ông trùm koshary " như Youssef Zaki, chủ sở hữu của Abou Tarek, cũng như túi tiền của những người Ai Cập phổ thông.

Ngay khi Ai Cập có hy vọng phục hồi sau đại dịch - vốn khiến ngành du lịch hái ra tiền của họ gần như bị đình trệ - thì cuộc xung đột Ukraine nổ ra. Cuộc chiến gây ra một loạt hậu quả bất ngờ trên khắp khu vực, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến Ai Cập.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút hàng tỷ đô la khỏi đất nước trong vòng vài tuần sau khi xung đột bắt đầu, gây bất ổn cho nền kinh tế. Ai Cập cũng nhập khẩu nhiều lúa mì hơn bất kỳ quốc gia nào khác - phần lớn từ Nga và Ukraine. Giá lúa mì và dầu mỏ bắt đầu tăng cao, trong khi số lượng khách du lịch lại giảm do lâu nay phụ thuộc vào du khách Nga và Ukraine.

Ai Cập hiện đang phải đối mặt với một trong những thời kỳ lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều năm và những người dân thường đang phải trả giá đắt cho điều đó.

Giá thực phẩm và đồ uống đã tăng 30,9% kể từ thời điểm này năm ngoái. Các ngân hàng Ai Cập đang hạn chế người dân rút USD để giữ tiền mặt trong nước. Nhiều người Ai Cập đang phải tạm dừng những thú vui - từ việc tránh ăn tối ở ngoài đến hoãn đám cưới - với hy vọng chi phí có thể sớm giảm xuống.

Đam mê vay mượn để xây siêu dự án: Một quốc gia lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, nhiều người không còn tiền để ăn - Ảnh 2.

Nhân viên của nhà hàng Abou Tarek đang chuẩn bị đồ ăn.

May mắn cho Zaki, koshary vẫn là một thực phẩm chính trong chế độ ăn uống của người Ai Cập. Để tránh tăng giá, Zaki biết rằng khách hàng của mình không đủ khả năng chi trả, do đó cửa hàng Abou Tarek đã phải làm các phần ăn nhỏ hơn một chút. Mặc dù vậy, lượng khách hàng cơ bản cũng đã phần nào bị suy giảm. Với hàng chục nhân viên bao gồm đầu bếp, nhân viên phục vụ và đội giao hàng, Zaki hiện có số lượng người làm tương tự như trước — nhưng có ít tiền hơn để trả lương cho họ.

Zaki nói: "Thay vì ăn 3 bữa 1 ngày, mọi người bây giờ có thể chỉ đủ tiền ăn 1 hoặc 2 bữa tại cửa hàng của tôi".

Vấn đề thực sự

Nhà kinh tế học chính trị người Ai Cập Wael Gamal cho biết, cuộc khủng hoảng tại Ai Cập không phải hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi xung đột tại Ukraine. Theo ông, nhiều năm vay nợ và đầu tư vào các siêu dự án khiến Ai Cập đặc biệt dễ bị tổn thương về kinh tế. Những dự án này đã được ủng hộ bởi Tổng thống Abdel Fatah El-Sisi, người lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2013 và đã coi việc phát triển cơ sở hạ tầng là một dấu ấn trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Theo DW, các vấn đề kinh tế hiện tại của Ai Cập là kết quả của một số vấn đề nội bộ — bao gồm bất ổn chính trị, tham nhũng và quản lý yếu kém — gần đây kết hợp với các cuộc khủng hoảng bên ngoài, như đại dịch COVID-19, xung đột ở Ukraine và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Kể từ năm 2014, chính phủ Ai Cập, do Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi đứng đầu, đã thúc đẩy các "siêu dự án" quốc gia bao gồm đường sắt một ray không người lái dài nhất thế giới — với chi phí 23 tỷ USD; và một thành phố hoàn toàn mới, Thủ đô hành chính mới trị giá 50 tỷ USD, ở gần Cairo. Những điều này đã thúc đẩy chỉ số tăng trưởng "ảo" trong nước. Nhiều dự án cũng được kết nối với mạng lưới kinh doanh kiếm tiền của quân đội Ai Cập.

Những chính sách như vậy - bao gồm cho phép các doanh nghiệp nhà nước và quân đội kiểm soát nền kinh tế - đã làm suy yếu khu vực tư nhân ở Ai Cập, không khuyến khích đầu tư nước ngoài và khiến đất nước trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào tín dụng nước ngoài để tồn tại. Ai Cập hiện nợ hơn 155 tỷ USD và khoảng 1/3 GDP của họ được dành cho việc trả nợ nước ngoài.

Rabah Arezki, cựu nhà kinh tế trưởng tại Khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Ngân hàng Thế giới, đã viết vào ngày 18/1 rằng gần đây tất cả những yếu tố này đã "bắt tay nhau đẩy Ai Cập đến bờ vực thẳm về tài chính và kinh tế".

"Lý do tại sao đại dịch và xung đột Ukraine có tác động lớn như vậy là do chiến lược đầu tư do ông Sissi lãnh đạo trong 9 năm qua: Chi tiêu ồ ạt cho các dự án khổng lồ, một số trong đó hoàn toàn không cần thiết hoặc được xây dựng kém," Yezid Sayigh, một chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Trung Đông Carnegie ở Beirut, nói với DW. "Điều này làm cho nền tài chính của Ai Cập rất dễ bị tổn thương, mà không mang lại lợi ích thực sự cho nền kinh tế."

Sayigh cho biết các chính phủ quốc tế, bao gồm cả của Đức và Mỹ, phải chịu một phần trách nhiệm. "Ông ấy [el-Sissi] không thể làm tăng khoản nợ của Ai Cập lên 400% nếu không có sự tham gia trực tiếp của họ."

Vào tháng 12, sau nhiều tháng đàm phán, Ai Cập tuyên bố sẽ nhận khoản vay 3 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế - bao gồm 347 triệu USD sẽ được giải ngân ngay lập tức. Đây là lần thứ tư IMF hỗ trợ Ai Cập trong 6 năm qua.

Gamal cho biết, những khó khăn kinh tế của Ai Cập trở nên "sâu sắc hơn mỗi khi họ tìm đến IMF và nhận nhiều khoản vay hơn và trả các khoản vay cũ bằng các khoản vay mới."

Giá cả tăng vọt

Nhà hàng của ông Zaki, thành công từ những năm 90 — và từng xuất hiện trong chương trình "No Reservations" của Anthony Bourdain — đã giúp ông có đủ chỗ dựa để vượt qua cơn bão kinh tế.

Là người bán koshary trong phần lớn cuộc đời, đầu tiên là từ xe bán đồ ăn của cha và sau đó là từ nhà hàng của chính mình, Zaki đã chứng kiến giá cả lên xuống theo thời gian. "Nhưng chưa bao giờ như thế này," ông nói.

Tại khu dân cư thượng lưu Zamalek, một hòn đảo trên sông Nile, Ahmed Ramadan, 27 tuổi, phục vụ khoảng 700 đơn hàng koshary và các bữa ăn mang đi khác mỗi ngày. Hầu hết khách hàng của anh là sinh viên và người lao động phổ thông.

So với những người khác trong khu dân cư có thu nhập thấp ở Imbaba, Ramadan tự cho mình là người may mắn. Anh có công việc ổn định và có thể đi bộ đến nhà hàng koshary ở Zamalek mỗi ngày mà không phải lo lắng về chi phí vận chuyển tăng cao. Đối với những người hàng xóm của anh, "tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn," anh nói. "Họ phải kiếm đủ sống và chỉ ăn rau và cơm. Họ có thể làm gì khác đâu?".

Đam mê vay mượn để xây siêu dự án: Một quốc gia lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, nhiều người không còn tiền để ăn - Ảnh 3.

Chi phí tiêu dùng tăng cao đến mức vài tuần trước, nhà hàng của anh đã ngừng phục vụ phần koshary rẻ nhất - lựa chọn này bị xoá trên thực đơn bằng một miếng băng dính. Cho đến gần đây, Ramadan cho biết anh có thể mua một tấn gạo với giá khoảng 8.000 bảng Ai Cập (khoảng 6 triệu đồng). Bây giờ, 1 tấn gạo có giá 18.000 bảng Ai Cập (khoảng 14 triệu đồng). Chi phí mua mì ống đã tăng thêm 6.000 bảng Ai Cập. Ngay cả hộp nhựa và túi dùng để đóng gói các bữa ăn cũng đắt hơn trước.

Nhưng khách hàng vẫn xuất hiện. "Mọi người vẫn phải ăn," anh nói.

Gần đó, trong khu phố Agouza, Medhat Mohamed, 47 tuổi, đứng sau quầy của một nhà hàng ven đường bán taameya (món bột đậu của người Ai Cập) và bánh mì fuul (đậu hầm). Cả hai đều là món ăn chay chủ yếu trong chế độ ăn uống của người Ai Cập, nhưng khách hàng đang bắt đầu bỏ qua chúng, Mohamed và các đồng nghiệp của ông cho biết.

Đam mê vay mượn để xây siêu dự án: Một quốc gia lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, nhiều người không còn tiền để ăn - Ảnh 4.

Món taameya đang được chuẩn bị tại nhà bếp.

Ngay cả khi nhà hàng tăng giá gấp đôi, Sayyid el-Amir, quản lý của cửa hàng, cho biết, "chúng tôi sẽ không kiếm được nhiều lợi nhuận."

Theo ông, rất nhiều cửa hàng khác đang đóng cửa, nhưng ông sẽ làm mọi thứ có thể để tránh sa thải nhân viên. "Bất kỳ người lao động nào trong số này cũng đều có từ ba đến bốn con nhỏ," ông nói và chỉ vào Mohamed và những người đàn ông khác. Tất cả nhân viên của nhà hàng cũng có những công việc tay trái, bao gồm giao hàng hoặc làm việc tại các nhà hàng khác.

"Việc chúng tôi vẫn tồn tại được là một điều kì diệu," ông nói.

Tất Đạt

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên