Đàm phán với nhà thầu Trung Quốc vẫn tắc, chưa thể quyết toán gói thầu EPC tại Đạm Ninh Bình
Việc quyết toán gói thầu EPC tại dự án Đạm Ninh Bình vẫn chưa thực hiện được do nhà thầu không phối hợp để giải quyết những tồn tại. Trước đó, đã diễn ra nhiều cuộc đàm phán nhưng không tìm ra tiếng nói chung.
- 09-08-2019Bảo lãnh vay 400 nghìn tỷ, nhiều dự án Chính phủ phải trả nợ thay
- 09-08-2019Vì sao thị trường vắng các thương vụ M&A lớn?
- 09-08-2019Doanh nghiệp băn khoăn điểm gì trong dự Luật lao động sửa đổi?
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ( Vinachem ), chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình với công suất 560.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Khánh Phú tỉnh Ninh Bình mới đây đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng xin ý kiến trong việc lập quyết toán hợp đồng EPC dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.
Tại dự án này, gói thầu chính là gói thầu số 5 (EPC) được thực hiện theo hợp đồng EPC ngày 15/11/2007 giữa Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tổng công ty thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu (HQC), Trung Quốc. Thời gian thực hiện hợp đồng là 42 tháng. Chủ đầu tư tạm thời tiếp nhận nguyên trạng và quản lý, vận hành nhà máy từ nhà thầu HQC kể từ ngày 24/9/2012.
Tuy nhiên, đến nay việc quyết toán gói thầu EPC chưa thực hiện được do nhà thầu không phối hợp để giải quyết tồn tại như chi phí than cho việc chạy thử vượt hợp đồng và chi phí chạy thử lần 2; Việc thanh toán và phạt chậm thanh toán; Tiến độ thực hiện hợp đồng; hoàn thiện hồ sơ máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu theo hợp đồng; bàn giao hồ sơ hoàn công và hồ sơ gốc CO, CQ; Lập hồ sơ quyết toán A-B.
Theo Bộ Tài chính, trường hợp dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước và nộp hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành về cơ quan thẩm tra quyết toán từ ngày có hiệu lực thi hành của Thông tư 64 ngày 15/9/2018 thì thuộc đối tượng thực hiện của Thông tư 64.
Theo quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 1 Thông tư 64, sau khi chủ đầu tư gửi văn bản lần thứ 3 (mỗi văn bản cách nhau 10 ngày) đến nhà thầu nhưng nhà thầu vẫn không thực hiện các nội dung theo yêu cầu, chủ đầu tư được căn cứ những hồ sơ thực tế đã thực hiện để lập hồ sơ quyết toán (không cần bao gồm quyết toán A-B), thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán (nếu có), xác định giá trị đề nghị quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ghi rõ nội dung việc nhà thầu không hợp tác để quyết toán dự án hoặc thực hiện các nội dung công việc để hoàn thành quyết toán dự án trong tờ trình đề nghị phê duyệt quyết toán của chủ đầu tư.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã xin ý kiến Bộ Xây dựng về lập bản vẽ hoàn công và quyết toán dự án theo hướng thuê đơn vị tư vấn lập và Ban quản lý dự án ký. Bộ Xây dựng có ý kiến đề xuất trên là không đủ cơ sở pháp lý theo Nghị định số 2019 ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng
Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình là một trong bốn dự án, doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an do trong quá trình thanh tra đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Việc trình hồ sơ quyết toán theo đáng ra phải được thực hiện trong quý I/2017, và lãnh đạo đạm Ninh Bình từng phải “nhận khuyết điểm” khi chưa thể thực hiện đúng thời gian đã được giao và lý do được vị đại diện này nêu ra là những vướng mắc với nhà thầu EPC Trung Quốc vẫn chưa được tháo gỡ dù hai bên đã nhiều lần đàm phán.
Giữa 2 bên trước đó đã từng tham gia 17 cuộc đàm phán nhưng còn đến 10 nội dung quan trọng chưa ngã ngũ, có thể kể đến như chi phí chạy thử than lần 2 do trước đó, nhà thầu từng đề xuất chịu 190 tỷ đồng tiền than vượt.
Bên cạnh đó, nhà thầu cũng “đổ lỗi” cho việc chậm tiến độ lên đến 60 tuần là do các nguyên nhân khách quan. Trong khi, chủ đầu tư chỉ chấp thuận cho nhà thầu chậm tiến độ 47 ngày không do lỗi nhà thầu. Thời gian chậm tiến độ do lỗi của nhà thầu được tính 373 ngày….
Bizlive