MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đàn ông 30 tuổi không có nổi 300 triệu trong tài khoản là người vô dụng": Tuổi 30 có gì mà sao lại khiến chúng ta sợ hãi đến thế?

24-03-2019 - 19:34 PM | Sống

Khi độ tuổi 30 ghé đến, họ hoảng sợ, lật đật tìm kiếm và chọn đại cho có giống như chơi trò chơi giành ghế. Khi tiếng còi vang lên, bạn phải lập tức chạy đến chiếc ghế gần nhất và ngồi vào, không quan tâm xem chiếc ghế đó là thứ bạn muốn hay không.

01

Đã từng có bài viết như thế này: "32 tuổi, không có tiền gửi tiết kiệm, nó thực sự gần như tự sát". Nhiều cư dân mạng nói rằng họ đã 32 tuổi, nhưng họ vẫn không có gì trong tay. Chắc hẳn mọi người đã từng nghĩ rằng khi 30 tuổi, mình sẽ có một tương lai đầy hứa hẹn, nhưng tuổi 30 đến, bản thân lại thấy rằng tương lai mịt mù, không biết đi đâu về đâu.

Nếu bạn lên Google và gõ từ khóa "tuổi 30", bạn sẽ thấy hàng trăm câu hỏi cũng như sự lo lắng khi người ta bước sang tuổi 30. Ví dụ như "Đàn ông tuổi 30 nên gửi bao nhiêu tiền về quê?", "Có phải cô gái chưa kết hôn ở tuổi 30 là một cô gái ế?" hoặc "Bạn trai tôi 30 tuổi và không có sự nghiêp ổn định, có nên sống tiếp với anh ấy không?"...

Người ta hỏi một nhóm nam nữ đồng nghiệp 9X đời đầu về vấn đề 30 tuổi có cần phải đạt được một chút thành tích, họ cảm thấy rằng nếu bạn 30 tuổi mà chưa làm được gì thì cuộc sống này thực sự đã kết thúc.

Khổng Tử đã đề cập trong Luận ngữ rằng "tam thập nhi lập" và "lập" theo nghĩa gốc là ý thức về sự độc lập tự thân.

Bây giờ, cụm từ "ba mươi tuổi" đã ngầm trở thành một chuẩn mực để đo lường sự thành công của một người – có sự nghiệp ổn định chưa, có xe hơi, nhà cửa, hôn nhân hay không, có nhiều tiền hay chưa. Do đó, ngày nay, những người trẻ tuổi đặc biệt sợ hãi tuổi 30. Họ sợ 30 tuổi mà vẫn trắng tay, họ sợ mình không thể làm hài lòng bản thân, cha mẹ và không tránh khỏi sự khinh miệt của xã hội.

Đàn ông 30 tuổi không có nổi 300 triệu trong tài khoản là người vô dụng: Tuổi 30 có gì mà sao lại khiến chúng ta sợ hãi đến thế? - Ảnh 1.

02

Đối với phụ nữ bước sang tuổi 30, điều duy nhất có thể đánh bại họ là hôn nhân.

Đồng nghiệp của tôi là H., nay gần bước qua 30 cái xuân xanh nhưng cô không vội vã về vấn đề tình cảm của mình. Ngay cả khi có một vài chàng trai tốt xung quanh, cô ấy không bao giờ nghĩ đến việc tiến xa hơn. Cô thốt lên rằng mình vẫn còn trẻ, cứ từ từ, cần gì phải gấp rút. Thế nhưng, ai biết được, ngay sau sinh nhật thứ 30, cô hốt hoảng và lo lắng đến tột độ. Mỗi ngày sau giờ làm việc, cô lại vội vã vào phòng tắm để trang điểm. Vào buổi tối, cô đi hẹn hò với những người đàn ông được bạn bè và người thân mai mối. Chỉ sau hai tháng, cô đã được mai mối vài chục người. Không ai thúc giục cô phải kết hôn. Thay vào đó, cô liên tục hối thúc mọi người giới thiệu cô với những người đàn ông. Cô nói rằng cô phải kết hôn ở tuổi 30, nếu không cô sẽ trở thành một người phụ nữ già nua, xấu xí và bị người ta nói rằng "ế".

Để có thể kết hôn, yêu cầu của cô dành cho nửa kia đã hạ xuống quá mức. Trước đây, cô định sẽ cưới người có công việc ổn định, lương vài chục triệu một tháng, cao to ,đẹp trai. Bây giờ, miễn là đó là một người đàn ông không cần giàu lắm, có công việc ổn định, lương tháng đủ dùng để cô ấy có thể kết hôn vào năm 2019. Có lẽ, năm nay, cô có thể kết hôn với một người đàn ông theo yêu cầu của cô nhưng tình yêu gấp rút "chưa hiểu đã cưới" sẽ khiến cô khó có thể hạnh phúc về sau.

Rốt cuộc, những cuộc hôn nhân hạnh phúc dựa trên sự thấu hiểu rõ lẫn nhau. Còn tuổi tác dường như không còn quan trọng nữa.

Trong bài phát biểu của TED, có một cô gái từng nói về một hiện tượng. Cô ấy nói rằng bây giờ nhiều người cũng như cô bạn tôi, cho rằng mình còn trẻ nên cứ từ từ, cần gì vội. Kết quả là, khi độ tuổi 30 ghé đến, họ hoảng sợ, lật đật tìm kiếm và chọn đại cho có giống như chơi trò chơi giành ghế. Khi tiếng còi vang lên, bạn phải lập tức chạy đến chiếc ghế gần nhất và ngồi vào, không quan tâm xem chiếc ghế đó là thứ bạn muốn hay không.

Nếu một người quá ám ảnh với tuổi 30, thì kết quả là họ sẽ chọn giành chiếc ghế đẩu đơn giản. Hành động này không phải là một thái độ có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình mà chỉ là họ muốn mình có thể ngồi vào ghế đúng giờ.

Đàn ông 30 tuổi không có nổi 300 triệu trong tài khoản là người vô dụng: Tuổi 30 có gì mà sao lại khiến chúng ta sợ hãi đến thế? - Ảnh 2.

03

Đối với đàn ông chạm mốc 30 tuổi, điều duy nhất có thể đánh bại họ là thành tích và sự nghiệp. Một người đàn ông càng gần 30, anh ta càng có một nỗi lo lắng về thành tích, vì sợ nên anh ta sẽ tránh mặt bạn bè.

Trước đây, có một độc giả đã viết một tin nhắn như sau: Ở tuổi 28, anh ta nghe được từ một người bạn rằng nếu một người đàn ông không có nổi 300 triệu trong tài khoản trong độ tuổi 30 thì không có gì khác biệt với người không có năng lực làm việc. Nhưng vào thời điểm đó, tiền gửi cá nhân của anh ta chưa đến 8 triệu một tháng. Ngay cả khi anh ta không ăn hoặc uống mỗi ngày, anh ta không thể kiếm được số còn lại trong 1-2 năm.

Vì vậy, anh ta bắt đầu điên cuồng tìm cách kiếm tiền, sau khi tìm kiếm khoảng vài ngày đêm, anh ta thấy rằng đánh bạc mới giúp mình đổi đời. Thế là, anh ta đã sử dụng tiền tiết kiệm của mình, tín dụng, tiền mặt đổ hết vào cờ bạc. Chỉ trong vài năm, thay vì kiếm được 300 triệu thì anh đã nợ gần 500 triệu của xã hội đen cho vay nặng lãi. Các bạn bè anh tránh mặt gần hết vì sợ anh mượn tiền. Trên thực tế, nếu anh ấy không vội vàng đốt tiền vào cờ bạc mà làm việc chăm chỉ và kiếm tiền, anh ấy chắc chắn sẽ có thể tiết kiệm số tiền đó trước tuổi 35.

Khi mọi người làm việc dưới áp lực cao, mức độ làm việc của mọi người sẽ giảm đi vì chịu sức ép. Nói cách khác, yêu cầu bên ngoài càng cao thì hiệu quả sẽ càng tệ.

Khi mọi người còn trẻ, điều họ cần nhất không phải là một mục tiêu khó có thể đạt được, mà là một lý tưởng có thể đạt được. Nếu bạn muốn mau chóng ổn định kinh tế của chính mình chỉ vì dư luận, đề ra những mục tiêu quá sức, điều đó chẳng mang lại lợi lộc gì.

Đàn ông 30 tuổi không có nổi 300 triệu trong tài khoản là người vô dụng: Tuổi 30 có gì mà sao lại khiến chúng ta sợ hãi đến thế? - Ảnh 3.

04

Cuộc sống của chúng ta không thể đạt được theo lịch trình lý tưởng bởi xuất phát điểm của mỗi người là khác nhau. So với quá khứ, người hiện đại ai cũng đi những bước như nhau: 18 tuổi vào đại học, 22 tuổi tốt nghiệp đại học, nếu sinh viên học tiếp, họ sẽ nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ... Ở tuổi 30, một người đàn ông có thể có một chiếc ô tô với một người vợ. Nếu tôi không phụ thuộc vào cha mẹ của mình, tôi khó có thể đạt được trọn vẹn tất cả.

"Tôi không biết làm thế nào, đành phải đứng lại." Là câu cửa miệng mà các bạn trẻ hay thốt ra. Bạn ơi, bạn chưa có nhiều tiền bạc, quyền lực, tên tuổi và lợi nhuận, nhưng là một người trưởng thành, bạn có thể đối xử với chính mình bằng thái độ chân thành nhất và dùng sự nỗ lực phấn đấu để đáp lại cuộc sống. Hãy làm mọi thứ với sự nhiệt thành, hãy mạnh mẽ tấn công cối xay gió như Don-ki-ho-te, bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình và chạm đến thành công.

Đàn ông 30 tuổi không có nổi 300 triệu trong tài khoản là người vô dụng: Tuổi 30 có gì mà sao lại khiến chúng ta sợ hãi đến thế? - Ảnh 4.

05

Trên thực tế, đằng sau tuổi 30, mọi người còn nỗi lo lắng về tuổi tác, vì họ sợ rằng họ sẽ bị đồng nghiệp bỏ lại phía sau. Chúng ta vô tình biến mình thành vận động viên trong cuộc chạy đua với người khác. Nếu cuộc sống là một cuộc đua marathon, điều quan trọng nhất không phải là bạn có thể chạy nhanh nhất ở chặng đầu tiên, mà là trong toàn bộ quá trình chạy, bạn có hạnh phúc không?

Tất cả những người không quan tâm đến  việc lập nghiệp ở tuổi 30 sẽ không dễ dàng đưa ra lựa chọn cuộc sống của chính mình vì họ nghĩ mình còn trẻ. Ngược lại, những người nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp sẽ nắm vững kế hoạch của chính họ mặc cho thời gian trôi đi.

Ví dụ, ông Vương Đức Thuận, người dành nửa cuộc đời để trở thành diễn viên kịch. Vương Đức Thuận là người đi lên từ con số 0 tròn trĩnh. Năm 14 tuổi ông bắt đầu bươn chải kiếm tiền phụ gia đình. Năm 24 tuổi, ông Thuận bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật với vai trò diễn viên kịch nói. Vì không có điều kiện đi học nên thuở nhỏ, ông đã học bổ túc văn hóa vào buổi tối. Đến năm 50 tuổi, ông tới Bắc Kinh nghiên cứu kịch câm và bắt đầu tập thể hình. Vương Đức Thuận cũng là người có công lớn trong việc truyền bá kịch câm Trung Quốc ra thế giới. Chính vì không sợ tuổi tác mà ông có thể sống một cuộc sống như chính ông muốn và được mệnh danh là "Nam thần tuổi 83".

Một ví dụ khác, bà cụ 84 tuổi cùng với con trai lái xe máy đi phượt Tứ Xuyên - Tây Tạng. Bà ước mơ được đi phượt nên ông Tống Kiện Huy, con trai bà đã chở mẹ mình đi phượt. Dù mọi người ngăn càn vì lo cho sức khỏe của bà nhưng bà vẫn giữ nguyên ý định và hai mẹ con bà đã đi được hơn 5000 km.

Mọi người đều có múi giờ riêng. Một số người tốt nghiệp sớm và họ có được cơ hội tốt và sự nghiệp họ phất lên như diều gặp gió, còn một số người phải đi học lại và trong một thời gian dài, họ gặp không ít trắc trở nhưng cuối cùng cũng leo lên được nấc thang danh vọng. Đừng đứng lại và đừng đặt nặng vấn đề về tuổi 30,  hãy nhấn nút "next" cho cuộc sống của bạn.

Theo Xuân Thảo

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên