Đằng sau câu chuyện “tranh giành ghế” vào HĐQT Eximbank: Ẩn số công ty Âu Lạc
Chỉ còn ít ngày nữa (24/05), Eximbank sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2016 lần 2, trong khi đó một số cổ đông sáng lập đã về hưu cho hay hiện có một số nhóm cổ đông tiến hành mua phiếu bầu đại hội bằng nhiều cách từ thuyết phục đến hăm dọa. Trước sự việc này, đại diện Eximbank cho biết sẽ nhờ đến cơ quan pháp luật giám sát.
Sau khi Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank - mã: EIB) lần 1 bất thành, câu chuyện “tranh giành ghế” vào Hội đồng quản trị (HĐQT) của nhóm cổ đông lan ra khắp nơi.
Nhờ cơ quan pháp luật giám sát
Ông Lê Minh Quốc – Chủ Tịch HĐQT Eximbank cho biết vào giữa tháng 3/2016, nhóm cổ đông do bà Nguyễn Thị Xuân Loan, nguyên là Chủ Tịch HĐQT ngân hàng Nam Á, làm đại diện vốn cho anh trai Nguyễn Quốc Toàn, hiện đang là Chủ tịch ngân hàng Nam Á, làm đại diện gửi thư đến Eximbank đề nghị bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT.
Mặc dù thời điểm đó bà Nguyễn Thị Xuân Loan chưa hoàn tất hồ sơ chứng minh là cổ đông của Eximbank nắm giữ liên tục cổ phần ít nhất 6 tháng, chiếm tỷ lệ trên 10% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết, HĐQT vẫn tổ chức họp.
"HĐQT đã cân nhắc kỹ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố cấp bách của việc cần tập trung vào tái cấu trúc Eximbank. HĐQT mới vừa được bầu cách đây hơn 4 tháng, có rất nhiều việc tồn đọng cũ của nhiệm kỳ trước cần giải quyết. Đến cuối tháng 4, nhóm cổ đông do bà Nguyễn Thị Xuân Loan làm đại diện mới hoàn tất thủ tục pháp lý để thực hiện quyền đại diện cho nhóm cổ đông", lãnh đạo Eximbank cho biết.
Ông Quốc cho biết thêm tại Quy chế đề cử, ứng cử và bầu thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ 6 có nêu: “Ngân hàng sẽ tiến hành bầu bổ sung cho đủ số lượng thành viên HĐQT tại ĐHĐCĐ gần nhất”, thế nhưng trong Nghị quyết ĐHĐCĐ không có yêu cầu “tiến hành bầu bổ sung cho đủ số lượng thành viên HĐQT tại ĐHĐCĐ gần nhất”.
"Đây là yếu tố không rõ ràng do đó HĐQT xem xét đánh giá lại thực tế để xin các cổ đông điều chỉnh thành viên tại ĐHĐCĐ tới. HĐQT có thể bị coi là sai nếu không thực thi và không xin ý kiến điều chỉnh của tất cả các cổ đông về một vấn đề đã được ĐHĐCĐ thông qua
Để dung hòa trách nhiệm giữa HĐQT cũ và HĐQT nhiệm kỳ mới, yêu cầu của nhóm cổ đông, HĐQT mới đã đưa vào chương trình nghị sự của ĐHĐCĐ về việc bầu bổ sung thành viên theo đề nghị của 2 nhóm cổ đông. Chúng tôi đưa vấn đề này ra ĐHĐCĐ quyết định thì sao gọi là đi ngược lại Nghị quyết. Bên cạnh đó, những điều nêu trên cũng đã được chúng tôi báo cáo cho NHNN vào 27/4/2016.
Tôi khẳng định, HĐQT luôn tôn trọng các ý kiến của tất cả các cổ đông, không phân biệt cổ đông lớn hay nhỏ. Hơn nữa, việc bầu thêm thành viên HĐQT cần phải đúng trình tự pháp luật", vị chủ tịch Eximbank chia sẻ.
Trong khi đó, có một thông tin đồn thổi là hiện nay đang có “nhóm” cổ đông tranh thủ ngấm ngầm “mua” phiếu bầu, nhằm “giành” lợi thế trong ĐHCĐ sắp tới, lãnh đạo Eximbank cho rằng nếu có “việc mua” đó thì nó thuộc vào quyền của cơ quan pháp luật phân xử, chúng tôi không làm việc của cơ quan chức năng.
"Tôi tin cơ quan chức năng sẽ vào cuộc và tiến hành điều tra", ông Quốc nêu ý kiến.
Công ty Âu Lạc đóng vai trò gì?
HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015-2020) hiện tại có đến 2 người đến từ Công ty Âu Lạc gồm ông Lê Minh Quốc và ông Ngô Thanh Tùng. Trong đó, ông Lê Minh Quốc đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT. Chính vì vậy, một luồng dư luận đang cho rằng HĐQT Eximbank “ngăn cản” không muốn tăng thêm thành viên để hỗ trợ công ty “sân sau” của mình - Công ty Âu Lạc.
Công ty Âu Lạc được thành lập từ ngày 4/9/2002 với các hoạt động chính là kinh doanh vận tải nhiên liệu đường thủy nội địa, ven biển và viễn dương; dịch vụ hàng hải - kinh doanh vận tải biển, đại lý tàu biển, dịch vụ đại lý vận tải biển, hoạt động của các đại lý làm thủ tục hải quan và các hoạt động khác có liên quan.
Công ty Âu Lạc không có một cổ phiếu nào của Eximbank và Eximbank không có sở hữu một cổ phần nào của Âu Lạc.
Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết trước đây, Công ty Âu Lạc là khách hàng của Eximbank, nhưng từ tháng 1/2016 đến nay, Công ty Âu Lạc đã hoàn trả toàn bộ các khoản vay cho Eximbank. Công ty Âu Lạc hoạt động có lãi và hiện được nhiều ngân hàng “trải thảm” mời chào làm khách hàng. Việc quy chụp Công ty Âu Lạc là “sân sau” của Eximbank là không có căn cứ.
Còn đối với dự án Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Q.1, HĐQT cũng có một tờ trình báo cáo cổ đông phương án tiếp tục triển khai thực hiện. Dự án này bắt đầu từ tháng 4/2011 và đến ngày 5/2015 tạm dừng với thiệt hại kinh tế rất lớn.
Theo thông tin từ phía ngân hàng cho biết hiện giờ, dự án này chưa có giấy phép xây dựng hơn nữa muốn làm gì sắp tới, HĐQT cũng phải theo đúng quy trình, cần được sự giám sát chặt chẽ của BKS, cổ đông chứ không thể tự ý quyết để làm “sân sau”.
Trí Thức Trẻ