MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền

10-12-2019 - 12:16 PM | Sống

Hình ảnh nữ trung vệ Chương Thị Kiều bị rách đùi, chảy máu phải băng bó chằng chịt nhưng vẫn lăn xả chiến đấu suốt 120 phút tại trận chung kết SEA Games 30 khiến nhiều người xót xa. Để có được thành công hiện tại, cô gái người Khơ-me đã phải trải qua chuỗi ngày cơ cực.


Nhà nghèo không đủ ăn, 11 tuổi phải xa bố mẹ để học đá bóng

Chiều muộn 9/12, men theo con đường ven sông dẫn vào ấp Hòa Hiếu 1, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, những người dân quanh xóm vẫn bàn tán không ngớt về chiến thắng 1-0 của đội tuyển nữ Việt Nam trước Thái Lan để lần thứ 6 bước lên đỉnh vinh quang tại đấu trường SEA Games.

 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 1.
 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 2.
 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 3.

Hình ảnh Chương Thị Kiều chân rướm máu, đầy vết thương nhưng vẫn cố gắng thi đấu tại trận chung kết SEA Games khiến nhiều người xúc động.

Nhắc đến Chương Thị Kiều, người dân Gò Quao không ai không biết cô gái người dân tộc Khơ-me đầy bản lĩnh. "Con bé đó giỏi lắm, nhà nó ở sát mép sông kia kìa, hôm qua nó còn băng đùi để đá banh cơ mà", một người dân vừa nói vừa chỉ đường cho chúng tôi.

Đẩy chiếc xuồng lá cập sát bờ sông, một người đàn ông đen nhẻm vội bước vào nhà. Chú là Chương Út (50 tuổi), bố của nữ trung vệ đội tuyển Việt Nam Chương Thị Kiều.

 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 4.

Chú Chương Út - bố của nữ cầu thủ bóng đá Chương Thị Kiều luôn tự hào mỗi khi nhắc đến con gái.

 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 5.
 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 6.

Gia đình thuần nông nên công việc mỗi ngày của chú Út gắn liền với sông nước, ruộng đồng.

Mời chúng tôi vào nhà, hớp vội miếng nước trà, chú Út hồ hởi: "Cả ngày hôm nay tui vui quá, đội tuyển Việt Nam thắng rồi, con Kiều nhà tui có HCV nữa rồi". Nói đoạn, chú Út chỉ lên bức tường dày đặc những huy chương, bằng khen mà đứa con gái mình đạt được trong nhiều năm qua.

Theo chú Út, ban đầu gia đình không có ý cho Kiều theo nghiệp bóng đá mà muốn Kiều học văn hóa để trở thành cô giáo, bác sĩ như niềm mơ ước của bao bậc cha mẹ vùng nông thôn. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống cơm áo gạo tiền khiến chú buộc lòng phải gởi Kiều đi học bóng đá, phần vì là đam mê của con, phần khác để đỡ gánh nặng gia đình.

 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 7.

Trên tường nhà treo đầy những tấm huy chương, giấy khen của Chương Thị Kiều.

 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 8.
 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 9.

Chú Út vui vẻ khoe tấm HCV ở kỳ AFF 2019 mà con gái cùng đồng đội giành được tại Thái Lan.

"Tui có ông anh quen, ổng kêu cho con Kiều nó đi đi, con bé giỏi lắm, nó lên Sài Gòn được học đá bóng, học văn hóa nữa. Lúc đó gia đình cũng khó khăn, con bé mới có 11 tuổi, vừa học xong lớp 5 thôi à".

"Đưa nó lên xe để đi thành phố, tui cứ nghĩ không biết lên xe rồi sẽ như thế nào. Tui lo lắm, về nhà nhớ con khóc quá trời luôn, đợt đó khóc tận mấy tháng (chú Út cười nói). Bởi nhớ con, nó không có xin tui đi nhưng nó nghe lời bố mẹ, mà nghĩ mình khổ quá, đưa con đi biết đâu tốt cho con", chú Út tâm sự về quyết định gửi Kiều đi học bóng đá từ nhỏ.

Nhưng cũng chính từ thời điểm ấy, gia đình chú Út rơi vào cảnh khốn khổ khi suốt 2 năm ròng không có bất cứ tin tức gì của Kiều. Đôi lúc, chú Út nghĩ mình đã mất đi Kiều, mất đứa con gái út ngoan ngoãn khi mới hơn 10 tuổi.

2 năm trời không biết con gái ở đâu, sống chết thế nào

 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 10.

Nhắc đến lúc vừa gửi Kiều đi học bóng đá, chú Út xúc động, đó là một thời gian khó khăn đối với gia đình chú.

"Năm Kiều đi không có cách nào để liên lạc với con. Tui chỉ biết đưa con đi mà không biết đi đâu cả, điện thoại cũng không có", chú Út nhớ lại khoảng thời gian kinh khủng nhất của gia đình mình rồi nói tiếp.

"Thời gian ấy tui cảm giác như mình mất một đứa con rồi vì mình không biết tìm con ở đâu. Nhà lại không có tiền bạc gì, khổ lắm… Tui khóc ròng mấy tháng. Bà ngoại Kiều bảo tui đem con đi bán hay mất tích gì mà không thấy. Họ hàng, xóm giềng dị nghị, tui không dám qua nhà ngoại Kiều luôn vì qua là bả chửi".

Sau một thời gian dài chờ đợi tin tức con trong vô vọng, khoảng 2 năm sau, chú Út được gặp lại con tại TP.HCM. Khi ấy, cả gia đình chú như sống lại một lần nữa bởi đã nhìn thấy bằng da bằng thịt đứa con gái nhỏ của mình.

 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 11.

Nụ cười luôn rạng rỡ đầy tự hào mỗi khi chú Út nhắc đến Kiều.

 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 12.

Cô Vân mẹ của Kiều cho biết nữ vận động viên rất hiếu thảo, dù xa nhà những lúc nào cũng nhớ đến bố mẹ.

"Lúc lên gặp Kiều tui hạnh phúc lắm vì thấy con mình ổn, được vô đá bóng, ăn uống đầy đủ mà vui lắm. Nhưng khi đó nó không có được lương gì đâu, chỉ ăn đeo người ta thôi. Giờ có căn nhà này cũng nhờ Kiều, nó tằn tiện tích góp để cất được cái nhà cho bố mẹ, tui mừng lắm", chú Út nói đầy tự hào.

Ngồi kế bên chú Út, cô Chương Thị Vân (50 tuổi, mẹ của Kiều) xúc động khi nhắc đến đứa con bé nhỏ của mình. "Nó đi hết để có 2 ông bà ở nhà một mình, lúc trước tủi lắm, giờ còn có zalo, điện thoại để nói chuyện cho đỡ nhớ", cô Vân nghẹn lời.

Theo cô Vân, mỗi năm Kiều chỉ được về thăm nhà khoảng 2 lần. Cô cũng mong Kiều có thể về nhà nhiều hơn và chăm lo cho hạnh phúc gia đình.

 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 13.

Ngoài việc đồng áng, cô Vân còn lo cơm nước cho chồng và đứa cháu nội.

 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 14.
 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 15.
 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 16.

Đôi lúc cô Vân cũng muốn con gái nghỉ ngơi nhưng sự đam mê theo nghề khiến cô hết mình ủng hộ con.

"Cô nhớ nhất lúc con Kiều bị đứt dây chằng, cô phải lên Sài Gòn để trông nó, xót lắm, cứ nghĩ con mình sẽ bỏ đá bóng nhưng mà đó là đam mê của con, bố mẹ phải chịu. Lúc Kiều đi nhiều người cũng nói này nói nọ nhưng kệ họ, miễn con bé ngoan ngoãn, nghe lời là được rồi", cô Vân vui vẻ nói.

"Thấy con bị thương bả khóc quá trời, còn tui sợ con bé phải ra sân nghỉ"

Theo dõi suốt 120 phút trận chung kết giữa đội tuyển nữ Việt Nam – Thái Lan và cả hành trình bảo vệ ngôi hậu tại SEA Games 30 của con gái cùng đồng đội, chưa bao giờ chú Út hết tự hào.

 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 17.

Dù chấn thương chằng chịt nhưng Chương Thị Kiều vẫn nỗ lực thi đấu suốt 120 phút đầy quả cảm.

 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 18.
 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 19.

Chiến thắng của tuyển Việt Nam trước Thái Lan ngoài mồ hôi, công sức còn có cả máu và nước mắt của Kiều và các đồng đội.

"Con bé nó mạnh mẽ lắm. Qua tui với bả theo dõi, hồi hộp dữ lắm chỉ mong Việt Nam thắng. Lúc con bé chấn thương, bả ngồi đó khóc quá trời. Tui cũng xót, không biết làm sao luôn. Thấy con bé chảy máu, chân băng bó chỉ sợ nó không tiếp tục được. Nhưng trong suy nghĩ, tui vẫn không muốn con ra sân nghỉ mà muốn nó tiếp tục chiến đấu. Chừng nào cảm thấy không nổi thì thôi, có chảy máu đi nữa mà đá được thì vẫn đá", chú Út hồ hởi nói.

"Đến hiệp phụ đầu tiên, vô một trái là la làng cả lên. Mừng quá, tui với bả ôm nhau khóc quá trời, khóc vì tự hào, mừng cho con mình, cho bóng đá nữ Việt Nam. Tui gặp ai cũng khoe cả, con Kiều nhà tôi đó, nó lại được HCV SEA Games nữa rồi!".

 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 20.

Chú Út hi vọng con gái sẽ tiếp tục cống hiến để Việt Nam lọt vào World Cup.

Theo chú Út, mặc dù Kiều đã cùng đội tuyển nữ Việt Nam giành rất nhiều thành tích cho thể thao nước nhà, năm nay Kiều cũng đã 24 tuổi. Đối với một cô gái miền quê, bạn bè của Kiều đều đã đến tuổi lập gia đình, lấy chồng sinh con nhưng với vợ chồng chú Út, miễn là Kiều còn đam mê, còn nhiệt huyết thì cô chú luôn ủng hộ.

"Mọi việc đều do con Kiều nó quyết định. Khi nào mà đá không được hãy nghỉ, chứ đá được hãy tiếp tục đá để đem lại thành tích cho bóng đá nữ Việt Nam mình. Tui cũng mong lắm bóng đá nữ được vào World Cup mà không biết như thế nào! Được vô là mình mừng lắm", chú Út cười tươi.

 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 21.
 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 22.

Bé Chương Thị Ngọc Trân - cháu nội chú Út cho biết rất thích cô Kiều và ước mơ sau này cũng muốn học đá bóng giống cô.

 Đằng sau chức vô địch được đánh đổi bằng máu và nước mắt là câu chuyện ít người biết về Chương Thị Kiều: Xa nhà năm 11 tuổi, bố mẹ bị mắng nhiếc vì nghĩ bán con để lấy tiền  - Ảnh 23.

Căn nhà nhỏ chỉ còn có hai vợ chồng chú Út và đứa cháu nội lên 5.

Sau khi SEA Games kết thúc, điều mà vợ chồng chú Út mong nhất là Kiều sẽ có thời gian để trở về thăm nhà. Dù đã quen với việc con gái phải xa gia đình để đi chinh chiến ở các đấu trường trong nước và quốc tế nhưng nỗi nhớ thương, mong con về vẫn luôn xuất hiện trong suy nghĩ của 2 vợ chồng.

Tối đến, những ánh đèn bật lên trong xóm nhỏ, đâu đấy văng vẳng tiếng chó sủa lẫn tiếng ếch nhái ngoài đồng. Chú Út, cô Vân lục lại những tấm huy chương, giấy khen của Kiều trong căn nhà vắng, 2 vợ chồng già thui thủi cùng đứa cháu nội mới tròn 5… Để có được niềm vinh quang cho đất nước, chú Út biết rằng không chỉ có Kiều mà còn rất nhiều gia đình khác cũng hi sinh hạnh phúc cá nhân, tất cả vì niềm tự hào dân tộc.

Theo Văn Tiên

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên