Dân Trung Quốc mạnh tay cho hàng ngoại trong Tuần lễ vàng
Không thể đi du lịch nước ngoài trong dịp lễ, người Trung Quốc tìm tới các cửa hàng miễn thuế hoặc trang thương mại điện tử dành cho sản phẩm ngoại để đốt tiền.
- 13-10-2020Vốn hóa TTCK Trung Quốc chính thức cán mốc 10 nghìn tỷ USD lần đầu tiên kể từ năm 2015
- 12-10-2020CNN: Cả thế giới vẫn oằn mình chống dịch, Trung Quốc trở thành quốc gia 'thắng đậm' khi chứng kiến đà hồi phục mạnh mẽ
- 12-10-2020Công ty Trung Quốc phá sản vì đăng nhầm giá bán sản phẩm, viết tâm thư năn nỉ khách hủy đơn
- 12-10-2020Covid-19 tái lây nhiễm ở Trung Quốc sau tuần lễ vàng, Ấn Độ vượt 7 triệu ca
- 10-10-2020Trung Quốc phát hành 10 triệu nhân dân tệ điện tử
Từ ngày 1 đến ngày 8/10, doanh số bán hàng miễn thuế ở Hải Nam, Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với năm ngoái lên 1,04 tỷ tệ, tương đương 155 triệu USD. Số lượng khách du lịch đến hòn đảo này cũng tăng hơn 40% lên 146.800 lượt so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, người dân Trung Quốc cũng mạnh tay chi tiêu cho hàng ngoại trên các gian hàng trực tuyến. Tổng doanh số bán hàng trên Tmall Global, nền tảng thương mại điện tử chính của Alibaba dành cho các thương hiệu nước ngoài muốn tiếp cận Trung Quốc, đã tăng 79% trong bảy ngày đầu tiên của tháng so với một năm trước. Tuy nhiên, số tiền cụ thể không được công bố.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết doanh thu trung bình hàng ngày trong lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm và đồ uống đã cao hơn 4,9% so với kỳ nghỉ tuần lễ vàng năm ngoái với tổng doanh thu là 1,6 nghìn tỷ tệ trong giai đoạn từ 1-8/10. Đây là kỳ nghỉ lễ lớn đầu tiên ở Trung Quốc kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng lên ở nước này và lây lan khắp thế giới.
Với những dữ liệu được công bố, người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn có tiền mặt để chi tiêu ngay cả khi quốc gia này vẫn đang phải phục hồi sau những cú sốc kinh tế do dịch bệnh gây ra. Trong nửa đầu năm ngoái, các báo cáo chính thức cho biết du khách Trung Quốc chi 127,5 tỷ USD cho các chuyến du lịch nước ngoài.
Jianguang Shen, chuyên gia kinh tế trưởng tại JD Digits, cho biết: "Phần lớn các du khách Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu, những người ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch hơn so với các nhóm thu nhập thấp. Nhóm này cũng đang chi rất mạnh tay cho các sản phẩm xa xỉ".
Theo ông Shen, nhu cầu nội địa tăng góp phần đẩy giá nhiều sản phẩm. Cụ thể, báo cáo của Trip.com, công ty sở hữu trang đặt phòng trực tuyến Ctrip, cho biết lượng phòng khách sạn trong tháng 10 đã tăng gấp đôi so với 1 tháng trước với lượng phòng 4 và 5 sao chiếm tới 1 nửa. Nhiều người cũng chọn những kỳ nghỉ dài hơn với số người ở 7 ngày liên tiếp trong tuần lễ vàng tăng 70% so với 1 tháng trước.
"Rõ ràng là tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng dịch vụ, đang được phục hồi", Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, cho biết trong một khuyến nghị cuối tuần trước. Ông Hu cũng nhấn mạnh thông điệp từ tuần lễ vàng rất quan trọng bởi sự phục hồi trong những tháng tới cũng cần được thúc đẩy bởi tiêu dùng.
"Sự phục hồi hình chữ V hiện nay chủ yếu được thúc đẩy bởi bất động sản, cơ sở hạ tầng và xuất khẩu, vốn chỉ chiếm 50% nền kinh tế. Chúng có thể sẽ sớm đạt đỉnh hoặc đã đạt đỉnh. Để đà phục hồi tiếp tục, cần có động lực từ nửa còn lại của nền kinh tế, bao gồm tiêu dùng và đầu tư phát triển sản xuất", Hu nhận định.
Trong khi đó, báo cáo từ Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho biết 637 triệu lượt người đi lại trong năm nay và chi tiêu 446,56 tỷ USD trong 8 ngày nghỉ lễ. Nó thấp hơn so với con số 782 triệu lượt đi lại và 649,71 tỷ tệ chi tiêu vào năm 2019. Thậm chí, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm ngoái của Trung Quốc còn ít hơn 1 ngày so với năm nay.
Covid-19 cũng khiến tổng doanh thu năm nay đạt 1,52 nghìn tỷ tệ, giảm 8,5% so với năm 2019. Những người đi săn hàng giá rẻ cũng tăng trong dịp nghỉ lễ trong khi các trang thương mại điện tử thông thường lại có doanh thu giảm nhẹ so với mức trung bình của tháng trước lễ.