Đàm phán 17 lần vẫn tắc, sếp Đạm Ninh Bình xin trình hồ sơ quyết toán vào quý II
Hiện các tranh chấp vướng mắc với nhà thầu Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, hồ sơ quyết toán chưa được trình trong quý I, lãnh đạo đạm Ninh Bình đã “nhận khuyết điểm”, xin trình hồ sơ quyết toán vào cuối quý II/2017…
- 17-04-2017Đạm Ninh Bình thua lỗ hơn 3.300 tỷ đồng: Đàm phán với nhà thầu Trung Quốc vẫn tắc
- 28-02-20176 lý do khiến Nhà máy Đạm Ninh Bình thua lỗ nghìn tỷ
- 14-02-2017Cổ phần hoá đạm Ninh Bình “nghẽn” vì nhà thầu Trung Quốc
Được giao trình hồ sơ quyết toán trong quý I/2017 tuy nhiên, mới đây trong báo cáo của Giám đốc Ban quản lý dự án nhà máy đạm Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), ông Chu Văn Tuấn đã phải nhận khuyết điểm và xin hoãn trình hồ sơ đến cuối quý II/2017.
Lý do được ông Tuấn đưa ra trong bản báo cáo này là những vướng mắc với nhà thầu EPC Trung Quốc vẫn chưa được tháo gỡ dù hai bên đã nhiều lần đàm phán.
Theo lãnh đạo đạm Ninh Bình, đến 28/3, Ban quản lý dự án đã hoàn thành khối lượng lớn hồ sơ nghiệm thu dự án hoàn thành theo quy định là 3.825 quyển hồ sơ. Do dự án có khối lượng hồ sơ lớn, phức tạp, chứng từ thanh toán cho từng thiết bị hoặc hạng mục chia làm nhiều lần, nhiều nguồn vốn, nhà thầu EPC lại không thực hiện yêu cầu quyết toán hợp đồng EPC nên khó khăn đối với công tác quyết toán hợp đồng EPC là “vô cùng lớn”.
Bên cạnh đó, thời điểm nhận nhiệm vụ được giao vào tháng 2/2017, Ban Quản lý dự án chỉ có tổng cộng 6 nhân sự gồm 5 cán bộ chuyên trách và 1 cán bộ kiêm nhiệm (trong đó 1 cán bộ văn thư hành chính đang nghỉ sinh). Đến 20/3/2017 thì 1 cán bộ tài chính chủ lực từ đầu triển khai dự án thôi hợp đồng.
Cuối cùng, theo vị lãnh đạo này, quá trình lập hồ sơ có rất nhiều khoản mục, tình tiết mà Thông tư chưa đề cập, cần tham khảo, trao đổi với nhiều đơn vị đã hoàn thành quyết toán để áp dụng.
“Do những lý do vừa chủ quan, vừa khách quan nên trong thời gian qua Ban quản lý dự án chưa hoàn thành đúng tiến độ tập đoàn giao trình hồ sơ quyết toán trong quý I/2017, Giám đốc Ban quản lý dự án đã nhận khuyết điểm trước lãnh đạo Tập đoàn và tổ chức thực hiện để hoàn thành hồ sơ quyết toán có kiểm toán trước 30/6/2017”, ông Tuấn cho hay.
Dự án nhà máy đạm Ninh Bình là 1 trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của Bộ Công Thương , mới đây Bộ Công Thương đã thông tin về phương án xử lý đối với các dự án này.
Phương án xử lý đối chung đối với 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón là tiếp tục tập trung thực hiện xử lý các khó khăn, vướng mắc theo các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là các giải pháp liên quan tới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các dự án. Sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp (dự kiến sau năm 2018).
Báo cáo cũng nhấn mạnh, riêng dự án đạm Ninh Bình phải tiến hành xử lý dứt điểm tranh chấp vướng mắc đối với hợp đồng EPC. Hiện nay, Nhà máy đạm Ninh Bình đã vận hành sản xuất trở lại ở mức công suất 85% vào tháng 1/2017 sau gần 6 tháng dừng sản xuất.
Về 10 nội dung quan trọng sau 17 lần đàm phán với nhà thầu Trung Quốc nhưng vẫn chưa ngã ngũ có thể kể đến như chi phí chạy thử than lần 2 do trước đó, nhà thầu từng đề xuất chịu 190 tỷ đồng tiền than vượt.
Bên cạnh đó, nhà thầu cũng “đổ lỗi” cho việc chậm tiến độ lên đến 60 tuần là do các nguyên nhân khách quan. Trong khi, chủ đầu tư chỉ chấp thuận cho nhà thầu chậm tiến độ 47 ngày không do lỗi nhà thầu. Thời gian chậm tiến độ do lỗi của nhà thầu được tính 373 ngày….
Báo cáo trước đó của Đạm Ninh Bình cho biết, năm 2013 lỗ 906 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 738 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 592 tỷ, năm 2016 dự kiến thua lỗ 1.078 tỷ đồng. Năm 2017 nếu nhà máy tiếp tục hoạt động sẽ lỗ 950 tỷ đồng, nếu dừng hoạt động nhà máy sẽ lỗ 1.200 tỷ đồng.
Bizlive