MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau chiến lược "bán như cho" smartphone quốc dân 4G

Đằng sau chiến lược "bán như cho" smartphone quốc dân 4G

Trên mỗi chiếc smartphone quốc dân 4G được bán ra, Viettel phải bù lỗ. Công ty này còn phối hợp với nhà sản xuất Vinsmart và nhà phát triển ứng dụng cùng trợ giá để khi đến tay người dùng giá chỉ còn 600.000 đồng (giá gốc 1,5 triệu đồng).

Dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đã phát triển mạnh trong thập kỷ qua, song thị trường viễn thông truyền thống những năm gần đây đã trở nên bão hòa. Báo cáo của Business Monitor International khẳng định, cạnh tranh giữa các nhà mạng và sự thống trị của hình thức thuê bao trả trước sẽ tiếp tục kéo ARPU của viễn thông Việt Nam xuống mức thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương.

Doanh thu viễn thông truyền thống (thoại, SMS) tại Việt Nam cũng đang liên tục đi xuống. Theo số liệu từ Cục Viễn thông, từ mức chiếm 41% vào năm 2014, doanh thu thoại và SMS chỉ còn chiếm 28,5% vào năm 2019, phần còn lại thuộc về Internet cố định, data di động, điện toán đám mây và các dịch vụ khác.

Trong khi doanh thu truyền thống sụt giảm, doanh thu từ data của các nhà mạng cũng đang tăng trưởng dưới kỳ vọng do cạnh tranh hạ giá thành. Tính riêng trong cơ cấu doanh thu dịch vụ di động tại thị trường Việt Nam, dịch vụ thoại và tin nhắn chiếm 76,6%, còn doanh thu từ data chỉ đạt 23,4%, thấp hơn mức trung bình thế giới, hiện là hơn 43%.

Theo đánh giá của Brand Finance, các thương hiệu viễn thông lớn của thế giới đang chịu sức ép vì sự tăng trưởng của OTT ảnh hưởng đến doanh thu thoại và tin nhắn. Bên cạnh đó, các công ty công nghệ mới đang cung cấp dịch vụ dữ liệu tương đương với mức giá thấp hơn, dẫn đến một cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá và làm giảm tỷ suất lợi nhuận.

Trước tình hình đó, các nhà mạng đều không thể ngồi yên nhìn doanh thu "tụt dốc", mà phải phát triển các dịch vụ mới, chủ động triển khai công nghệ mới để tạo ra các nền tảng dẫn dắt thị trường, tạo ra nguồn thu mới.

Tuy nhiên hiện nay, số thuê bao 2G chỉ sử dụng thiết bị đầu cuối phổ thông - hay còn gọi là điện thoại "cục gạch" còn khoảng 22 triệu thuê bao. 4G đã phổ biến với nhiều người, công nghệ 5G đã sắp đi vào đời sống, thì 22 triệu thuê bao này vẫn còn là một rào cản lớn trong việc đưa các dịch vụ công nghệ số chạm tới khách hàng, tạo ra bất bình đẳng trong việc tiếp cận công nghệ trong xã hội.

Đằng sau chiến lược bán như cho smartphone quốc dân 4G - Ảnh 1.

Để giải quyết vấn đề này, cuối năm 2020, Viettel Telecom đã kết hợp với VinSmart thuộc tập đoàn Vingroup ra mắt những chiếc smartphone 4G có giá chỉ 600.000 đồng.

Trong đó, trên mỗi điện thoại bán ra, Viettel trợ giá cho khách hàng, các nhà phát triển ứng dụng cài sẵn trên máy hỗ trợ 1 USD/ứng dụng. Với chủ trương có khoảng 10 ứng dụng cơ bản, giá thành sản phẩm được giảm thêm khoảng 10 USD. Cộng với việc trợ giá từ nhà sản xuất, giá bán những chiếc điện thoại thông minh thương hiệu Việt đến tay người dân chỉ còn 600.000 đồng (giá gốc 1,5 triệu đồng).

Đằng sau chiến lược bán như cho smartphone quốc dân 4G - Ảnh 2.

Đây được xem là chiến lược quan trọng trong việc khởi tạo xã hội số vì rất nhiều những ứng dụng mà Viettel cũng như nhiều công ty dịch vụ số khác đã, đang và sẽ triển khai đều cần có smartphone. Chỉ khi người dân có smartphone thì Viettel mới có thể tạo ra nguồn thu mới. Ngược lại, smartphone 4G cũng giúp mọi người tiếp cận với công nghệ tiên tiến nhất, mang lại cuộc sống tiện nghi hơn. Đồng thời, người dân sẽ chỉ có thể tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia khi họ có công cụ và tri thức.

Phổ cập smartphone cũng là một trong 8 việc lớn cần làm ngay được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ tại hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của ngành thông tin và truyền thông.


Đằng sau chiến lược bán như cho smartphone quốc dân 4G - Ảnh 3.

Nhã Mi

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên