Đâm thủng tàu ngầm và dám chiến đấu với con người: Sinh vật từng bé như hạt gạo này đã làm như thế nào?
Chúng được xem là kẻ săn mồi hàng đầu của đại dương.
- 31-01-2024Tin mới về tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa “vượt mọi hệ thống phòng không” của Nga
- 23-01-2024Pháp mất 30 tháng và 4 triệu giờ công để sửa chữa tàu ngầm hạt nhân Le Vigilant
- 22-01-2024Nguyên nhân gần 40% tàu ngầm hạt nhân Mỹ không còn hoạt động
Sinh vật nổi tiếng hung hăng đó chính là cá kiếm - Thợ săn không có đối thủ dưới đại dương.
Cá kiếm hay cá đao (danh pháp khoa học: Xiphias Gladius) là loài cá săn mồi lớn, thường sống tại các đại dương ấm áp và ôn đới trên khắp thế giới.
Mặc dù cá kiếm trưởng thành là những kẻ săn mồi hàng đầu dưới đại dương nhưng chúng không quá “hùng mạnh” khi còn nhỏ. Trên thực tế, cá kiếm mới nở thực chất rất nhỏ, có kích thước chỉ bằng hạt gạo thông thường của chúng ta. Vậy cá kiếm đã làm được điều đó như thế nào, từ to bằng hạt gạo trở thành thợ săn hàng đầu?
Từ hạt gạo đến kẻ săn mồi đỉnh cao
Quá trình sinh trưởng của cá kiếm có thể được mô tả đơn giản như sau: Giai đoạn đầu chúng chỉ ăn các sinh vật phù du trong đại dương, khi kích thước đạt đến một mức nhất định, chúng bắt đầu ăn các loài cá nhỏ, tôm... Lớn hơn nữa, chúng bắt đầu ăn những sinh vật biển lớn và dần dần nó trở thành thợ săn hàng đầu trong đại dương.
Loài cá săn mồi đỉnh cao này có thể phát triển tối đa với trọng lượng gần nửa tấn và chiều dài cơ thể gần 5 mét, theo Bách khoa toàn thư tiếng Anh Britannica.
Tất nhiên, đặc điểm to lớn của cơ thể chỉ là một phần trong "cỗ máy săn mồi" của cá kiếm. Theo các nhà khoa học, cá kiếm là những thợ săn hàng đầu trong đại dương và không có kẻ thù tự nhiên theo đúng nghĩa. "Vũ khí" giúp chúng bất bại chính là "thanh kiếm" sắc nhọn kéo dài từ mõm, cùng tốc độ di chuyển khủng khiếp của loài này.
Trong số các sinh vật biển được biết đến, cá kiếm là loài bơi nhanh nhất và tốc độ của chúng có thể đạt tới 110 km/giờ (khoảng 30 mét/giây).
Không chỉ sở hữu tốc độ cùng vũ khí là "thanh kiếm" sắc nhọn, cá kiếm còn là loài sinh vật hung dữ, dễ nóng nảy. Khi cảm thấy bị đe dọa, chúng không bao giờ chọn cách trốn thoát mà tấn công trực diện kẻ thù. Điều này khiến nhiều kẻ săn mồi khác của đại dương không dám khiêu khích chúng.
Đâm thủng tàu ngầm
Đòn tấn công mạnh mẽ nhất của cá kiếm tất nhiên đến từ chiếc mõm sắc nhọn của chúng, khi chúng va chạm với mục tiêu ở tốc độ cao, sức công phá từ mõm của chúng thậm chí có thể xuyên thủng cả tàu ngầm. Đây là minh chứng.
Vào ngày 6 tháng 7 năm 1967, một chiếc tàu ngầm nhỏ có tên USS Alvin đã bị một con cá kiếm tấn công ngoài khơi bờ biển Florida, Mỹ.
Theo nhà nghiên cứu Edward Zarudzki, họ đang lấy mẫu san hô dưới đại dương ở độ sâu khoảng 610 mét thì bất ngờ cảm thấy một "tác động mạnh". Sau đó, họ phát hiện một con cá kiếm đâm vào mạn phải của tàu ngầm.
Sau khi nổi lên khẩn cấp, người ta có thể nhìn thấy toàn cảnh con cá kiếm dài khoảng 2,4 mét và nặng 89 kg, mõm của nó xuyên qua lớp vỏ sợi thủy tinh của tàu ngầm và mắc kẹt tại đó. Rất may lớp vỏ bên trong của tàu ngầm không bị xuyên thủng hoàn toàn, nếu không hậu quả sẽ rất thảm khốc.
Giao chiến với con người
Trên thực tế, loài cá kiếm hung dữ này thậm chí còn dám đánh nhau với con người.
Ví dụ, năm 2015, thuyền trưởng tàu Kona, tên là Randy Llanes, 47 tuổi, đã phát hiện con cá kiếm non đang bơi ở cảng Honokohau trên đảo Hawaii vào khoảng 11 giờ sáng giờ địa phương.
Randy Llanes nhanh chóng dùng súng phóng xiên để bắn con cá. Với 25 năm kinh nghiệm đánh cá, người này quyết định nhảy xuống nước và cố gắng giết nó, nhưng không ngờ con cá kiếm bị thương dùng sức lực còn lại của mình để tấn công lại Randy Llanes.
Các quan chức cho biết con cá kiếm nặng khoảng 18 kg và dài 1 mét. Các ngư dân gần đó đã kéo Randy Llanes lên khỏi mặt nước sau vụ tai nạn kinh hoàng và đã cố gắng hô hấp nhân tạo cho ông, nhưng người này đã chết vì vết thương lớn tại một bệnh viện gần đó.
Có thể thấy, đối với con người chúng ta, việc bắt cá kiếm một cách bừa bãi là rất mạo hiểm, chính vì điều này mà nhiều người thích câu cá bằng thuyền sẽ thường tránh đụng độ chúng.
Tham khảo: NBC News, USSNautilus, Sohu
Đời sống & pháp luật