MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đảng Lao động Anh trở lại cầm quyền

06-07-2024 - 07:23 AM | Tài chính quốc tế

Người dân kỳ vọng chính phủ mới của Đảng Lao động sẽ hồi sinh nền kinh tế và cải thiện chất lượng dịch vụ công

Đảng Lao động đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện Anh hôm 4-7, qua đó chấm dứt 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ. Theo trang The Guardian, Đảng Lao động giành ít nhất 412/650 ghế tại hạ viện trong khi con số này của Đảng Bảo thủ là 121 ghế.

Trong bài phát biểu chiến thắng hôm 5-7, ông Keir Starmer, lãnh đạo Đảng Lao động và là người trở thành thủ tướng mới, hứa hẹn khởi động một kỷ nguyên "đổi mới quốc gia". "Sự thay đổi bắt đầu từ bây giờ... Hôm nay, chúng ta bắt đầu chương tiếp theo, bắt đầu công việc thay đổi, sứ mệnh đổi mới quốc gia và bắt đầu tái thiết đất nước của chúng ta" - ông Starmer khẳng định.

Theo đài Al Jazeera, cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh bất mãn lan rộng về tình trạng kinh tế và dịch vụ công dưới thời Đảng Bảo thủ.

Vì thế, việc đảng này có kết quả bầu cử tồi tệ nhất trong lịch sử là điều không bất ngờ khi cử tri trừng phạt họ vì cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, dịch vụ công kém hiệu quả và một loạt vụ bê bối. Ở chiều ngược lại, theo đài CNN, cử tri Anh lựa chọn Đảng Lao động với kỳ vọng chính phủ trung tả sắp tới sẽ hồi sinh nền kinh tế và cải thiện chất lượng dịch vụ công. Đây là nhiệm vụ không dễ, nhất là vẫn còn nhiều thách thức chờ chính phủ mới: tiêu chuẩn sống giảm, cơ sở hạ tầng xuống cấp, nhà ở luôn thiếu hụt, người vô gia cư ngày một nhiều, dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) gặp khủng hoảng với số lượng người chờ khám chữa bệnh gia tăng, làn sóng nhập cư tăng mạnh... Chưa hết, trong khoảng 42,4 triệu người trong độ tuổi lao động (16 - 64 tuổi), hơn 2,8 triệu người thất nghiệp vì bệnh mạn tính.

Tân Thủ tướng Keir Starmer tại thủ đô London - Anh hôm 5-7Ảnh: Reuters

Tân Thủ tướng Keir Starmer tại thủ đô London - Anh hôm 5-7Ảnh: Reuters

Một ưu tiên hàng đầu của Đảng Lao động là thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại thông qua đầu tư công cao hơn, một chiến lược công nghiệp mới và các cải cách chính sách. Đảng này cũng cam kết giảm nợ công cao dù bỏ qua các lựa chọn khó khăn nhưng cần thiết về thuế và chi tiêu để đạt được mục tiêu này. Theo đài CNN, chính phủ mới có thể đang hy vọng tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh hơn dự báo, từ đó giúp đạt được cả 2 mục tiêu nói trên.

Dù vậy, đã xuất hiện nỗi lo chính phủ sắp tới sẽ khó thực hiện các chính sách táo bạo giữa lúc đất nước hứng chịu gánh nặng nợ và thuế cao nhất trong nhiều thập kỷ. Một rào cản nổi bật nữa là tăng trưởng kinh tế đang ở mức thấp. Trong bài phát biểu nói trên, bản thân ông Starmer cũng thừa nhận nhiệm vụ phía trước sẽ không dễ dàng gì. "Thay đổi một quốc gia không giống như bật công tắc. Đó là công việc khó khăn. Kiên nhẫn, quyết tâm, làm việc và chúng ta sẽ phải hành động ngay lập tức" - ông nhận định.

Trước mắt, ông Starmer phải từ bỏ mục tiêu chi đến 28 tỉ bảng Anh/năm cho các ngành công nghiệp xanh. Ngoài ra, nhà lãnh đạo này còn chịu nhiều sức ép về giải pháp ngăn dòng người vượt biên trái phép vào Anh qua eo biển Manche sau khi cam kết hủy bỏ chính sách đưa người xin tị nạn đến Rwanda của Đảng Bảo thủ. 

Chân dung tân thủ tướng

Đà thăng tiến của ông Keir Starmer, 61 tuổi, được đánh giá là nhanh chóng kể từ khi ông được bầu vào Quốc hội Anh gần 1 thập kỷ trước. Lãnh đạo của Đảng Lao động sinh ra ở London. Cha ông là thợ cơ khí, mẹ làm y tá. Ông Starmer tự nhận mình xuất thân khiêm tốn song xem đó là điểm kết nối với người dân nói chung. Là người đầu tiên trong gia đình học đại học, ông học luật ở Trường ĐH Leeds, sau đó học thêm ở Trường ĐH Oxford rồi trở thành luật sư vào năm 1987. Ông từng đảm nhận nhiều vụ kiện cấp cao nhằm vào các công ty lớn như Shell, McDonald's...

Ông có thời gian làm cố vấn nhân quyền dưới thời Thủ tướng Tony Blair. Năm 2008, ông trở thành giám đốc Cơ quan Công tố Anh. Năm 2014, ông được phong tước hiệp sĩ vì sự phục vụ trong lĩnh vực tư pháp hình sự và 1 năm sau, ông được bầu vào quốc hội, phụ trách lĩnh vực nhập cư và vấn đề Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) của phe đối lập.

Năm 2020, ông Starmer trở thành lãnh đạo Đảng Lao động và kích hoạt một cuộc cải cách lớn trong nội bộ đảng. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông vạch ra các biện pháp chi tiêu nhằm thành lập một công ty năng lượng nhà nước mới, cải thiện lĩnh vực khám chữa bệnh, xây thêm nhà ở và tái quốc hữu hóa dịch vụ đường sắt. Dù vậy, ông vẫn khẳng định sự ủng hộ đối với các doanh nghiệp. "Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội phải đi đôi với nhau" - nhà lãnh đạo mới của nước Anh nhấn mạnh.

Đảng Lao động cũng vạch ra 5 sứ mệnh dài hạn một khi lên nắm quyền, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư vào năng lượng xanh, cải cách y tế công, tăng độ an toàn cho đường phố và tạo "cơ hội". Từng bỏ phiếu "ở lại" trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, ông Starmer cam kết cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu nhưng khẳng định sẽ không có chuyện Anh tái gia nhập khối này.

Dù vẫn còn gây nhiều tranh cãi về mặt đường lối nhưng theo những người ủng hộ, ông là nhân vật trung lập có thể đem lại sự ổn định cho chính trường Anh vốn trải qua nhiều thăng trầm những năm gần đây.

Hải Ngọc


Theo Hoàng Phương

Người Lao Động

Trở lên trên