Dân ở khu tái định cư sân bay Long Thành: Vẫn đối mặt với bộn bề khó khăn
Sau hơn hai năm nhường đất cho dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, khoảng 1.500 hộ dân (trong tổng số gần 5.500 hộ được tái định cư) đã nhận đất tại khu tái định cư (TĐC) Lộc An - Bình Sơn. Trong số đó, gần 1.000 hộ với trên 3.500 nhân khẩu đã về nơi ở mới nhưng đời sống vẫn bộn bề khó khăn. Những hộ còn lại chưa thể xây dựng nhà cửa nơi ở mới vì hạ tầng chưa... có gì.
- 01-09-2023Sân bay Long Thành thế nào sau khi hoàn thành?
- 31-08-2023Chiều nay chính thức khởi công nhà ga 'siêu sân bay' Long Thành
- 31-08-2023Hôm nay (31/8), khởi công xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành hơn 35.000 tỉ đồng
Bộn bề khó khăn nơi ở mới
Liên tiếp hai năm liền vợ chồng chị Nguyễn Thị Linh phải vất vả trong việc đưa đón hai con đi học xa bởi khu TĐC vẫn chưa có trường học cấp 2. Hằng ngày, vợ chồng chị phải thay nhau 4 lượt đưa đón con đi học ở điểm học tạm cách nhà hơn 2km. Chị Linh cho hay: “Gia đình tôi từ xã Suối Trầu ra khu TĐC Lộc An - Bình Sơn sinh sống. Thấy khu TĐC quy hoạch nhiều trường học khang trang, hiện đại tôi rất mừng. Nhưng qua hơn hai năm, trường học vẫn chưa xong nên người dân gặp rất nhiều bất tiện trong việc đưa đón con đến trường. Học sinh phải đi học tạm ở cơ sở của trường khác”.
Bà Nguyễn Thị Lan cho hay, sau nhiều năm chờ đợi, chúng tôi được về nơi ở mới khang trang, tuy nhiên đến nay cả khu đô thị hàng ngàn người dân sinh sống lại chưa có chợ, trung tâm thương mại để mua sắm sinh hoạt hằng ngày tất cả đều phụ thuộc vào những tiệm tạp hóa mở ra trong khu dân cư. Gia đình bà Lan vốn ở xã Suối Trầu, có hơn 1 ha đất sản xuất nông nghiệp. Khi về nơi ở mới tại khu TĐC Lộc An - Bình Sơn, bà Lan nhận 1 lô đất xây nhà ở. Ở tuổi đã gần 50, bà Lan không thể xin vào nhà máy làm công nhân, trong khi ở nơi mới không thể chăn nuôi, trồng trọt nên bà chọn mở tiệm tạp hóa buôn bán kiếm sống.
Tuy nhiên, “nhiều người cũng trong hoàn cảnh như vậy nên ở đây có hàng trăm tiệm tạp hóa mở ra, buôn bán rất ế ẩm”, bà Lan nói.
Cả khu TĐC Lộc An - Bình Sơn đang là đại công trường xây dựng nhà ở. Ông Trần Văn Dũng một chủ thầu xây dựng đang chỉ đạo công nhân xây nhà cho biết: “Khu đất này hiện chưa có hệ thống điện, dân phải câu nhờ điện ở xa rất bất tiện, trong khi đó chủ nhà lại đốc thúc tiến độ công trình, chỉ sợ xây dựng xong mà điện chưa có thì cũng rất khó”.
Chưa thể xây nhà để ở
Kết quả giám sát mới đây của Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai ghi nhận, tại khu TĐC Lộc An - Bình Sơn dù đã có hàng ngàn nhân khẩu đang sinh sống, nhưng tiến độ thi công các công trình xã hội để phục vụ đời sống người dân vẫn rất chậm, nhất là trường học.
Đề đạt với các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai, người dân tại khu TĐC Lộc An - Bình Sơn nêu nhiều khó khăn cần được quan tâm như xây dựng hạ tầng, đặc biệt là công trình nước sạch, giáo dục; văn hóa - xã hội, dịch vụ, đào tạo nghề... Ngoài thiếu trường học, khu TĐC chưa có chợ và trung tâm văn hóa, một số khu vực chưa có hạ tầng điện để người dân về sinh sống.
UBND huyện Long Thành cho biết, UBND xã Lộc An đã tiếp nhận 1.494 hồ sơ thông báo khởi công xây nhà ở của các hộ dân tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Trong số này, đã có 1.480 hộ đã và đang xây nhà ở. Trong đó gần 1.400 hộ được đấu nối cung cấp nước sinh hoạt và lắp đặt đồng hồ điện. Tuy nhiên, tại các phân khu I, II và XII (đang được điều chỉnh quy hoạch), các cơ quan chức năng của huyện Long Thành đã tổ chức cho người dân bốc thăm nhưng tại thực địa chưa có hệ thống đường, điện, hệ thống thoát nước… điều này đang gây khó khăn cho người dân khi xây dựng nhà ở, công tác quản lý trật tự xây dựng.
Do đó, UBND huyện Long Thành kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư) khẩn trương thực hiện để cung cấp điện cho người dân tái định cư.
Đã “trảm” nhưng vẫn rất chậm
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, dự án thành phần xây dựng các công trình hạ tầng xã hội tại khu TĐC Lộc An - Bình Sơn có 11 công trình tương ứng với 11 gói thầu xây dựng gồm: 8 trường học, 1 chợ, 1 trung tâm văn hóa và 1 trụ sở UBND xã. Tổng mức đầu tư của các dự án lên đến hơn 407 tỷ đồng. Phần lớn các công trình đều đã được khởi công xây dựng vào thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, biến động giá vật liệu nên đến năm 2022, toàn bộ dự án mới chỉ có 3 công trình hoàn thành xây dựng. Với 8 công trình còn lại, trong một thời gian dài, việc thi công đình trệ do các nhà thầu gặp nhiều khó khăn.
Tháng 9/2022, UBND tỉnh đã cho phép Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, chủ đầu tư dự án chấm dứt, thanh lý hợp đồng với các nhà thầu tại 6 công trình do thi công chậm tiến độ. Đồng thời, chủ đầu tư rà soát khối lượng đã hoàn thành thi công, chỉ định thầu để chọn nhà thầu mới tiếp tục triển khai hoàn thành xây dựng các công trình.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, cuối tháng 4/2023, sau khi hoàn thành công tác chỉ định thầu, các gói thầu trước đó đã chấm dứt, thanh lý hợp đồng với nhà thầu cũ đã được khởi động thi công trở lại.
Các công trình hạ tầng xã hội tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn dù đã được tái khởi động nhưng việc triển khai thi công các gói thầu vẫn đang gặp khó khăn về nguồn vốn do nguồn vốn dự án đã hết niên hạn. Ngoài ra, do điều chỉnh bố trí lại khu tái định cư nên một số khu vực của dự án khu TĐC Lộc An - Bình Sơn phải xây dựng hạ tầng, các công trình điện, nước phải được đầu tư nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Tiền phong