Dân đang cần gì khẩn cấp?
Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng hôm qua yêu cầu công tác cứu hộ bà con vùng lũ phải rất khẩn cấp, từ lương thực, thực phẩm, nước uống, chất đốt… và đặc biệt là không hình thức, mà phải đến được tận tay người dân. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu dùng trực thăng để khảo sát, cứu trợ, nhất là những vùng khó tiếp cận.
- 22-10-2020Có nên dành dư địa đầu tư công cho năm sau?
- 21-10-2020Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 4/2020 và năm 2021: Sẽ phục hồi theo chữ V, năm 2021 tăng khoảng 6,5 - 7%
- 21-10-2020Động thái nổi bật của Samsung tại Việt Nam và các quốc gia trong "năm Covid-19"
Dùng trực thăng để khảo sát, cứu trợ
Ngày 21/10, tại cuộc họp ứng phó cơn bão số 8 và tình hình mưa lũ miền Trung, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói rằng, đợt mưa lũ ở các tỉnh miền Trung vừa rồi khiến các địa phương bị thiệt hại rất nặng nề. “Đây là đợt thiên tai gây thiệt hại lớn nhất trong nhiệm kỳ qua, kể cả thiên tai năm 2016-2017 dù rất nặng nhưng cũng chưa bằng đợt này”, ông nói. Theo Phó Thủ tướng, lũ trên sông ở Quảng Bình, Hà Tĩnh đều vượt mức lũ lịch sử. Việc cứu hộ, dù đã triển khai quyết liệt cả ở cấp trung ương và địa phương, nhưng rất nhiều hộ dân đang gặp khó khăn cần cứu trợ, đặc biệt là ở Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Từ chuyến đi thực tế vùng lũ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phó Thủ tướng cho biết, nhiều đoàn cứu trợ mới chỉ vào khu vực thuận lợi về giao thông, còn nhiều chỗ khó khăn, hàng cứu trợ chưa đến được với người dân. Vì vậy, ông yêu cầu Bộ NN&PTNT tiếp tục cử đoàn vào các tỉnh miền Trung nắm sát nhu cầu cần hỗ trợ của bà con. “Ngoài lương thực cần chú ý hỗ trợ các loại thực phẩm, rau xanh, kể cả chất đốt để nấu nướng… đảm bảo đủ dinh dưỡng, sức khỏe cho người dân”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh vùng lũ 5 tấn xúc xích mỗi tỉnh, cùng với mỳ tôm, lương khô… và phải hỗ trợ đến tay người dân. “Hàng cứu trợ phải tập trung, đến chính quyền địa phương, cùng với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể… vì họ nắm rõ nhất tình hình tại chỗ để giao tận tay người dân.
Cứu trợ không làm hình thức, bởi những nơi khó khăn, còn chia cắt, hàng cứu trợ lại không đến được bà con”, Phó Thủ tướng nói. “Có trường hợp rất thương tâm khi mẹ đi nhận tiền cứu trợ, nhưng con ở nhà 8 tuổi rơi xuống nước”, Phó Thủ tướng nhắc và yêu cầu các đơn vị liên quan sử dụng trực thăng để đi kiểm tra, đẩy nhanh tốc độ cứu trợ, vì nhiều khu vực đường bộ, thủy khó tiếp cận được.
Về cơn bão số 8 đang hướng vào khu vực miền Trung khoảng ngày 24-25/10 tới, Phó Thủ tướng lưu ý, cơn bão này phạm vi ảnh hưởng rộng, nếu đi vào các tỉnh miền Trung sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, vì khu vực này đã có mưa lớn, ngập lâu ngày, đất nhão, kết dính kém. Ông yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cùng Bộ đội biên phòng, các ngành giao thông, thủy sản, các địa phương kêu gọi, yêu cầu toàn bộ tàu thuyền trên biển phải di chuyển, trú tránh an toàn.
Cùng đó, có giải pháp đảm bảo an toàn cho sản xuất, kinh doanh trên biển, nhất là người nuôi trồng thủy sản trên biển, du lịch trên các đảo… Trên đất liền, các địa phương có liên quan phải xây dựng phương án ứng phó. Trong đó, phải sơ tán ngay người dân những nơi nguy hiểm, ngập sâu, nước chảy xiết, các công trình, nhà ở yếu không an toàn, nơi nguy cơ cao về sạt lở, lũ ống quét…, đặc biệt là những địa phương rốn lũ.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cảnh báo về đảm bảo an toàn cho tàu vận tải vãng lai. “Bài học rất lớn vừa qua có tới 8 tàu vận tải bị hư hỏng, đánh chìm ở khu vực Quảng Trị, trong khi 61.000 tàu cá lại không bị ảnh hưởng gì. Cần phải yêu cầu cảng vụ, chủ phương tiện thực hiện nghiêm, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc như vừa rồi”, ông Cường nói. Ông cũng cảnh báo, toàn bộ sườn Tây khu vực miền Trung và Tây Nguyên vừa rồi kể cả đất, rừng đều đã nhão, chỉ cần một trận mưa nhỏ cộng hưởng là hoàn toàn có thể xảy ra sự cố.
Ngoài ra, miền Trung hiện có 2.600 hồ chứa cơ bản đã đầy ắp nước, nhiều hồ hư hỏng. Do đó, cả hệ thống hồ thủy điện và thủy lợi phải đặt trong tầm kiểm soát chặt chẽ nhất. Riêng hồ thủy lợi, đặc biệt là hồ Kẻ Gỗ và Tả Trạch được ví như “cầu chì” trong điều tiết lũ của vùng này, Tổng cục Thủy lợi phải cử cán bộ cùng với địa phương, chủ hồ phối hợp điều hành.
Bão số 8 khó lường
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nói rằng, khoảng cuối tuần này, bão số 8 sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Theo ông Khiêm, các đài quốc tế nhận định, so với các cơn bão trong năm, bão số 8 được dự báo có phạm vi ảnh hưởng rất rộng và cường độ mạnh. “Như đài của Nhật Bản cảnh báo phạm vi ảnh hưởng của bão số 8 kéo dài từ vùng Đông Bắc đến Nam Trung bộ… Các đài của Hong Kong và Mỹ cũng nhận định rất rộng”, ông Khiêm nói. Về cường độ, các đài quốc tế cũng dự báo bão số 8 sẽ đạt cường độ mạnh nhất khi đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14. Còn khi vào đất liền, bão chỉ mạnh cấp 8-9, có đài chỉ cho rằng, bão mạnh cấp 7.
Theo ông Khiêm, từ việc phân tích khí quyển đại dương, nhiệt độ mặt nước biển…, có thể chia hướng của bão số 8 làm 2 vùng. Cụ thể, ở khu vực phía Đông quần đảo Hoàng Sa, nhiệt độ mặt nước biển khá cao, đây là yếu tố giúp bão tăng cấp trong 24 đến 48 giờ tới. Còn từ Hoàng Sa về phía đất liền, nhiệt độ nước biển thấp. Cùng đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở rìa phía Bắc thường khô và lạnh nên khả năng bão sẽ không mạnh. Từ dữ liệu trên, cơ quan dự báo khí tượng Việt Nam nhận định, khi đến quần đảo Hoàng Sa, bão sẽ đạt cường độ mạnh nhất với sức gió mạnh cấp 11-12, giật tới cấp 14, sau đó có bão xu hướng giảm cấp.
“Từ Hoàng Sa vào bờ, bão trọng tâm hướng đến là Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ từ đêm 24 sáng 25/10. Khi đi vào trong kinh tuyến 111, bão có khả năng suy yếu khi gặp mặt nước biển lạnh. Khi cơn bão cách bờ 250 km, radar khí tượng sẽ quan sát được tốt hơn và có nhận định sát hơn trong thời gian tới”, ông Khiêm nói. Theo ông, bão số 8 sẽ gây mưa trong thời gian bão vào, với lượng mưa 200-300 mm. Lượng mưa sẽ không nhiều và tập trung như đợt vừa rồi ở miền Trung. “Tuy ảnh hưởng về gió và mưa không quá lớn nhưng khu vực các tỉnh miền Trung vừa qua chịu ảnh hưởng mưa lũ lớn nên vẫn gây nguy cơ cao về sạt lở đất, ngập lụt…”, ông Khiêm nhận định.
Theo phản ánh của các phóng viên Tiền Phong đang tác nghiệp tại các tỉnh miền Trung, người dân đang rất cần thực phẩm, đồ ăn không cần phải nấu, vì ngập lụt không có củi lửa, điện để đun nấu...
Theo Tiền Phong