Dân ngân hàng bước qua mùa thưởng Tết thế nào?
Chuyện thưởng Tết của các nhà băng lớn có lẽ là ước mong còn lâu lắm đối với bọn "con nhà nghèo" – CBNV ở các ngân hàng TMCP nhỏ. Thực ra, ở các ngân hàng TMCP cũng có một số ít nhân viên có mức thưởng Tết rất lớn, thậm chí không thua kém đàn anh Big 4. Tuy nhiên, số lượng nhân viên được thưởng Tết nhiều ở các ngân hàng TMCP nhỏ chiếm thiểu số và chỉ áp dụng cho những cán bộ bán hàng thật sự xuất sắc và vượt chỉ tiêu.
Những ngày cuối tháng 12 này, mùa thưởng Tết của dân ngân hàng lại chộn rộn bắt đầu. Đến hẹn lại lên, vào những ngày giáp Tết, vấn đề thưởng Tết của các banker lại là đề tài được nhiều người quan tâm và tìm kiếm nhất trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, phải nói rằng những năm gần đây thưởng Tết cũng không còn quá háo hức đối với dân ngân hàng như những năm trước vì nhiều lẽ khác nhau.
Mùa thưởng Tết 2020 đang bắt đầu sớm với một trong tứ đại gia của ngành ngân hàng, khi ngày 06/12/2019 Vietinbank thông báo bổ sung 1 tháng lương nhân dịp Tết Dương lịch 2020 cho CBNV. Và cũng có lẽ người anh cả về lợi nhuận của ngành ngân hàng – Vietcombank cũng đang có kế hoạch thưởng Tết riêng cho nhân viên của mình sau 2 năm liền "cô đơn trên đỉnh lợi nhuận". Những tín hiệu đầu tiên về thưởng Tết năm 2020 đã báo hiệu cho mùa thưởng Tết ấm no cho dân ngân hàng, nhất là khi hệ thống ngân hàng năm nay đạt lợi nhuận rất tốt? Tuy nhiên, nếu ai đã từng bước qua những mùa thưởng Tết ở các nhà băng khác nhau, tin rằng sẽ có những cảm nhận đầy đủ hơn về bức tranh thưởng Tết, mà đôi khi các phương tiện truyền thông chỉ mới nêu được một phần lấp lánh của nó. Và những góc khuất về thưởng Tết...thì chỉ có dân ngân hàng mới thấu hiểu.
Trở lại vấn đề thưởng Tết, đầu tiên là câu chuyện thưởng Tết của "những đứa con nhà giàu", tức là chuyện thưởng Tết của nhân viên 4 ngân hàng lớn có vốn nhà nước là Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank. Thật ra, ở các ngân hàng lớn dường như sự háo hức, mong chờ thưởng Tết không mãnh liệt, khát khao như nhân viên các nhà băng nhỏ. Nói thế bởi vì ở các ngân hàng lớn, chuyện thưởng Tết nhiều hình như đã là quy luật giống như mùa xuân về và đào mai nở! Ở các ngân hàng lớn thường không có sự đột biến về biên độ tăng giảm thưởng Tết giữa các năm như các ngân hàng TMCP có quy mô trung bình và nhỏ. Nghĩa là dù có thế nào, dường như các ngân hàng lớn vẫn giữ được "phong độ" về mức thưởng Tết cho nhân viên.
Ngoài ra, ở các ngân hàng lớn có vốn nhà nước thường không tập trung tất cả chế độ vào thưởng Tết cuối năm. Mà đâu đó, các ngân hàng này có cách "thưởng" cho nhân viên rải rác đều đều trong năm. Cụ thể như có ngân hàng không gọi là thưởng mà là tạm ứng thêm lương hàng tháng cho nhân viên hoặc chi bổ sung lương kinh doanh. Nghĩa là thay vì bình thường hàng tháng chỉ nhận được 100% lương, thì được tạm ứng chi thêm khoảng 20%/tháng; tức là nhận 120% lương mỗi tháng, tương đương được nhận thêm 2,4 tháng lương/năm cho phần tạm ứng thêm lương này. Đồng thời, các ngân hàng lớn lại thưởng vào các dịp lễ lớn trong năm như 30/4, 01/05; Quốc khánh, kết thúc quý, 6 tháng,... Ngoài ra, ở các ngân hàng lớn còn chế độ phúc lợi rất tốt, trở thành niềm khao khát cho các nhân viên ngân hàng nhỏ. Ví dụ như: tiền trợ cấp cho giữ trẻ cho nhân viên có con nhỏ; tiền trang điểm hàng tháng; tiền mừng tứ thân phụ mẫu nhân ngày Quốc tế ngày cao tuổi 01/10; quà Quốc tết thiếu nhi, Trung thu cho con em CBNV ngân hàng; tiền xe cho CBNV về thăm gia đình vào các dịp lễ tết trong năm, tiền mừng việc hỷ cưới hỏi, sinh con,...Khác với các ngân hàng nhỏ, ở các ngân hàng lớn thì thường không thưởng tết hết vào dịp Tết Nguyên đán mà được chia thành nhiều lần thưởng kéo dài đến tận năm sau. Đâu đó ở các ngân hàng lớn, nói theo ngôn ngữ của "Dự báo thời tiết" thì "Thưởng Tết kéo dài nhiều nơi, rải rác từ tháng Chạp sang tháng Giêng và cho đến hết mùa xuân!". Thậm chí có ngân hàng sau Tết Nguyên đán vào còn chi lì xì đầu năm và thưởng tiếp phần thưởng Tết chưa chia hết vào cuối năm âm lịch. Các ngân hàng chia thưởng Tết ra nhiều kỳ, có lẽ một phần không muốn sự quan tâm quá nhiều của dư luận, một phần cân đối việc đóng thuế thu nhập cá nhân cho CBNV.
Chuyện thưởng Tết của các nhà băng lớn có lẽ là ước mong còn lâu lắm đối với bọn "con nhà nghèo" – CBNV ở các ngân hàng TMCP nhỏ. Thực ra, ở các ngân hàng TMCP cũng có một số ít nhân viên có mức thưởng Tết rất lớn, thậm chí không thua kém đàn anh Big 4. Tuy nhiên, như đã nói số lượng nhân viên được thưởng Tết nhiều ở các ngân hàng TMCP nhỏ chiếm thiểu số và chỉ áp dụng cho những cán bộ bán hàng thật sự xuất sắc và vượt chỉ tiêu.
Ở các ngân hàng TMCP có quy mô trung bình và nhỏ, việc thưởng Tết được cân, đong, đo, đếm rất tỉ mỉ bằng nhiều công cụ khác nhau. Ngoài bộ chỉ tiêu theo KPIs, còn có các điểm về chất lượng phục vụ khách hàng, điểm tuân thủ,... để làm cơ sở đánh giá, xếp loại đơn vị và xếp loại nhân viên cuối năm. Và mức thưởng Tết của từng nhân viên sẽ phụ thuộc vào xếp loại của đơn vị và xếp loại của cá nhân tại đơn vị. Nếu như ở các ngân hàng lớn, hiệu quả kinh doanh (được đo bằng lợi nhuận và các chỉ tiêu chính như huy động vốn, dư nợ, tỷ lệ nợ xấu) thường được lấy làm cơ sở để xếp loại và thưởng Tết. Còn ở các ngân hàng TMCP, ngoài kết quả kinh doanh chính, các chỉ số phụ như: chất lượng dịch vụ khách hàng, điểm trừ tuân thủ, lỗi tác nghiệp,...cũng có ảnh hưởng không kém phần quan trọng trong việc xếp loại và thưởng Tết cuối năm. Cụ thể, nếu bạn hoàn thành 100% chỉ tiêu KPIs của năm, nhưng có nhiều lỗi tác nghiệp hoặc chất lượng phục vụ khách hàng thấp thì vẫn có thể bị xếp loại thấp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ của năm. Rõ ràng, ở các ngân hàng TMCP có sự đánh giá đầy đủ và khắt khe hơn về tiêu chí xếp loại nhân viên cuối năm so với các ngân hàng lớn.
Còn đối với nhân viên ở các ngân hàng TMCP top dưới, các ngân hàng trong giai đoạn tái cơ cấu; dường như nhiều năm nay không còn cảm giác với cái gọi là...thưởng Tết! Nhân viên các nhà băng này chỉ mong ước có lương tháng 13 đã mừng hoặc thậm chí có ngân hàng chỉ chi lương cơ bản chứ không phải tổng lương để động viên nhân viên thôi.
Mùa thưởng Tết 2020 của dân ngân hàng lại bắt đầu với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Như đã nói ở trên, dù là nhân viên ngân hàng lớn hay ngân hàng nhỏ, thì cảm giác hồi họp, chờ đợi trong mùa thưởng Tết lại giảm dần qua từng năm. Vì những người làm ngân hàng dường như ít nhiều đã biết được mức thưởng Tết của mình dự kiến được ngay từ khi tờ lịch tháng 12 mới sang. Và cứ Tết về...bọn nhà banker năm nào cũng vậy, ít nhất hơn lần phải trả lời câu hỏi muôn thuở với người thân, bạn bè...."Năm nay thưởng Tết nhiều không?". Và Tết Canh Tý lại về, khi bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng sáng hơn, những người làm ngân hàng lại thì thầm mong ước một mùa thưởng Tết ấm no sau một năm đầy áp lực.