'Dân chiếm 5 triệu thì xử lý hình sự, chủ đầu tư chiếm cả chục tỷ không sao'
Bộ trưởng Xây dựng nói cơ quan thanh tra chưa phát hiện trường hợp chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì 2% như đại biểu nêu. Đại biểu đặt nghi vấn về năng lực của cán bộ thanh tra, đồng thời đưa giải pháp cử 3 đại biểu tham gia thanh tra cùng.
- 31-05-2019Trễ hẹn gần 9 năm, chủ đầu tư dự án Happyland bị Thanh tra tỉnh Long An 'sờ gáy'
- 28-05-2019Chủ đầu tư 'bết bát', không giao nhà: Người mua như ngồi trên lửa
- 25-05-2019Xôn xao chuyện ở Ciputra: Cư dân phản đối kịch liệt chủ đầu tư nhồi nhà cao tầng; 6 dự án của Sunshine Group "bao vây" khu đô thị
Sáng nay (5/6), Quốc hội tiếp tục phần chất vấn với Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Vấn đề quản lý chung cư, trong đó có việc chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì, chuyển đổi phần diện tích sở hữu chung... được nhiều đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến vấn đề chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư 2%, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Bộ đã kiểm tra 92 chung cư, xử phạt 5,5 tỷ đồng, yêu cầu 20 chủ đầu tư khắc phục hậu quả do tự ý chuyển đổi phần sở hữu chung.
Tuy nhiên, thanh tra chưa phát hiện trường hợp lạm dụng tín nhiệm với quỹ bảo trì chung cư. Năm 2018 và 6 tháng đầu năm nay, Bộ cũng kiểm tra các dự án tại Hà Nội, TP HCM, phạt 1,3 tỷ đồng và yêu cầu khắc phục đối với 11 chủ đầu tư không hoặc chậm bàn giao quỹ bảo trì chung cư 2% cho ban quản trị. Tuy nhiên, ông Hà cho biết các địa phương chưa chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra hình sự.
Vấn đề quỹ bảo trì chung cư được nhiều đại biểu đem ra chất vấn. Ảnh minh hoạ: T.T.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho biết ông gửi chất vấn đến Bộ trưởng Xây dựng 2 câu nhưng chỉ nhận được một câu trả lời.
Với trả lời của Bộ trưởng, đại biểu này nói thẳng thanh tra xây dựng không phát hiện có thể do hoặc năng lực yếu kém, hoặc không làm hết trách nhiệm. Ông Nguyễn Mai Bộ đề xuất nếu thanh tra xây dựng không phát hiện thì mời ít nhất 3 đại biểu có chất vấn về vấn đề trên tham gia đoàn thanh tra. “Dân chiếm 5 triệu thì xử lý hình sự, chủ đầu tư chiếm cả chục tỷ thì không bị”, đại biểu Bộ nêu.
Đồng tình, đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu ý kiến khi tiếp xúc cử tri thì được cung cấp số tiền chiếm dụng quỹ bảo trì của chủ đầu tư không chỉ vài chục tỷ mà đến cả trăm tỷ đồng. Do đó, Bộ trưởng Xây dựng có trả lời chất vấn là sẽ điều chỉnh Thông tư 02 về quy chế quản lý nhà chung cư trong năm nay, đại biểu này kỳ vọng khi sửa xong thì tình trạng trên sẽ được giải quyết.
Có tình trạnggiá chung cư cao gấp 25 lần thu nhập người dân
Trước đó, chiều 4/6, nhiều đại biểu cũng gửi câu hỏi đến Bộ trưởng với nội dung liên quan đến các vấn đề về quản lý nhà chung cư.
Cụ thể, trả lời đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Bình Thuận) về vấn đề quản lý nhà chung cư, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết hiện cả nước có hơn 4.400 chung cư, dù pháp luật đã có quy định nhưng vẫn còn xay ra tranh chấp ở một số dự án.
Bộ trưởng liệt kê các tranh chấp như chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, bất đồng về đóng góp, kinh phí quản lý vận hành, xác định quản lý chung riêng, thu chi tài chính của ban quản lý, không thống nhất lựa chọn đơn vị quản lý vận hành, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, nguyên nhân của tình trạng này là một số quy định pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng như thời điểm nộp kinh phí bảo trì, quy định chuyển tiếp hợp đồng mua nhà, quy định về hành vi vi phạm, chế tài chưa kịp thời, chưa có quy định về kinh phí bảo trì sở hữu chung và phòng sinh hoạt cộng đồng.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, chú trọng lợi nhuận nên không mở tài khoản riêng để quản lý, trì hoãn bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị. Một số người mua nhà không xem xét kỹ khoản trong hợp đồng, dẫn đến bất bình với chủ đầu tư khi chung cư đi vào hoạt động. Một số thành viên Ban quản trị ít kinh nghiệm chuyên môn, vai trò quản lý địa phương chưa tốt.
Để kiểm soát tốt hơn, Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi quy định về thu kinh phí bảo trì, tư cách pháp nhân của ban quản trị.
Hiện đã có mô hình Ban quản trị nhà chung cư nhưng sắp tới, Bộ sẽ đề xuất mô hình chủ đầu tư tự quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư; mô hình giao đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp.
Mô hình quản lý mới sẽ đa dạng, linh hoạt hơn. Việc chọn mô hình sẽ do cộng đồng tự chọn. Dù chủ đầu tư hay đơn vị thực hiện dự án đều phải có giám sát thông qua ban quản trị của toà chung cư đó.
Về câu hỏi giá chung cư cao gấp 25 lần thu nhập của người lao động được đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu, Bộ trưởng Xây dựng thừa nhận đây là tình trạng có thực trên thị trường. Giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là tăng nguồn cung và ngăn chặn kịp thời tình trạngthổi giá, đẩy giá, đầu cơ, trục lợi trong bất động sản thời gian tới.
NDH