MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau cái chết của nhà báo Ả Rập Saudi: Cuộc gọi Skype "tử thần"

28-10-2018 - 07:38 AM | Tài chính quốc tế

Qahtani, cố vấn cấp cao của Thái tử Ả Rập Saudi, là một trong những nhân vật đã "ngã ngựa" giữa lúc Riyadh tìm cách xoa dịu sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.

Qahtani quản lý mạng xã hội cho Thái tử Mohammed bin Salman (MBS). Ông ta làm "quân sư" các vụ bắt bớ hàng trăm người trong giới tinh hoa Ả Rập Saudi.

"Mang đầu về cho tôi"

Theo hai nguồn tin ngoại giao Ả Rập Saudi, Qahtani đạo diễn vụ thủ tiêu nhà báo Khashoggi tại Lãnh sự quán (LSQ) Ả Rập Saudi ở Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) hôm 2-10 bằng cách ra lệnh qua Skype.

Nguồn tin an ninh TNK cho hay khi Khashoggi vào LSQ để hoàn tất thủ tục kết hôn, ông đã lập tức bị đội đặc vụ Ả Rập Saudi 15 người bắt giữ. Nguồn tin cấp cao với khả năng tiếp cận tình báo và có mối liên hệ với hoàng gia Ả Rập Saudi tiết lộ Qahtani được kết nối đến một căn phòng tại LSQ thông qua Skype.

Ông ta bắt đầu nhục mạ nhà báo chống đối Riyadh qua điện thoại. Khashoggi đã dùng lý lẽ cự lại. Thế nhưng, nhà báo 59 tuổi này không phải là đối thủ của đội sát thủ, bao gồm những đặc vụ an ninh và tình báo hàng đầu Ả Rập Saudi.

Trong khi đó, một nguồn tin tình báo TNK rò rỉ cho biết Qahtani đã yêu cầu nhóm đặc vụ thủ tiêu nhà báo Khashoggi. "Mang đầu con chó đó về cho tôi"- nguồn tin này thuật lại chỉ thị rợn người của Qahtani qua Skype.

Hiện chưa rõ ông ta có theo dõi toàn bộ quá trình xảy ra vụ việc mà nguồn tin cấp cao nêu trên mô tả là "hành động cẩu thả và vụng về" này hay không. Các nguồn tin Ả Rập Saudi và nguồn tin tình báo TNK cho biết băng ghi âm những trao đổi qua Skype hiện nằm trong tay Tổng thống TNK Tayyip Erdogan và nhà lãnh đạo này từ chối cung cấp nó cho phía Mỹ.

Ít nhất 3 người bạn của Khashoggi nói với Reuters rằng sau khi nhà báo này sang Mỹ lưu vong năm ngoái, ông đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ Qahtani thúc giục về nước. Khashoggi do dự và lo sợ bị trả thù vì các bài viết thẳng tay chỉ trích chính quyền Ả Rập Saudi của ông trên báo Washington Post. Và cuộc phục kích ở Istanbul dường như là một cách để đưa nhà báo này về nước.

Đằng sau cái chết của nhà báo Ả Rập Saudi: Cuộc gọi Skype tử thần - Ảnh 1.

Ông Saud al-Qahtani (trái) và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman. Ảnh: YOUTUBE

Cánh tay phải của thái tử

Hôm 20-10, truyền thông nhà nước Ả Rập Saudi cho hay Vua Salman đã cách chức Qahtani và 4 quan chức khác vì vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Được xem là cánh tay phải của Thái tử MBS, ảnh hưởng của Qahtani lớn mạnh chóng mặt trong 3 năm qua, cùng nhịp với người sẽ thừa kế ngai vàng mới 33 tuổi. Theo Reuters, một nguồn tin thân cận với hoàng gia Ả Rập Saudi nói rằng nhằm ngăn ngừa hậu quả của vụ sát hại nhà báo Khashoggi, MBS đã để Qahtani nhận hình phạt. Một quan chức cấp cao khác cho biết Qahtani bị bắt giam sau khi bị cách chức. Tuy nhiên, những nguồn tin có liên hệ với hoàng gia tin rằng gã quân sư 40 tuổi này không bị bắt.

Tại Ả Rập Saudi, Qahtani nổi tiếng vì sự quyết liệt thực thi những ý tưởng mới của hoàng gia cũng như toàn tâm toàn ý với chủ nghĩa dân tộc. Trên các blog và mạng xã hội, một số nhà báo và nhà hoạt động theo đường lối tự do gọi ông ta là "bộ trưởng đánh lạc hướng thông tin" hay "Steve Bannon của Ả Rập Saudi" vì sự hung hăng với giới truyền thông cũng như việc ông ta đứng sau nhiều chiến lược.

Trên Twitter, Qahtani từng viết thơ ca ngợi hoàng gia với bút danh "Dari" - một động vật ăn thịt trong tiếng Ả Rập Saudi. Một số đối thủ trên mạng xã hội gọi ông ta là "Dalim" - một nhân vật trong văn hóa dân gian Ả Rập Saudi, người leo lên các vị trí cao từ thân phận đầy tớ thấp kém.

Tự giới thiệu trên Twitter, Qahtani cho biết ông ta từng học luật và trở thành chỉ huy lực lượng không quân Ả Rập Saudi. Sau khi tung ra một trang blog, Qahtani lọt vào mắt Khaled al-Tuwaijri - cựu quan chức điều hành hoạt động của hoàng gia, người đã thuê ông ta vào đầu những năm 2000 để quản lý một đội quân truyền thông điện tử chuyên bảo vệ hình ảnh Ả Rập Saudi. Ảnh hưởng của Qahtani càng nổi bật hơn từ khi theo MBS vào năm 2015.

Với nhiệm vụ chống lại ảnh hưởng của Qatar trên mạng xã hội, Qahtani đã dùng Twitter để tấn công các ý kiến chỉ trích nhằm vào hoàng gia nói chung và Thái tử MBS nói riêng. Ông ta cũng điều hành một nhóm trên WhatsApp, bao gồm các biên tập viên báo địa phương và các nhà báo nổi tiếng, áp đặt quan điểm của hoàng gia với truyền thông. Khi Riyadh dẫn đầu chiến dịch tẩy chay kinh tế chống lại Qatar vào tháng 6-2017, Qahtani tăng cường công kích đất nước láng giềng nhỏ bé ở vùng Vịnh này.

Cuối năm ngoái, khi 200 người - bao gồm các hoàng tử Ả Rập Saudi, bộ trưởng và doanh nhân tiếng tăm - bị bắt và bị quản thúc trong cuộc truy quét chống tham nhũng, Qahtani giữ trọng trách giám sát nhiều cuộc thẩm vấn.

Vụ bắt cóc động trời

Tầm vóc quyền lực của Qahtani có lẽ được minh họa rõ nhất với vụ bắt cóc Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri năm 2017 - theo một số nguồn tin ngoại giao.

Chính quyền Ả Rập Saudi lúc đó nổi giận với sự bất lực của ông Hariri, một người Hồi giáo Sunni, trong việc chống lại các đối thủ trong khu vực (theo dòng Shi’ite) là Iran và Hezbollah. Riyadh tá hỏa vì ông Hariri đã không chuyển thông điệp của Ả Rập Saudi đến một cố vấn hàng đầu của lãnh tụ tối cao Iran để ngăn chặn can thiệp vào Lebanon và Yemen. Ông Hariri khẳng định đã chuyển thông điệp của Ả Rập Saudi. Song, một "tay trong" do Qahtani cài cắm vào đội ngũ của ông Hariri đã cung cấp cho Riyadh biên bản cuộc họp cho thấy thủ tướng Lebanon không làm như vậy.

Ả Rập Saudi hẹn ông Hariri đến Riyadh để gặp MBS. Thế nhưng, khi ông đến vào ngày 3-11-2017, không có MBS hay quan chức Ả Rập Saudi nào ra đón như thông lệ. Sau đó, ông Hariri nhận được một cuộc gọi thông báo cuộc gặp thái tử sẽ diễn ra vào hôm sau tại một tòa nhà của hoàng gia. Khi tới nơi, ông được dẫn vào một căn phòng và Qahtani đang đợi sẵn cùng một đội an ninh. Đội an ninh đã đánh ông Hariri, còn Qahtani thì nguyền rủa và sau đó buộc ông Hariri từ chức thủ tướng trong một tuyên bố phát trên kênh truyền hình của Ả Rập Saudi (về sau đã bị hủy bỏ).

Vụ bắt cóc đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Sự can thiệp của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau đó đã giúp ông Hariri được thả - theo xác nhận của giới chức Lebanon.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-10

Kỳ tới: Vết rạn trăm năm

Theo Đỗ Quyên

NLĐ

Trở lên trên