Đạm Ninh Bình: Tương lai ảm đạm
Nhà máy đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa Chất (Vinachem) làm chủ đầu tư với tổng lỗ lũy kế đến nay 1.600 tỷ đồng? Vì sao một dự án nằm giữa vựa lúa của đồng bằng Bắc bộ lại nằm đắp chiếu? Đâu là nguyên nhân?
- 10-06-2016Đạm Ninh Bình lỗ 2.000 tỷ trong 4 năm, "người anh em" Đạm Hà Bắc lỗ gần 700 tỷ chỉ trong 1 năm
- 06-06-2016Sẽ thanh tra Nhà máy đạm Ninh Bình trong tháng Sáu này
- 16-05-2016Lỗ 2.000 tỉ, đạm Ninh Bình cầu cứu
Được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 1/2008, Nhà máy Đạm Ninh Bình có công suất 560.000 tấn/năm, vốn đầu tư 10. 673 tỷ đồng, sử dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới như công nghệ khí hóa của Shell (Hà Lan), công nghệ tinh chế khí của Linder (Đức)…
Lỗ vì chi phí cao
Dự án được xây dựng theo hình thức tổng thầu EPC do nhà thầu China Huanqiu Contracting & Engineer Corp (Trung Quốc) thực hiện, với trị giá hợp đồng là 88,88 triệu USD; 17,512 triệu euro; 2,552 triệu nhân dân tệ và 752,55 tỷ đồng.
Theo tính toán, sau khi hoàn thành vào giữa năm 2011, Nhà máy sẽ đạt sản lượng 1.760 tấn urê/ngày, nhưng đến ngày 30/3/2012, Đạm Ninh Bình mới cho ra tấn urê đầu tiên và đi vào sản xuất kinh doanh từ ngày 15/10/2012. Và theo báo cáo của Cty, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Đạm Ninh Bình lỗ triền miên từ năm 2012 – 2015 với tổng lỗ lũy kế đến nay khoảng 1.600 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Vinachem, sở dĩ Đạm Ninh Bình lỗ liên tục là do nguyên liệu than đầu vào. Dù phụ thuộc vào công nghệ khí hóa than, nhưng chất lượng than và giá than đầu vào của Đạm Ninh Bình cũng không như thiết kế ban đầu như than 4a được sử dụng có chất lượng thấp hơn than được mô tả trong dự án, nên không đáp ứng được yêu cầu công nghệ, dẫn tới chi phí tiêu hao cao, máy móc, thiết bị nhanh bị ăn mòn, công nghệ không ổn định. Nếu đảm bảo đúng thiết kế dự án ban đầu, Đạm Ninh Bình phải sử dụng than cám 3c, kéo theo chi phí sản xuất tăng thêm 42 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, chi phí khấu hao, chi phí lãi vay đầu tư cao, giá than cám 4a cao hơn 2,29 lần; than cám 5 cao hơn 2,19 lần so với giá than thời điểm phê duyệt dự án… là những yếu tố đẩy giá thành sản xuất u rê tăng cao.
Hiện mỗi năm, Đạm Ninh Bình phải trả lãi vay khoảng 800 tỷ đồng, khấu hao khoảng 680 tỷ đồng, cộng giá nguyên liệu cao khiên cho Cty khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các Cty trong nước. Nhà máy hiện còn tồn hơn 50.000 tấn phân urê. Ở VN, các nhà máy đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ khi giá dầu xuống thấp, giá khí cũng xuống, kéo theo giá thành sản xuất phân u rê giảm. Trong khi đó, đạm Ninh Bình lại sản xuất từ than nên chi phí đầu tư lớn, chi phí tài chính cao, nên nhà máy bị lỗ là điều dễ hiểu.
Theo ông Vũ Văn Nhẫn – GĐ Nhà máy đạm Ninh Bình, từ khi đi vào hoạt động, Đạm Ninh Bình rơi vào giai đoạn giá đạm urê thế giới xuống thấp nhất. Đặc biệt, nguồn cung thời gian qua lớn (Nhà máy đạm Cà Mau đi vào hoạt động, Đạm Hà Bắc mở rộng…) trong khi tổng nhu cầu của VN chỉ khoảng 2,2 triệu tấn/năm nên sản phẩm của Đạm Ninh Bình có gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Trước thực trạng trên, hơn 1 tháng nay Đạm Ninh Bình đã tạm ngừng sản xuất.
1.600 tỷ đồng là tổng số lỗ lũy kế của nhà máy Đạm Ninh Bình từ năm 2012 – 2015, mà nguyên nhân chính theo các chuyên gia là do công nghệ lạc hậu.
Lỗ do công nghệ lạc hậu?
Một số chuyên gia cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do khâu khảo sát lập dự án tiền khả thi không sát với nhu cầu thực tiễn của thị trường. Trong báo cáo giải trình, gửi các bộ ngành, ông Nguyễn Gia Tường, TGĐ Vinachem cho biết, dù nhà máy đã vận hành ổn định, nhưng đây là dự án quy mô lớn, dây chuyền máy móc, thiết bị chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với chất lượng ở mức trung bình, nên thường xảy ra sự cố. Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng khó khăn do phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc, nên khó chủ động sản xuất, tiêu hao định mức chưa đạt thiết kế. Vinachem khẳng định, chỉ vì phụ thuộc công nghệ Trung Quốc nên nhà máy lỗ lại chồng lỗ. Mỗi năm phải chi thêm khoảng 42 tỉ đồng để sử dụng than cám 3c thay cho loại than cám 4a đang sử dụng là ví dụ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, vấn đề chính của của Đạm Ninh Bình là sử dụng công nghệ quá cũ (khí hóa than), công nghệ Trung Quốc lạc hậu, giá thành cao, chất lượng sản phẩm thấp. Theo quy định, một dự án đầu tư khi cấp phép bao giờ cũng phải có phần nội dung giải trình về công nghệ, phân tích, so sánh, lựa chọn phương án tối ưu và lên dự kiến danh mục máy móc, thiết bị cho dây chuyền công nghệ đó. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì Vinachem nhập khẩu công nghệ lạc hậu này trong khi sản xuất phân u rê theo công nghệ mới được các nhà máy đạm Cà Mau, Phú Mỹ vận dụng làm ăn có hiệu quả hơn nhờ giá khí xuống trong thời gian qua, có lãi lớn… Được biết, Bộ Công thưong sẽ tiến hành thanh tra dự án này. Tuy nhiên, theo ông Lê Đăng Doanh, cần lập một hội đồng độc lập đánh giá hiệu quả của nhà máy này, đề xuất phương án xử lý về mặt công nghệ, đề xuất khả năng cổ phần hóa, thu hút đầu tư tư nhân. Trên cơ sở đó, cần xem xét trách nhiệm của những cán bộ liên quan tới việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu này.
Trông chờ vào sự may rủi tăng giá?
Theo lãnh đạo Đạm Ninh Bình để nhà máy hoạt động hiệu quả là cả vấn đề không dễ dàng. Muốn thoát lỗ chỉ còn trông chờ vào giá phân đạm thế giới tăng trở lại.
Số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Công Thương), giá phân đạm thế giới Quý I/2016 ở mức 194 – 255 USD/tấn, giảm 69 USD/tấn so với Quý I/2015. Do giá đạm thế giới thấp, nên lượng phân đạm nhập khẩu vào VN tăng nhanh. Tính từ đầu năm 2016 đến ngày 15/5/2016, đã có 165.875 tấn urea được nhập khẩu so với 59.845 tấn cùng kỳ năm 2015. Đáng nói là, lượng phân đạm sản xuất trong nước hiện đã vượt so với nhu cầu hiện có. Đó là chưa kể, năm nay, do hạn mặn và khô hạn, diện tích nông nghiệp giảm, dẫn tới nhu cầu phân đạm cũng bị ảnh hưởng giảm theo.
Theo tính toán giá urê trên thế giới tháng 4/2016 bình quân là 235 USD/tấn, nhưng sang tháng 5/2016 đã nhích lên mức 246 USD/tấn. “Nếu giá đạm thế giới tăng lên trên 300 USD/tấn, thì Đạm Ninh Bình sẽ có lãi và thậm chí có thể nhanh chóng xóa khoản lỗ lũy kế…Tuy nhiên tất cả những điều này chỉ trông chờ vào sự may rủi của giá thế giới
Trước tình thế này, Vinachem đã có văn bản gửi Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp điều hành theo hướng tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế để giải quyết bài toán thua lỗ của dự án “ngàn tỉ” này cần có đánh giá toàn diện lại dự án, tính hiệu quả, có thể cấp ưu đãi (có thời hạn) khi đảm bảo Nhà máy sẽ phục hồi và tăng hiệu quả được. Thậm chí, có thể tính bán nhà máy cho các thành phần kinh tế khác vào quản trị, tìm cách tăng hiệu quả đầu tư…
Diễn đàn doanh nghiệp