MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân IT cũng đối mặt nguy cơ bị đào thải: Chỉ 35% trong số 57.000 sinh viên Việt Nam ra trường mỗi năm đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng

03-07-2023 - 16:25 PM | Sống

Chuyên gia công nghệ thông tin Đào Trung Thành đánh giá chất lượng nhân sự ngành này tại Việt Nam đang có vấn đề.

Dân IT cũng đối mặt nguy cơ bị đào thải: Chỉ 35% trong số 57.000 sinh viên Việt Nam ra trường mỗi năm đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty.

Theo Báo cáo Skill Value 2019 của TopDev, Việt Nam đứng hạng 29 trên toàn thế giới về kỹ năng dành cho lập trình viên. Như vậy, chúng ta đứng sau rất nhiều quốc gia lân cận như Singapore, Thái Lan, Indonesia. 29 không phải thứ hạng quá đẹp ”, ông Đào Trung Thành - chuyên gia tư vấn chiến lược công nghệ thông tin (CNTT) & Chuyển đổi số - cho biết trong hội thảo “Triển vọng thị trường lao động ngành CNTT 2023” do ManpowerGroup Việt Nam tổ chức.

Cũng theo chia sẻ của ông Thành, mỗi năm Việt Nam có khoảng 57.000 sinh viên CNTT ra trường, nhưng chỉ 35% trong số đó đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam không cao như nước ngoài. Tức là chất lượng nhân sự của chúng ta đang có vấn đề ”, ông rút ra nhận định.

Theo báo cáo The New Human Age của ManpowerGroup, hơn 80% doanh nghiệp đã tăng cường tập trung vào chuyển đổi số hậu Covid-19, khiến công nghệ số trở thành top ngành giàu tiềm năng phát triển. Với nhu cầu thị trường to lớn, IT thậm chí được mệnh danh là “vua của các nghề”.

Tuy nhiên, ông Thành chỉ ra rất nhiều xu hướng mới đang nổi lên trong ngành CNTT. Một trong số đó là sự phổ cập hóa việc phát triển phần mềm, khuyến khích mọi người dùng, kể cả có kinh nghiệm viết mã hay không cũng có thể thực hiện công việc. Sự phát triển của AI cũng giúp tự động hóa ngày càng nhiều nhiệm vụ cho người lao động. Do đó, vị chuyên gia dự báo một số vị trí trong ngành IT sẽ bị cắt giảm.

Trước hết là những công việc lập trình đơn giản, hoặc sử dụng công nghệ lỗi thời mà hiện vẫn còn đang được giảng dạy trong trường học. Trong khi đó, những ngôn ngữ lập trình xu hướng như Python, Rust… lại chưa được đưa vào nhiều.

Một số nghề như DevOps, phân tích dữ liệu, hay chuyên ngành như khoa học dữ liệu, an ninh mạng cũng chưa được giảng dạy rộng rãi, mới có những khóa học bên ngoài ”, ông Thành nêu quan điểm.

Dân IT cũng đối mặt nguy cơ bị đào thải: Chỉ 35% trong số 57.000 sinh viên Việt Nam ra trường mỗi năm đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng - Ảnh 2.

Ông Đào Trung Thành - Chuyên gia tư vấn chiến lược công nghệ thông tin (CNTT) & Chuyển đổi số.

Như vậy, một số công việc lập trình cấp thấp sẽ bị đào thải, thay vào đó là những vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao. Ông Thành gợi ý dân CNTT có thể chuyển sang làm các công việc như DevOps, lập trình điện toán đám mây, các vị trí về AI, Robotic.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng phòng Tuyển dụng nhân sự cấp cao và Tư vấn nhân sự tại ManpowerGroup Việt Nam cũng cho biết sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh và robot vào sản xuất kinh doanh đang đặt ra thách thức với thị trường lao động còn nhiều hạn chế về kỹ năng như Việt Nam.

Hiện tỷ lệ nhân sự Việt Nam có trình độ cao nói chung chỉ chiếm 11% tổng lực lượng lao động. Năng suất lao động thấp và khả năng ngoại ngữ còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia...

Công nghệ không ngừng thay đổi đồng nghĩa với yêu cầu liên tục cập nhật kỹ năng số cho người lao động. Doanh nghiệp cần linh hoạt áp dụng các chương trình nâng cao kỹ năng, xây dựng chiến lược đào tạo dài hạn, sao cho người lao động có thể đảm nhiệm tốt những công việc hiện tại và tương lai ”, bà Vân Anh chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Thành nhấn mạnh để không bị bỏ lại, những nhân sự đang làm lập trình cơ bản sẽ phải re-skill (tái đào tạo kỹ năng) và up-skill (nâng cao kỹ năng) liên tục mới bắt kịp xu hướng trong thời kỳ hiện nay.

Theo Minh Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên