MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đăng ký cả năm mới cho chuyển mục đích sử dụng đất

09-07-2018 - 09:08 AM | Bất động sản

Người dân đặt vấn đề liệu định mức đất được chuyển mục đích từng năm của quận/huyện có lọt vào tay “cò đất” do biết trước thông tin nên đăng ký hết.

Nhiều người dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) đang rất bức xúc trước quy định phải đăng ký để có tên trong danh sách và trong hạn mức từng năm của quận/huyện thì mới được chuyển mục đích SDĐ. Ai không biết, không đăng ký hoặc chậm chân nên hết hạn mức thì phải chờ năm sau xem xét.

Xin làm vườn cũng phải chờ năm sau xét

Ông Lâm Văn Ngọc có mảnh đất vườn tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức theo quy hoạch là đất ở. Mới đây, có nhu cầu xây nhà nên ông định chuyển mục đích SDĐ. Thế nhưng ông được thông báo phải về phường xin đăng ký chuyển mục đích SDĐ. Tuy nhiên, hồ sơ cũng sẽ không được giải quyết ngay mà phải chờ năm sau do phường phải tập hợp danh sách cho quận để trình TP phê duyệt. Trường hợp ông Đào Minh Đức ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức càng “nghiệt” hơn. Ông Đức có gần 1.000 m2 đất nông nghiệp với mục đích là đất lúa nhưng lâu nay quận này không còn trồng lúa nên ông Đức xin chuyển qua đất vườn để trồng mai. “Tôi cũng được hướng dẫn về phường đăng ký và chờ qua năm sau xem xét. Mà phải chờ đến tháng 9 thì phường mới nhận” - ông kể.

Ông Ngọc cho hay ông rất bất ngờ trước yêu cầu trên. “Mấy năm trước, khi nào có nhu cầu thì nộp hồ sơ và được giải quyết vì đất phù hợp quy hoạch, không có vụ đăng ký trước một năm chờ xem xét” - ông nói. Điều đáng nói nữa là ông được cho hay các quận/huyện có một định mức được chuyển mục đích đất từng năm. “Liệu định mức này có lọt hết vào tay “cò đất” có mối quan hệ quen biết với quận/huyện nên đã đăng ký hết suất?” - ông đặt vấn đề.

Không chỉ quận Thủ Đức, qua tìm hiểu, nhiều quận/huyện tại TP như Hóc Môn, quận 7, Bình Chánh… đều yêu cầu người SDĐ phải đăng ký nhu cầu chuyển mục đích để quận tổng hợp và trình TP duyệt kế hoạch SDĐ hằng năm mới được chuyển mục đích SDĐ. Thông thường, kế hoạch SDĐ hằng năm sẽ được phê duyệt vào quý I của năm.

Đăng ký cả năm mới cho chuyển mục đích sử dụng đất - Ảnh 1.

Đất nông nghiệp phải đăng ký trước một năm mới được chuyển mục đích sử dụng đất. Trong ảnh: Làm thủ tục đất đai tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD

Bị Bộ TN&MT thổi còi nên phải làm theo quy định

Được biết yêu cầu phải đăng ký mới được chuyển mục đích SDĐ triển khai từ khi có hướng dẫn 5312 ngày 5-6-2016 do giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng ký. Ông Thắng cho hay có nhiều phản ánh của người dân và các quận/huyện về vướng mắc trong chuyển mục đích SDĐ. Sở yêu cầu “thực hiện đúng quy định tại Điều 52 Luật Đất đai”. Theo Điều 52, căn cứ để giải quyết chuyển mục đích là kế hoạch SDĐ hằng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu SDĐ “thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích SDĐ”. Do đó, người dân phải đăng ký trước nhu cầu chuyển mục đích SDĐ cho phường và quận tổng hợp, trình TP ban hành kế hoạch SDĐ cho từng năm. “Ai có tên trong danh sách đã đăng ký và trong kế hoạch SDĐ được duyệt của quận/huyện thì mới được giải quyết. Còn phát sinh mới phải dời qua năm sau” - trưởng Phòng TN&MT một quận giải thích.

Về định mức đất được chuyển mục đích hằng năm của các quận/huyện, vị này xác nhận là có. Theo ông, định mức trên (gọi là kế hoạch SDĐ hằng năm) được tính toán phân bổ trên cơ sở kế hoạch SDĐ năm năm của quận/huyện đã phê duyệt trước đó. “Ai đăng ký trước sẽ được giải quyết và hết định mức thì phải dừng, chuyển qua năm kế tiếp” - ông nhìn nhận. Theo ông, không thể cấm cản hay phân biệt người dân có đất nhỏ hay “cò đất”, chủ khu đất lớn đăng ký “vì đều là người SDĐ, có quyền như nhau”. Ông cho hay quận đã phổ biến đến từng khu phố để dân đăng ký. “Nhưng người dân vẫn chưa hiểu nhiều; hoặc đất trống nên họ không ở đó và không đăng ký, đến khi có nhu cầu thì chịu chết” - ông bày tỏ. Theo ông, người dân cứ đến phường đăng ký xin chuyển mục đích sẵn dù có nhu cầu hay chưa. “Nếu đăng ký mà không chuyển mục đích thì không sao nhưng không đăng ký mà cần đột xuất thì sẽ khó” - ông khuyên.

Giải thích thêm, phó chủ tịch UBND một quận cho hay trước đây khi nào dân nộp hồ sơ thì quận sẽ giải quyết, căn cứ vào quy hoạch. “Tuy nhiên, cách đây khoảng hai năm, Bộ TN&MT thanh tra và thổi còi hàng loạt quận/huyện vì không làm đúng Điều 52 Luật Đất đai. Từ đó các quận/huyện đều áp dụng quy định người dân phải đăng ký để quận đưa vào kế hoạch SDĐ hằng năm và trình TP phê duyệt” - ông kể. Theo ông, quy định này rất bất cập, cứng nhắc và hình thức. “Đất đã phù hợp quy hoạch thì phải được giải quyết theo nhu cầu của người dân, cớ gì phải đăng ký trước và chia định mức từng năm. Dân bức xúc lắm nhưng chúng tôi phải làm theo quy định” - ông bày tỏ.

Phường cho đăng ký, không chờ đến tháng 9

Về phản ánh của người dân phải chờ đến tháng 9 mới được đăng ký chuyển mục đích SDĐ, Chủ tịch UBND phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, ông Trần Duy Long, cho hay do đã qua đợt nên phải chờ thông báo của quận Thủ Đức thì mới tiến hành đợt đăng ký mới. "Tuy nhiên, quan điểm của tôi là người dân có nhu cầu thì được đăng ký, phường sẽ tự tổng hợp gửi quận. Nhờ nhà báo thông tin cho người dân giùm cứ đến đăng ký, phường sẽ nhận" - ông cho hay. Ông Long cho hay quy định đăng ký nhu cầu chuyển mục đích SDĐ đã được triển khai gần hai năm nay. "Phường đã phổ biến nội dung trên gần hai năm nay, xuống từng tổ dân phố để người dân nắm" - ông nói thêm.


Theo Cẩm Tú

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên