MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đàn lợn của Trung Quốc "trở lại và lợi hại hơn xưa": Bắc Kinh sắp giành lại vị trí "khách hàng số 1" của Mỹ?

15-06-2021 - 14:18 PM | Tài chính quốc tế

Đàn lợn của Trung Quốc "trở lại và lợi hại hơn xưa": Bắc Kinh sắp giành lại vị trí "khách hàng số 1" của Mỹ?

Số lượng lợn tăng mạnh trở lại khiến Trung Quốc phải nhập khẩu thêm lượng lớn đậu tương từ Mỹ.

Trung Quốc mạnh tay mua đậu tương

Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc đã tăng đáng kể trong 5 tháng đầu năm cùng với sự phục hồi của các đàn lợn tại nước này. Theo đó, Trung Quốc đã mua tổng cộng 38,23 triệu tấn đậu tương từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay.

Nhà nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới đã chi 19,35 tỷ USD cho lượng đậu tăng nói trên, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái - theo dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố vào tuần trước. Các nhà cung cấp đậu tương lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ và Brazil. Nhập khẩu đậu tương từ những nước này trong 5 tháng đầu năm đã tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Darren Cooper, một nhà kinh tế cấp cao tại công ty nghiên cứu International Grains Council có trụ sở tại Anh, liên hệ tới năm tài chính của Mỹ và cho biết: "Hiện tại, nhu cầu gần như tập trung hoàn toàn vào nguồn cung từ Nam Mỹ, và mặc dù lượng mua từ Brazil rất đáng kể, những con số này dự kiến sẽ cho thấy mức tăng khiêm tốn hơn so với cùng kỳ năm trước cho đến tháng 9".

Việc Bắc Kinh cam kết mua hàng hóa nông sản trị giá 36,5 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký với Washington vào tháng 1/2020 đã hỗ trợ cho đậu tương nhập khẩu của Mỹ. Nhưng sự phục hồi của các đàn lợn ở Trung Quốc - vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi - là động lực chính khiến nước này có như cầu cao hơn đối với đậu tương vì loại nông sản này thường được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất dầu ăn.

Đàn lợn của Trung Quốc trở lại và lợi hại hơn xưa: Bắc Kinh sắp giành lại vị trí khách hàng số 1 của Mỹ? - Ảnh 1.

Đàn lợn của Trung Quốc đang quay trở lại với số lượng lớn. Ảnh: SCMP

Pan Chenjun, nhà phân tích cao cấp về chăn nuôi tại Rabobank, cho biết: "Kỳ vọng về số lượng các đàn lợn quay trở lại là lý do chính khiến nhập khẩu đậu tương tăng mạnh."

Tổng chi tiêu của Trung Quốc cho nhập khẩu thực phẩm, bao gồm cả ngũ cốc và thịt, trong 5 tháng đầu năm 2021 đã tăng 33,8% so với 1 năm trước, trong đó đậu nành chiếm hơn 22% tổng chi tiêu của nước này.

Dự báo thương mại nông sản hàng quý của Bộ Nông nghiệp Mỹ, được công bố vào ngày 26/5, dự kiến rằng Trung Quốc sẽ giành lại vị trí là khách hàng số 1 của Mỹ do nhu cầu của họ đối với đậu tương và ngô.

Chuyên gia Cooper nói thêm rằng trong khi nhu cầu của Trung Quốc đối với xuất khẩu đậu tương của Mỹ tăng đáng kể, nhu cầu của người Mỹ đối với dầu đậu nành làm nhiên liệu sinh học cũng đang thúc đẩy tăng trưởng khi nền kinh tế Mỹ dần phục hồi sau đại dịch COVID-19.

"Được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, đặc biệt là xuất khẩu đậu tương của Mỹ đã tiến triển với tốc độ chưa từng có. Các lô hàng được dự báo đạt tổng mức kỷ lục 62,1 triệu tấn - tăng khoảng 1/3 so với vụ trước", chuyên gia Cooper cho biết thêm sự gia tăng tiêu thụ và chế biến dầu đậu nành dự kiến sẽ tiếp tục trong suốt năm nay và năm sau ở Mỹ.

Thay đổi chiến lược

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc có thể sẽ tăng trưởng tương đối khiêm tốn trong những năm tới, vì đàn lợn của nước này hiện đang phục hồi về gần mức trước dịch tả lợn châu Phi.

Các nhà phân tích cho rằng giá hàng hóa tăng cao cũng ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của những người chăn nuôi lợn, những người đang ngày càng chứng kiến tỷ suất lợi nhuận của họ bị siết chặt do nguồn cung thịt lợn tăng trên thị trường.

"Giá lợn hơi tiếp tục giảm, trong khi chi phí thức ăn tăng nhanh. Lợi nhuận chăn nuôi giảm mạnh và một số thiệt hại đã xảy ra. Ngoài ra, do ảnh hưởng kéo dài của dịch tả lợn Châu Phi, người chăn nuôi không dám nuôi tồn kho", một cơ quan nghiên cứu đánh giá.

Hơn nữa, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ban hành chỉ thị mới vào tháng 4 khuyến nghị nông dân giảm sử dụng ngô và đậu tương trong thức ăn cho lợn và gia cầm, nhằm giảm sự phụ thuộc của quốc gia này vào nhập khẩu đậu tương và ngô. Các nhà chức trách đã đề xuất một danh sách các lựa chọn thay thế, bao gồm gạo, lúa mạch và lúa miến.

Nếu kế hoạch được thực hiện thành công, nó có thể cắt giảm tiêu thụ đậu tương của Trung Quốc ít nhất 8 triệu tấn mỗi năm.

Rosa Wang, một nhà phân tích có trụ sở tại Thượng Hải của nhà cung cấp dữ liệu nông nghiệp JCI China, nói rằng các hướng dẫn của chính phủ vẫn đang được tiến hành, nhưng áp lực lên giá hàng hóa nông nghiệp cũng có thể ảnh hưởng đến nhập khẩu đậu tương nói chung của Trung Quốc trong những tháng tới.

Wang cho biết chính phủ Trung Quốc có thể sẽ cảnh giác với sự biến động ngày càng tăng của giá hàng hóa và sẽ thực hiện các biện pháp khác nhau để giữ nguồn cung trong nước ổn định, đồng thời cho biết thêm rằng tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ cũng có thể được giữ linh hoạt để chống lại biến động giá cả.

"Giá nông sản đã tăng trong một thời gian. Đậu tương và ngô là những mặt hàng chính đã tăng giá", nhà phân tích Pan của Rabobank cho biết. "Việc tăng giá của ngũ cốc và hạt có dầu sẽ được chuyển sang các thành phẩm".

"Nếu có đủ nguồn cung thành phẩm, các nhà chế biến không thể chuyển tất cả các chi phí bổ sung cho người tiêu dùng. Trong trường hợp này, việc chế biến sẽ bị thua lỗ và một số doanh nghiệp nhỏ có thể buộc phải rời khỏi thị trường. Vì vậy, tôi đoán sẽ có áp lực tăng giá đối với chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng tới".

Theo Tất Đạt

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên