Đang là khách quen của hãng hàng không, người phụ nữ bỗng nhiên bị cấm bay, phạt tiền dù cô là nạn nhân của lừa đảo: Cách hành xử của hãng bay bị lên án dữ dội
Một phụ nữ Trung Quốc đã bị lừa đảo khi mua vé máy bay trực tuyến mà không hề hay biết. Cô này sau đó bị Air Canada phạt một khoản tiền lớn và bị đưa vào "danh sách cấm bay".
Theo CBC News, cô Qian, người Thượng Hải đã đến Toronto du học cách đây hai năm. Một ngày, cô đã "săn" vé máy bay giá rẻ trên WeChat để thăm chị gái ở Vancouver và bố mẹ ở quê nhà. Cô tìm thấy một người bán có tên người dùng "Captain Cool", người được cho là có thể mua vé "Giảm giá cho nhân viên Air Canada".
Cô Qian cho biết, cô không nhận ra rằng người bán vé cho cô là một kẻ lừa đảo, sử dụng thẻ tín dụng ăn cắp để đặt vé cho những khách hàng cả tin, sau đó bỏ túi số tiền mà người dùng đã trả tiền mua vé.
Trong gần một năm rưỡi, cô Qian đã bay 3 chuyến bay của Air Canada mà không gặp vấn đề gì, và cô trở thành khách hàng thường xuyên của hãng hàng không này. Nhưng sau đó, khi cô Qian đến Sân bay Pearson của Toronto cho chuyến bay thứ tư, cô đã bị từ chối lên máy bay và được thông báo rằng cô nằm trong danh sách “cấm bay” của Air Canada.
"Tôi rất sốc vì sao mình lại nằm trong danh sách cấm bay... Tôi rất lo lắng", cô nhớ lại.
Khi cô Qian liên lạc với "Captain Cool" trên mạng và yêu cầu hoàn lại tiền, bên kia đã chặn cô rồi biến mất. Qian cho biết cô đã liên hệ với cảnh sát Toronto sau đó để cố gắng tìm ra kẻ lừa đảo.
Cá nhân Qian thiệt hại nặng nề nhưng Air Canada vẫn khẳng định cô nợ Air Canada 18.683,66 đô la Canada, vì đã bay với hành vi "lừa đảo", dù hãng hàng không lớn nhất Canada này không phát hiện kịp thời.
Trong thư gửi Qian, hãng hàng không yêu cầu Qian thanh toán toàn bộ số tiền trong vòng 45 ngày. Số tiền này gần gấp đôi con số mà cô Qian đã trả cho kẻ lừa đảo. Cô Qian cho biết không thể trả các khoản phí mà Air Canada yêu cầu.
Cô Qian cho rằng yêu cầu của Air Canada là “bắt nạt”. Những người ủng hộ quyền hành khách hàng không cho rằng hành động của Air Canada là vô lý và lệnh cấm cô Qian sử dụng máy bay nằm ngoài thẩm quyền của một hãng hàng không thông thường như Air Canada.
Một người bạn của Qian đã giúp cô thuê luật sư. Luật sư nói thẳng: "Điều này thật không công bằng và vô lý. Họ không có lý do gì để làm điều này...Air Canada không nên nhắm mục tiêu vào những người tiêu dùng vô tội".
Luật sư cũng đặt câu hỏi tại sao Air Canada lại không nhận diện được vấn đề này sớm hơn, mà lại cho rằng sự chậm trễ là do "nhầm lẫn".
"Air Canada phải mất hơn một năm mới phát hiện ra hành vi gian lận này, vậy làm sao họ có thể mong đợi khách hàng nhận ra?" - luật sư nói.
Luật sư của cô Qian cho biết Air Canada không có quyền đưa cô vào danh sách "cấm bay". Nhưng hãng này không chịu thay đổi quyết định. Trong một email, đại diện pháp lý của Air Canada đã từ chối yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm với cô Qian và cáo buộc cô mua vé từ một người bán “chưa được xác minh”, Air Canada cho biết.
Air Canada từ chối hòa giải và tranh chấp sẽ được Cơ quan Vận tải Canada giải quyết thông qua trọng tài.
CBC News đã liên hệ với người phát ngôn của Air Canada nhưng ông này từ chối bình luận về vụ việc.
Cô Qian cho biết cô cảm thấy tổn thương gấp bội, khi Air Canada yêu cầu cô trả lại tiền vé máy bay. "Tôi cảm thấy cuộc sống thật vô vọng. Tôi ở nhà và không biết phải giải quyết vấn đề này như thế nào. Tôi bắt đầu khóc. Bây giờ tôi không còn tin ai nữa", cô nói.
Nhiều cư dân mạng lên án hành vi vô trách nhiệm của Air Canada: "Nếu cô ấy biết đây là giao dịch lừa đảo thì cô ấy đã bị bắt từ vài tuần trước. Nhưng cô ấy không làm vậy. Air Canada đã xử lý thật tệ. Họ chẳng làm gì ngoài việc buộc tội mà không có lý do. Đã đến lúc phải chịu trách nhiệm về sự kém cỏi của mình, Air Canada".
Nhịp sống thị trường