Dẫn đầu đổi mới, người lãnh đạo cần củng cố văn hóa doanh nghiệp
Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội nữ doanh nhân Thành phố (HAWEE), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PNJ chia sẻ cùng quý độc giả kiến thức, kinh nghiệm về vai trò lãnh đạo trong xây dựng, đổi mới văn hoá doanh nghiệp .
Vai trò của đổi mới là gì, thưa chị?
Đổi thay là lẽ tất yếu, nếu không nhận thức được giá trị của sự thay đổi thì sẽ bị nhấn chìm. Khi chúng ta chọn cách làm chủ cuộc chơi, sẽ khởi đầu cho hàng loạt sự đổi mới.
Như vậy thay đổi bắt đầu từ đâu, khi nào?
Thay đổi phải bắt đầu từ nhận thức và tư duy của người lãnh đạo. Khi đã xác định được nhu cầu cần thay đổi và mục tiêu hướng đến thì tổ chức mới có được hành động tích cực và hiệu quả.
Sự đổi mới tư duy cần có một quá trình. Chúng ta cần ý thức nắm bắt sự đổi thay của cuộc sống để bắt nhịp, nhất là trong thời đại khoa học công nghệ và quản trị thay đổi một cách nhanh chóng. Nếu không có ý thức sẵn sàng cho đổi mới thì chúng ta sẽ nhanh chóng bị tụt hậu.
Có phải khi doanh nghiệp “có vấn đề” thì mới cần thay đổi không chị?
Khi đã nhận ra doanh nghiệp có vấn đề, bắt buộc chúng ta phải thay đổi.
Chúng ta phải luôn quan sát với tâm thái sẵn sàng cho sự đổi mới để phát triển. Ngay cả khi doanh nghiệp đang trên đà phát triển tốt.
Một doanh nghiệp lớn đã có sức mạnh thương hiệu không có nghĩa là nó cứ mãi trường tồn. Doanh nghiệp càng lớn càng có uy tín càng cần phải thường xuyên nhìn lại mình và đổi mới liên tục, nhất thiết phải có nghiên cứu sâu để nhận ra và làm mới lại mình.
Chị có thể chia sẻ cách thức để đổi thay và quản trị sự thay đổi?
Theo báo đánh giá của một công ty tư vấn thuộc Top 4 của thế giới thì “chỉ có khoảng 30% các công ty mà họ tư vấn chuyển đổi thực sự đạt được hiệu quả”.
Thay đổi một thói quen nhỏ của bản thân không dễ, huống chi là một tổ chức gồm nhiều người, nhiều tầng lớp, nhiều mối quan hệ. Do đó, cần sự kiên định và cam kết cao từ người dẫn đầu. Phải có một ý chí quyết liệt, đồng bộ của tổ chức và cần phải có chương trình hành động “Quản trị sự thay đổi” một cách chuyện nghiệp thì mới có được sự thành công.
“Làm thế nào để mệnh lệnh thay đổi từ văn phòng tổng công ty thấm nhuần đến từng phòng ban ngóc ngách ở các vị trí địa lý xa xăm”. Với cương vị nữ tướng trong ngành bán lẻ, với trên 200 cửa hàng/chi nhánh và trên 3.600 con người, có lẽ, chị đã là một chuyên gia thực hành “mệnh lệnh trung tâm lan toả đến địa phương”. Mong chị chia sẻ thêm.
Bí quyết là truyền thông, truyền thông và truyền thông. Sao cho “tướng sĩ một lòng phụ tử”.
Để một chương trình chuyển đổi thành công trước hết phải xác định được mục tiêu của cuộc chuyển đổi, sự quyết tâm cao từ người lãnh đạo cao nhất đến đội ngũ lãnh đạo cấp trung, phải thấy được tính cấp bách “Thay đổi hay là chết”. Từ đó truyền thông đến từng người trong tổ chức, phải để mọi người hiểu sự thay đổi sẽ đem đến lợi ích gì cho cá nhân, cho tổ chức và nguy cơ của sự không thay đổi.
Phải truyền thông liên tục trong từng giai đoạn, thông thường mọi người sẽ hào hứng trong giai đoạn đầu và đôi khi có sự nản lòng khi chưa thấy kết quả; hay thái độ ngược lại là bằng lòng với một vài thay đổi bề mặt. Hào hứng sớm quá hoặc dễ nản lòng đều không dẫn đến thành công.
PNJ tự hào là nằm trong top 30% doanh nghiệp chuyển đổi thành công. Và đến nay chúng tôi vẫn không ngừng thay đổi.
Như vậy, điều tự hào nhất, theo chị, chính là “tránh được căn bệnh hình thức”?
Tôi có may mắn hiểu biết về “quản trị sự thay đổi” và “văn hoá doanh nghiệp” thông qua các lớp học, các trải nghiệm thực tiễn, cũng tranh thủ đọc nhiều sách về quản trị và tư duy tích cực. Cuốn sách gối đầu giường của tôi 20 năm trước, “Xây dựng để trường tồn” (Built to last của tác giả James C. Collins và Jerry I. Porras) đã cho tôi nhận thức phải thường xuyên tự đánh giá mình và đánh giá tổ chức để luôn nhắc mình và đội ngũ “Chúng ta có quyền tự hào về những gì đạt được, nhưng không được tự mãn, phải nhớ Tốt là kẻ thù của Tốt nhất”.
Đổi mới và sáng tạo phải bắt đầu từ rất sâu bên trong tổ chức, chứ không phải bên ngoài. Và để tránh bệnh hình thức thì luôn cần một kênh phản hồi minh bạch và trung thực từ bên trong công ty, từ từng nhân viên để kịp thời điều chỉnh và tránh chệch hướng. Với việc thay đổi văn hóa tổ chức, không phải và không nên chỉ là đổi mới trang phục nhân viên, một cái logo mới hoặc một câu khẩu hiệu (slogan) nghe rất kêu… Đó chỉ mới là vỏ bọc, chưa phải nội hàm của sự đổi xứng đáng cho một cuộc cách mạng trong toàn công ty.
Bí kíp duy nhất mà chị muốn mọi người lưu tâm để có thể thành công trong hội nhập và phát triển có phải là sự sáng tạo từ nét riêng của doanh nghiệp?
Điều duy nhất tôi mong muốn được chia sẻ là các doanh nhân hãy tích cực chủ động kết nối những giá trị đã có từ nội tại của doanh nghiệp với thế giới bên ngoài, với công nghệ mới, để tìm ra hướng đi mới cho doanh nghiệp của mình nhưng không đánh mất bản sắc riêng của tổ chức.
Xin cám ơn chị về những chia sẻ này!