MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân không đi đường vẫn phải trả phí

16-09-2016 - 07:45 AM | Xã hội

Một số trạm thu phí BOT đặt ở vị trí không hợp lý, công trình một nơi - thu phí một nơi, tạo sự bất bình đẳng, gây bức xúc dư luận.

“Nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo. Do vậy khi trạm thu phí mọc lên, khách hàng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải qua trạm thu phí. Đây là hình thức cưỡng bức sử dụng dịch vụ, gây bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua…”.

Ông Lê Quốc Đạt, Phó Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định như trên tại hội thảo vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với các dự án BOT, ngày 15-9.

Tước đi quyền lợi người dân

Ông Đạt cho rằng người dân đã đóng thuế và Nhà nước có nghĩa vụ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân. Những tuyến đường độc đạo như quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng), Hà Nội - Bắc Giang trước đây được xây dựng dựa trên tiền thuế của người dân và duy tu, bảo dưỡng dựa trên tiền phí của người dân (quỹ bảo trì đường bộ).

“Bây giờ nhà đầu tư vào lập dự án BOT, một số đoạn chỉ là thảm lại bề mặt và thu phí. Lập luận một số đơn vị rằng nhà đầu tư đang bán phần giá trị gia tăng nhưng thực chất là tước đoạt đi quyền sử dụng của người dân đối với một tiện ích vốn thuộc về họ…” - ông Đạt khẳng định.

Đồng tình nhận định trên, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đặt câu hỏi “Thời gian qua người dân đang kêu cái gì?”. Và ông Kiên tự trả lời không phải người dân kêu chủ trương đầu tư BOT mà kêu vai trò của Nhà nước. “Nhà nước được người dân ủy quyền để cung ứng cho người dân một cơ sở hạ tầng phù hợp với kết quả đóng góp (thuế). Do đó, Nhà nước phải đáp ứng cho người dân một cơ sở hạ tầng thiết yếu. Sau đó, chúng ta mới phân ra ai có thu nhập khá thì sử dụng dịch vụ tốt hơn…” - ông Kiên nhấn mạnh.

Không đi vẫn phải trả phí

Ngoài ra, ông Lê Quốc Đạt cũng cho rằng do chưa có quy định về việc trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án nên một số trạm thu phí không hợp lý, công trình một nơi - thu phí một nơi, tạo sự bất bình đẳng và gây bức xúc dư luận.

Ví dụ trạm thu phí của dự án BOT hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia lại đặt ở Km 894 trên quốc lộ 1 trước hầm Hải Vân. Điều này khiến người dân ở thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc, Huế) khi đi lại, giao dịch với TP Đà Nẵng không hề sử dụng hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia mà vẫn phải trả phí. Hay dự án BOT tuyến tránh TP Vĩnh Yên lại tổ chức thu phí tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài.

Thậm chí là trường hợp “lẩu thập cẩm công trình thu phí” như việc nhà đầu tư sử dụng trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 để hoàn vốn cho các dự án. “Nếu người dân chỉ đi qua cầu Bến Thủy 1 và 2 thì có thể không ngờ được rằng mình đang cõng phí cho vài dự án khác ở đâu đó. Cụ thể như dự án tuyến tránh TP Vinh, dự án Nam Bến Thủy - tuyến tránh TP Hà Tĩnh, dự án nút giao quốc lộ 46 và dự án cầu Yên Xuân…” - ông Đạt nói.

Không đầu tư đồng thời tuyến cũ và tuyến mới để thu phí

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ GTVT cần phải rà soát, đánh giá và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm phù hợp với thực tiễn, tạo khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và thuận lợi trong triển khai dự án.

Tuyệt đối không đầu tư đồng thời tuyến cũ và tuyến mới để thu phí trên tuyến cũ hoặc thu phí trên cả hai tuyến. Đối với những tuyến quốc lộ hiện hữu, các địa phương khi có ý kiến về vị trí trạm thu phí và chủ trương đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BOT thì cần lấy ý kiến các tổ chức xã hội, người dân thường xuyên qua lại trạm thu phí để đảm bảo sự đồng thuận… Đặc biệt nhà đầu tư phải quyết toán xong mới được phép thu phí… Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ đứng ra thực hiện lập dự án khả thi sau đó mới đưa ra đấu thầu rộng rãi.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguễn Nhật

Cần cơ chế giám sát doanh thu BOT

Sắp tới cần phải có cơ chế kiểm soát doanh thu vì nó quyết định thời gian thu phí. Gần đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giám sát tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ thấy doanh thu trong ngày có sự giám sát của cơ quan chức năng cao hơn nửa tỉ đồng so với doanh thu mà doanh nghiệp báo cáo... Để kiểm soát được doanh thu này cần sớm thực hiện thu phí không dừng. Và các dữ liệu phải được truyền về máy chủ đặt tại cơ quan nhà nước thì mới đảm bảo được việc thu phí trung thực, công khai.

Ông Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV

Tiêu điểm

Nhiều dự án phải rút ngắn thời gian thu phí

Kiểm toán Nhà nước vừa có kết luận thanh tra nhiều dự án BOT, qua đó yêu cầu các chủ đầu tư BOT cầu Cổ Chiên (Trà Vinh) giảm thời gian thu phí năm năm năm tháng. Yêu cầu một dự án trên quốc lộ 19 được kiến nghị giảm bảy năm bảy tháng và một dự án BOT ở khu vực Tây Nguyên được kiến nghị giảm thời gian thu phí đến 10 năm... Nguyên nhân do giá trị đầu tư thấp hơn nhiều so với tổng mức đầu tư.

Theo Viết Long

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên