MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân văn phòng trần tình khoản chi bỏ ngay sau khi thất nghiệp: Không còn tập gym, cắt hết tiền ăn ngoài, chỉ tiêu 4 triệu đồng/tháng

11-04-2024 - 12:25 PM | Sống

Còn bạn, bạn dự tính sẽ giảm bớt những khoản chi nào nếu rơi vào cảnh thất nghiệp?

Giữa làn sóng bão sa thải, nhiều nhân sự mất đi nguồn thu nhập lớn nhất là lương từ công việc văn phòng. Trong trường hợp này, việc chi tiêu ra sao, cần cắt bỏ những gánh nặng tài chính nào trở thành bài toán nan giải.

Chuyển về quê sinh sống, bỏ luôn chi phí thuê nhà

Trần Hùng (26 tuổi) mới rơi vào bão sa thải từ tháng 11/2023. Trước ngày làm việc cuối cùng 2 tháng, anh chàng nhận thông tin sẽ chấm dứt hợp đồng và đã lên ngay ý định bỏ phòng trọ, chuyển về quê sinh sống một thời gian.

Khi còn ở trọ, Trần Hùng thuê nhà cùng bạn, tốn 5 triệu đồng/tháng đã bao gồm các khoản chi phí. Sau khi chuyển về quê nhà Bắc Ninh, anh chàng chỉ lên Hà Nội để tìm việc và tham gia vài buổi chơi cùng bạn bè.

Trần Hùng chia sẻ: “Mình dự tính sẽ thất nghiệp trong khoảng 5 tháng nên nếu cứ thuê nhà ở Hà Nội sẽ rất lãng phí tiền bạc. Việc di chuyển từ Bắc Ninh lên Hà Nội chỉ mất khoảng 1 tiếng bằng xe máy nên sẽ không quá tốn sức và tiền nong. Thêm vào đó, mình dự tính sẽ tìm một công ty Dược phẩm làm tại quê nhà, nên việc tiếp tục thuê nhà ở Hà Nội sẽ tốn kém vô cùng”.

Dân văn phòng trần tình khoản chi bỏ ngay sau khi thất nghiệp: Không còn tập gym, cắt hết tiền ăn ngoài, chỉ tiêu 4 triệu đồng/tháng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trần Hùng nói thêm, khi chuyển về quê sinh sống, không chỉ chi phí thuê nhà mà anh còn tiết kiệm được nhiều tiền hơn, đơn cử như khoản ăn uống do được bố mẹ phụ, tiền ăn chơi và mua sắm đồ linh tinh do mức giá của Bắc Ninh rẻ hơn so với vùng trung tâm.

“Tuy nhiên, một điều mà các bạn có ý định tạm chuyển về quê sinh sống cần lưu ý là di chuyển đồ đạc. Vì sau nhiều năm sống tại Hà Nội, mình cũng đã có nhiều đồ nên vận chuyển vất vả.

May mắn là mình có thể để tạm đống đồ này tại nhà của người quen tại Hà Nội, trước khi chính thức đưa ra quyết định có quay lại thành phố làm việc hay không”, anh chàng nói thêm.

Không còn ăn ngoài 300 ngàn đồng/bữa, chủ động nấu nướng tại nhà

Trước khi thất nghiệp từ tháng 9/2023, Hồng Anh (28 tuổi, Hà Nội) rất chăm chỉ chi tiền ăn uống bên ngoài. Tất nhiên ăn ngoài thì ngon miệng, nhưng chúng lại tạo thói quen chi tiêu lãng phí và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

“Khi còn công việc, sáng mình nhịn, trưa gọi đồ ăn ở công ty 40-50k đồng/suất, chiều ‘buồn miệng’ thì gọi trà sữa. Tối mình siêng nấu ăn hơn, nhưng nếu không chăm chỉ thì rủ bạn cùng nhà đi ăn ngoài, mỗi bữa cũng tốn 300k đồng. Thói quen ăn uống rất không khoa học. Mình biết nó xấu nhưng bảo bỏ thì không bỏ ngay được.

Sau khi thất nghiệp, mình ở nhà dài ngày. Không muốn hết tiền nên mình hay tìm hiểu cách làm các món và tự nấu nướng. Mình cũng chăm nhận đồ ăn gửi lên từ gia đình, thế là cả tháng tiết kiệm được một khoản. Lâu dần, mình có sở thích vào bếp, cũng như quen ăn các món ít dầu mỡ và có lợi cho sức khỏe hơn”, Hồng Anh chia sẻ.

Dân văn phòng trần tình khoản chi bỏ ngay sau khi thất nghiệp: Không còn tập gym, cắt hết tiền ăn ngoài, chỉ tiêu 4 triệu đồng/tháng- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Hồng Anh cho biết, do mức thu nhập giảm nên cô cũng biết ý thức cắt giảm hầu hết khoản chi tiêu, không riêng tiền ăn uống.

“Mỗi lần có ý định mua sắm món đồ nào đắt tiền hay đi du lịch, mình đều nghĩ rằng khoản chi này có thực sự cần thiết không? Mình còn bao nhiêu tiền trong tài khoản để chạy theo lối sống xa xỉ?

Kết thúc đợt thất nghiệp, mình quay lại thị trường lao động vào giữa tháng 2/2024. Tuy nhiên, quãng thời gian không có nhiều tiền này đã dạy cho mình nhiều bài học tài chính, cần biết tiết kiệm tiền, trân trọng công việc đang có và tính đường dài cho tương lai, đặc biệt khi tuổi 30 sắp cận kề”, cô nàng tâm sự.

Cắt hết tiền cafe, tập gym và mua đồ makeup tốn kém

Còn về phía Phương Chi (27 tuổi, TP.HCM) trong gần 5 tháng nghỉ việc đã cố gắng “nói không” với tiền cafe và giảm hầu hết những khoản mua sắm mới tốn kém. Trước đó, cô nàng vừa đi làm vừa chịu khó tập thể dục ở trung tâm. Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận thấy cần giảm bớt những chi tiêu xa xỉ để không ảnh hưởng ngân sách cá nhân.

“Ai cũng có cách riêng để đạt được sự an tâm khi không còn công việc, và với mình, giảm hoàn toàn chi tiêu lãng phí là cách tốt nhất. Đỉnh điểm khi thất nghiệp là mình chỉ tiêu 2 triệu đồng/tháng. Mình không cần đóng tiền nhà do vẫn ở cùng bố mẹ. Cũng vì thế, mình chỉ tốn kém tiền mua thực phẩm, đồ skincare thông thường (chứ không phải đồ makeup), thỉnh thoảng đi uống nước cùng bạn bè”, Phương Chi cho biết.

Dân văn phòng trần tình khoản chi bỏ ngay sau khi thất nghiệp: Không còn tập gym, cắt hết tiền ăn ngoài, chỉ tiêu 4 triệu đồng/tháng- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Cô nàng cũng nói thêm, bản thân đã có quỹ dự phòng là hơn 1 năm tiền lương. Tuy nhiên, cô không muốn động vào món tiền này. Đồng thời, Phương Chi cũng không muốn lấy lý do “mình cần bù đắp cho chuỗi ngày đi làm vất vả” mà tiêu xài hoang phí.

“Mình hiểu bản thân chỉ đang thất nghiệp tạm thời. Khi đi làm lại, mình vẫn cần tiền để lo toan cho các nhu cầu cuộc sống khác. Giữa thời điểm kinh tế còn khó khăn, mình vẫn cố gắng cầm chừng các khoản chi tiêu, mỗi tháng chỉ tiêu đúng 4 triệu đồng đổ lại.

Nhiều lúc mình cũng muốn mua đồ mới, chẳng hạn quần áo, túi xách hay đồ mỹ phẩm. Tuy nhiên, mình sẽ cho chúng vào danh sách những món đồ sẽ mua sau khi đi làm lại, ở thời điểm mà bản thân có dư dả tài chính hơn, tiêu tiền mà không cần đắn đo, suy tính quá nhiều”, Phương Chi bày tỏ.

PV

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên